“Bom nợ” Evergrande và nỗi lo trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Nguyễn Long

23/09/2021 14:12

Theo dõi trên

Tập đoàn bất động sản Evergrande hiện có nợ phải trả nhiều hơn bất kỳ nhà phát triển bất động sản nào khác trên thế giới và cũng là nhà phát hành trái phiếu lớn ở thị trường Trung Quốc. Evergrande đang có nguy cơ vỡ nợ do mất khả năng thanh khoản. Từ hiệu ứng Evergrande và nỗi lo trái phiếu doanh nghiệp bất đông sản (TPDN) ở Việt Nam.

"Bom nợ" bất động sản Evergrande thách thức chính sách của Trung Quốc.

Hiệu ứng Evergrande

Evergrande hiện có khoảng 300 tỷ USD nợ phải trả, nhiều hơn bất kỳ nhà phát triển bất động sản nào khác trên thế giới. Hiện Evergrande cũng đang nắm khoảng 16% số trái phiếu đang lưu hành tại Trung Quốc. Trong đó, khoảng 83,5 triệu USD tiền lãi của một số trái phiếu có thời hạn 5 năm sẽ đến hạn vào 23/9 và việc không thanh toán trong vòng 30 ngày có thể khiến “bom nợ” Evergrande vỡ nợ. Ngoài ra, Evergrande cũng cần thanh toán khoản nợ 232 triệu nhân dân tệ (36 triệu USD) cho một trái phiếu trong nước.

Do lo ngại tác động nếu Evergrande vỡ nợ, đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực.

S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 5 khi mất 1,7% trong phiên 20/9. Nasdaq Composite - rổ chỉ số tập trung vào nhóm công nghệ - giảm 2,2%, sau khi mất hơn 3% đầu giờ. Hai chỉ số này hướng tới tháng giảm điểm mạnh nhất từ tháng 9/2020.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng hướng tới mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Đà bán tháo tăng tốc vào giữa phiên, khiến chỉ số quan trọng của Phố Wall giảm tới 972 điểm, trước khi thu hẹp đà giảm nhờ sự phục hồi của một số mã bluechip.

Không riêng tại Mỹ, tình trạng bán tháo cũng diễn ra trên toàn cầu. Chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 3,3%, đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 10/2020, trong khi Stoxx Europe 600 của thị trường châu Âu giảm 1,7%.

Những lo ngại gia tăng về cuộc khủng hoảng nợ của Evergrande kéo mọi thứ đi xuống, từ cổ phiếu ngân hàng đến trái phiếu bằng USD....

Theo Bloomberg, nhiều nhà đầu tư đang chọn cách bán trước và đặt câu hỏi sau, khi đối mặt với sự không chắc chắn, về việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể tránh được một cuộc khủng hoảng tài chính, nhưng thử thách Evergrande vẫn có thể gây ra thiệt hại kéo dài.

"Những hậu quả từ sự sụp đổ trong tương lai của Evergrande có thể sẽ góp phần vào sự giảm tốc kinh tế đang diễn ra của Trung Quốc, từ đó kéo theo tăng trưởng và lạm phát toàn cầu, đồng thời ảnh hưởng đến giá hàng hóa", Phoenix Kalen, người đứng đầu về chiến lược đầu tư vào các thị trường mới nổi tại London, cho biết.

Theo bà Jenny Zeng, chuyên gia của Công ty quản lý tài sản toàn cầu AllianceBernstein (trụ sở New York – Mỹ), một lượng lớn các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đang trong tình trạng "khủng hoảng nghiêm trọng" và "không thể trụ nổi" nếu các kênh tái cấp vốn tiếp tục bị đóng một quãng thời gian dài.

Đài CNBC cho biết Evergrande hiện là tập đoàn bất động sản nợ sâu nhất thế giới với khoản nợ khổng lồ hơn 300 tỉ USD. Ngân hàng được cho là đã từ chối gia hạn các khoản vay mới cho những người mua dự án chưa hoàn thành của Evergrande, tập đoàn liên tục bị hạ điểm xếp hạng vì suy giảm thanh khoản.

4423_3

Nhân viên an ninh dàn hàng bên ngoài trụ sở Evergrande khi mọi người tập trung đòi trả nợ. (Ảnh: Reuters)

Evergrande lớn đến mức nào?

Tên đầy đủ của tập đoàn là Evergrande Real Estate Group. Đây là nhà thầu bất động sản Trung Quốc lớn thứ 2 trong nước. Thành lập năm 1996, công ty đã phát triển nhanh chóng, không ngừng lớn mạnh để đến năm 2009 có mặt trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Evergrande niêm yết vốn 7,6 tỷ euro, trong lúc thị trường bất động sản ở Trung Quốc đang sôi sục. Chủ của tập đoàn là Hứa Gia Ấn ( Xu Jiayin), một người tự mình gây dựng sự nghiệp, từ nghèo khó trở thành người giàu nhất châu Á năm 2017.

Không hài lòng với ngành xây dựng, Evergrande đã đa dạng hóa đầu tư vào các lĩnh vực như chế tạo xe hơi điện, du lịch, nước đóng chai, bảo hiểm, y tế, inernet…. và cả bóng đá. Evergrande, trở thành một tập đoàn quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, còn mơ ước sẽ xây dựng một công viên giải trí lớn hơn cả Disney hiện nay.

