Hai KCN rộng hơn 1.500ha tại Quảng Ninh chậm tiến độ

Tâm An

23/06/2022 10:40

Theo dõi trên

Mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ năm 2014 và 2016 nhưng đến nay 2 khu công nghiệp này vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

hai-kcn-rong-hon-1500ha-tai-quang-ninh-cham-tien-do-1655912983-1655955467.jpg
 

Cụ thể, KCN Nam Tiền Phong được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 22.12.2014 và thay đổi lần thứ 2 ngày 21.12.2020, với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 2.687 tỉ đồng, do Công ty CP KCN Tiền Phong làm chủ đầu tư.

KCN được quy hoạch trên diện tích 487,4ha, trong đó đất công nghiệp là 317,2ha. Sau 8 năm được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đến nay chủ đầu tư cùng với chính quyền TX Quảng Yên đã thực hiện GPMB được 340,3/366,3ha thuộc địa giới hành chính của tỉnh Quảng Ninh, phần còn lại dự kiến sẽ hoàn thành trong quý 2.2022.

Tuy nhiên diện tích đã hoàn thành san lấp mặt bằng mới chỉ đạt trên 50ha và đầu tư được rất ít hạng mục hạ tầng kỹ thuật trong KCN, như: Đầu tư được 1,22km đường nội bộ phía Tây; 0,350km đường nội bộ phía Đông; 1,8km hệ thống hào tiện ích; 1,2km mương hở; trạm biến áp 630kVA và đang đầu tư trạm xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm.

Sự chậm trễ trong triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đã khiến số lượng dự án thu hút đầu tư vào KCN Nam Tiền Phong hiện rất ít, mới chỉ có 3 dự án ký thỏa thuận nguyên tắc, với diện tích sử dụng đất đăng ký 36,8ha, vốn đầu tư khoảng 3.935 tỉ đồng. Hiện tại, chủ đầu tư đang phối hợp với nhà đầu tư thứ cấp hoàn thiện hồ sơ đối với 2 dự án (Nhà máy sản xuất Vaccine Sputnik V của nhà đầu tư Nga, diện tích 0,5ha; Nhà máy sản xuất cáp hàng hải của nhà đầu tư Hàn Quốc, diện tích 15ha).

Tại KCN Bắc Tiền Phong do Công ty CP KCN Nam Tiền Phong làm chủ đầu tư, dù đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 23.9.2016, thay đổi lần thứ 3 ngày 30.12.2020, nhưng đến nay tỷ lệ san lấp mặt bằng, thu hút các dự án thứ cấp rất hạn chế.

KCN có diện tích quy hoạch 1.192,9ha, hiện đã có gần 400ha được GPMB bàn giao cho chủ đầu tư, nhưng mới chỉ có 100ha được chủ đầu tư thực hiện san lấp mặt bằng.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh, hiện tại chủ đầu tư mới hoàn thành hạng mục cổng chào vào KCN, hoàn thành 2,5km đường nội bộ, hơn 9km hào tiện ích và mương thoát nước ở phía Bắc KCN; đang tiếp tục xây dựng tuyến đường nội bộ dài hơn 2km và đầu tư trạm xử lý nước thải công suất 4.500m3/ngày đêm.

Trong năm 2021, chủ đầu tư mới chỉ thu hút được một dự án đầu tư thứ cấp của Công ty CP Hóa dầu Yên Hưng, với diện tích 9,6ha, số vốn đăng ký đầu tư 4.229 tỉ đồng.

Như vậy đến nay, tại 2 KCN này chưa có một dự án của nhà đầu tư thứ cấp nào đi vào hoạt động. Trong khi đó, KCN Sông Khoai trên địa bàn mặc dù được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 29.3.2018 nhưng đến nay đã có 3 dự án của nhà đầu tư thứ cấp được triển khai đầu tư, trong đó có dự án công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam đã đi vào vận hành, sản xuất được 831 tấn sản phẩm và xuất khẩu được 269 tấn, doanh thu đạt trên 16 triệu USD.

Trước thực trạng này, giữa tháng 1.2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định số 157 thành lập Tổ công tác đôn đốc tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng, hỗ trợ thu hút đầu tư vào địa bàn 2 KCN này.

Tổ công tác có trách nhiệm quản lý nhà nước, kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 2 KCN Nam Tiền Phong, Bắc Tiền Phong. Đặc biệt sẽ hỗ trợ chủ đầu tư thu hút thêm 13 dự án đầu tư thứ cấp vào địa bàn 2 KCN này trong năm 2022 và thu hút thêm các dự án khác trong những năm tiếp theo đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bạn đang đọc bài viết "Hai KCN rộng hơn 1.500ha tại Quảng Ninh chậm tiến độ" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com