Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường: Cần thay đổi tư duy và cách chống dịch

10/11/2021 07:29

Theo dõi trên

Thảo luận hội trường về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó khăn, khó lường, Việt Nam cần thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “Zero COVID”. 

Những quyết sách đặc biệt chưa có tiền lệ

Thảo luận về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao vai trò của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Mặc dù có những tổn thất, mất mát không hề nhỏ về người và kinh tế nhưng qua khó khăn, thách thức chúng ta càng thấy tinh thần đoàn kết, tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau; phát huy được sức mạnh dân tộc để vượt qua khó khăn, thử thách, củng cố niềm tin của Đảng với nhân dân, của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH Bắc Kạn, đợt bùng phát dịch thứ tư tiếp tục để lại những hậu quả nặng nề. Nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động phải hồi hương về quê vì không còn việc làm và khoản tích cóp cũng không đủ để cầm cự nơi đô thị. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30; trong 2 tháng qua, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập nhiều phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét các đề xuất của Chính phủ. Từ đó, đã ban hành 6 nghị quyết với hàng loạt quyết sách đặc biệt chưa từng có tiền lệ với số tiền lên đến gần 100.000 tỷ đồng và nhiều nghị quyết đã được ký ban hành ngay trong đêm để kịp chuyển cho Chính phủ thực hiện.

qh

Các đại biểu tham dự phiên họp sáng 8/11. Ảnh: quochoi.vn 

Cụ thể, các quyết sách của Quốc hội đã tạo mọi điều kiện để Chính phủ vững tâm trong chống dịch. Lường trước những khó khăn của dịch bệnh, Quốc hội đã cho phép Chính phủ được triển khai những biện pháp khác với luật và trong thời gian Quốc hội không họp, nếu cần phải ban hành các quy định khác với luật thì sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước khi thực hiện. Thực tế 2 tháng qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm được Quốc hội ủy quyền, đã xem xét thấu đáo và khẩn trương các đề xuất của Chính phủ, từ đó bảo đảm các điều kiện về nguồn lực và điều kiện về pháp lý để Chính phủ vững tâm trong chống dịch.

Về an sinh xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, ngày 24/9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng và ban hành Nghị quyết số 03. Lần đầu tiên quyết định một gói hỗ trợ bằng tiền cho người lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên đến 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ khoảng 13 triệu lao động và yêu cầu phải hoàn thành xong trong 3 tháng. Cùng với đó thì người sử dụng lao động được giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp xuống còn 0% và ước tính có khoảng 390.000 doanh nghiệp sẽ được hưởng chính sách này. Một chính sách chưa từng có tiền lệ và rất nhân văn.

Trong tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, ngày 19/10, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và lắng nghe ý kiến của các ngành, các giới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 406 về chính sách miễn thuế, giảm thuế. Và theo các chuyên gia kinh tế thì chính sách này được ví như chiếc bình oxy kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp, người dân đang đuối sức vì dịch bệnh. Tính thiết thực của nghị quyết ở chỗ rất rõ ràng về tiêu chí đối tượng, để vừa không mất thời gian trong triển khai và vừa thuận lợi cho công tác giám sát sau này. Trong bối cảnh ngân sách đang phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay, thì chính sách này thực sự là một sự chia sẻ rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp.

qh1

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn ĐBQH Bắc Kạn phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn 

Đối với lĩnh vực tư pháp, do tình hình dịch bệnh, nhiều biện pháp điều tra và nhiều phiên tòa đã không thể tiến hành theo kế hoạch. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã cho phép trình dự án Luật Tố tụng hình sự và dự thảo Nghị quyết về phiên tòa trực tuyến theo thủ tục rút gọn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho công tác tư pháp và đã đạt được sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội.