Hiện tại, Evergrande sử dụng 200 nghìn nhân viên. Nhưng trên thực tế có đến 3,8 triệu lao động phụ thuộc trực tiếp vào các hoạt động của công ty này.

Và nỗi lo trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong nước

“Bom nợ” bất động sản Evergrande đã tạo ra sự bi quan bao trùm, VN-Index phải chịu áp lực nặng nề, khiến cho nhiều lúc tưởng chừng thị trường đã không thể đứng vững.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/9, VN-Index có cây nến xanh nhưng giảm hơn 10 điểm, mức giảm mạnh nhất từ đầu tháng cho đến nay. Thanh khoản duy trì ngang bằng so với phiên hôm qua, tổng giao dịch 3 sàn đạt 27.600 tỷ đồng, riêng giao dịch trên HoSE đạt 21.900 tỷ đồng.

VN – Index giảm 10,64 điểm (0,79%) xuống 1,339.84 điểm. Toàn sàn có 136 mã tăng (33 mã trần), 36 mã tham chiếu, 275 mã giảm (4 mã sàn).

HNX – Index tăng 0,11 điểm (0,03%) lên 358.98 điểm. Toàn sàn có 129 mã tăng (33 mã trần), 45 mã tham chiếu, 115 mã giảm (2 sàn).

UPCOM – Index giảm 0,68 điểm (0,7%) xuống 96.77 điểm. Toàn sàn có 135 mã tăng (29 mã trần), 57 mã tham chiếu, 190 mã giảm (4 sàn).

Từ hiệu ứng của “bom nợ” Evergrande có nguy cơ phát nổ, liên hệ vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam thời gian qua.

Nhiều chuyên gia kinh tế tỏ rõ sự lo ngại về việc thời gian gần đây có sự “bùng nổ” doanh nghiệp bất động sản đã gọi vốn thông qua kênh phát hành trái phiếu.

Bộ Tài chính đã nhiều lần khuyến nghị đối với các DN có tình hình tài chính yếu kém, nếu huy động vốn trái phiếu bằng mọi giá, trường hợp gặp rủi ro do hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn sẽ dẫn đến không trả được nợ cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo của trái phiếu cũng có rủi ro nếu là các dự án, bất động sản được hình thành trong tương lai, hoặc cổ phiếu của chính các DN thì giá trị của các tài sản và cổ phiếu sẽ không đủ để đảm bảo cho trái phiếu.

Vì lợi nhuận, nên số lượng nhà đầu tư cá nhân tăng nhanh, với khối lượng mua trái phiếu riêng lẻ của các nhà đầu tư có xu hướng ngày càng tăng. Để việc phát hành thuận lợi, nhiều DN sử dụng chiêu “mồi nhử” lãi suất cao, trung bình ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp 2 lần lãi suất huy động của ngân hàng.

Theo số liệu do FiiinRatings thống kê dựa trên báo cáo tài chính của 17 DN trong lĩnh vực bất động sản nhà ở có hoạt động phát hành trái phiếu trong năm 2020 cho biết, hệ số chi trả lãi vay giảm mạnh về mức 0,7 lần, tức lợi nhuận tạo ra không đủ chi trả lãi vay.

Tương tự, số liệu từ Bộ Tài chính cũng cho thấy thời gian qua, khối lượng trái phiếu không có tài sản đảm bảo chiếm 51% tổng khối lượng phát hành, trong đó, đến 90% trái phiếu không có tài sản bảo đảm là trái phiếu do tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán phát hành.

“Hiện tại, thị trường TPDN đang phát triển rất mạnh. Trong khi đó, nền kinh tế lại bị tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Chỉ trong 8 tháng đầu năm, có tới trên 85.000 DN đã buộc phải đóng cửa. Nếu tình trạng này kéo dài đến cuối năm, số lượng DN bị tạm ngừng kinh doanh có thể lên tới con số 100 nghìn, trong đó có thể có cả những nhà phát hành TPDN.

TS. Tạ Văn Thành, chuyên gia Kinh tế cho biết, đa số nhà đầu tư cá nhân hiện nay không quan tâm nhiều đến xếp hạng cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà chỉ cần lãi suất cao. Trái phiếu vẫn phát hành đều nhờ cam kết lãi suất cao. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Ông bày tỏ quan ngại, trong số doanh nghiệp này, không ai dám chắc có hay không những doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu!

TS. Nguyễn Trí Hiếu thì cho rằng, nhà đầu tư cá nhân mua TPDN không chỉ đặt mục tiêu lãi suất cao ở hiện tại, mà phải tìm lối thoát cho những năm sắp tới. Trong giai đoạn nền kinh tế bị tê liệt vì dịch bệnh, đây không phải lúc nhà đầu tư cá nhân bùng nổ và kiếm lợi nhuận bằng mọi giá, mà là thời điểm của sự chọn lọc và cẩn trọng” .

Với những rủi ro như thế, thị trường TPDN đang được ví như “bom nổ chậm”./.

Bạn đang đọc bài viết "“Bom nợ” Evergrande và nỗi lo trái phiếu doanh nghiệp bất động sản" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com