Thực hiện 6 mục tiêu lớn

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Một số địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine cho người dân dẫn tới tình trạng một số cán bộ y tế bị xử lý kỷ luật. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm COVID-19, thu phí xét nghiệm quá cao, gây bức xúc cho người dân, thậm chí cùng một bộ test nhanh, cùng quốc gia sản xuất lại có 3 mức giá tham chiếu công bố trên thị trường trong chưa đầy một tháng, trong khi các chi phí xét nghiệm này là bắt buộc khi đi khám chữa bệnh và không được bảo hiểm y tế chi trả...

qh2

 Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn ĐBQH Nam Định phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Nhấn mạnh một số vấn đề liên quan đến việc thực thi công vụ trong công tác phòng, chống dịch, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, đoàn ĐBQH Nam Định chỉ rõ, mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải có sự quản lý điều tiết của Chính phủ, kiên quyết không để ban hành giấy phép con, không được cát cứ chia cắt, nhưng tại một số thời điểm vì quá lo lắng cho địa phương mình, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết, gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, có nơi còn quá cứng nhắc, lạm quyền trong cách hành xử với người dân, gây bức xúc trong dư luận.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó khăn, khó lường, phải thay đổi tư duy và cách chống dịch theo hướng quản lý rủi ro chứ không theo đuổi chính sách “Zero COVID”. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng xác định cần thích ứng an toàn và lâu dài với COVID-19. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể, ứng phó hiệu quả đại dịch COVID-19 trong tình hình mới.

“Theo đó, cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm 1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm, cụ thể đó là tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin, giảm tỷ lệ người mắc COVID-19, giảm tỷ lệ tử vong vì COVID-19, bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như sức khỏe tinh thần của người dân, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên, tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.

Hiến kế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn ĐBQH Bình Định cho rằng, các quy định 5K hiện nay đang được áp dụng chung cho mọi cá nhân, không phân biệt nhóm. Việc phân chia nhóm trong sinh hoạt cộng đồng sẽ giúp phòng, chống dịch hiệu quả hơn. Như chúng ta có thể phân nhóm gia đình, nhóm học sinh, nhóm du lịch, nhóm cùng cơ quan...

“Ví dụ sắp tới, chúng ta nới lỏng hơn cho ngành du lịch. Một nhóm khách du lịch đến một khách sạn, một nhà hàng ở vùng vàng thì họ không phải giữ khoảng cách với nhau như các khách vãng lai. Họ có thể ngồi sát nhau và nhà hàng sẽ sắp xếp để họ ngồi cách xa các nhóm khác, như vậy vẫn sẽ an toàn hơn để mọi người vào nhà hàng và đều ngồi cách nhau 2m. Hay tôi ví dụ taxi 5 chỗ quy định chở một người phía sau. Nếu gia đình 3 người đi 3 xe thì nguy cơ lây nhiễm với các lái xe sẽ tăng 3 lần so với việc 3 người trong gia đình đi cùng một xe. Các hoạt động xã hội được duy trì ổn định thì hiệu quả tự nhiên của kinh tế sẽ phát triển ổn định”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho biết.

Phát biểu tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề xuất Nhà nước, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích hơn nữa về vật chất, tinh thần, khen thưởng, ghi công đối với các y bác sĩ, nhân viên y tế, những chiến sĩ áo trắng, cán bộ chiến sĩ quân đội, công an phải xa gia đình trong thời gian dài, chấp nhận hy sinh, kiên cường bám trụ, bất chấp hiểm nguy, chiến đấu quên mình vì sức khỏe, tính mạng của người dân. Có người đã vĩnh viễn ra đi.

“Chúng ta đã xác định họ là chiến sĩ, đã ghi nhận công lao của họ, Đảng, Nhà nước cần có thêm những chính sách thỏa đáng và hình thức khen thưởng xứng đáng, kịp thời với sự cống hiến, hy sinh của họ, cũng là để động viên, khuyến khích các lực lượng tiếp theo trong cuộc chiến phòng chống dịch còn hết sức khó khăn, lâu dài và khó lường”, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn ĐBQH Đắk Lắk nhấn mạnh.

Bạn đang đọc bài viết "Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường: Cần thay đổi tư duy và cách chống dịch" tại chuyên mục Sự kiện. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com