Học sinh làm bom hạt giống để gây rừng

Hoàng Nam

27/01/2022 10:14

Theo dõi trên

Học sinh ở xã Vân Hồ, tỉnh Sơn La, thu gom hạt giống, sau đó phân loại, làm bom hạt giống để gieo tại các khoảnh rừng trống của xã.

Từ 27/12/2021 đến 14/01/2022, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), tổ chức thực hiện dự án INSPiRE VIETNAM, đã kêu gọi và hướng dẫn các em học sinh tại hai cơ sở của Trường Tiểu học Vân Hồ thuộc bản Pa Cốp và Hua Tạt thu gom quả, hạt cây rừng ở các khu vực ven bản để làm nguồn giống cho hoạt động phục hồi rừng.

Chương trình đã thu gom được hơn 60kg hạt các loại. Các cán bộ PanNature sẽ phân loại, xử lý chỗ hạt này để làm bom hạt hoặc gieo ươm và đem trồng trên các diện tích rừng trống thuộc hai bản Pa Cốp – Hua Tạt.

Ngoài mục tiêu trồng rừng, PanNature còn đặt mục tiêu tuyên truyền thông điệp giữ và gây rừng trong cộng đồng. Học sinh và cư dân đô thị đã gián tiếp góp sức vào chương trình trồng rừng, bằng cách quyên góp sách vở, đồ dùng học tập và đồ chơi dùng để khích lệ học sinh ở Vân Hồ tham gia chương trình, trực tiếp gom, ươm và gieo hạt.

Dự án INSPiRE VIETNAM nhằm bảo tồn 630ha rừng tại xã Vân Hồ và giữ môi trường sống cho quần thể vượn đen má trắng.Vân Hồ (Sơn La) được tài trợ bởi Hiệp hội Bảo tồn Ngoại cảnh Châu Âu (EOCA).

Dưới đây là một số hình ảnh từ chương trình "Cùng em gieo hạt", hoạt động đầu tiên của dự án INSPiRE VIETNAM:

Cán bộ dự án PanNature kiểm nghiệm hạt giống cây rừng. Ảnh: PanNature.

Nhận hạt giống do học sinh Trường Tiểu học Vân Hồ thu gom được.Ảnh: PanNature.

Trao các phần quà sách vở, đồ dùng học tập cho các học sinh hai bản Pa Cốp và Hua Tạt tham gia thu gom hạt giống trong ngày cuối cùng của Chương trình, 14/1/2022.Ảnh: PanNature.

Xã Vân Hồ có hơn 1.657 ha rừng, trong đó 90 ha rừng đã được giao cho thôn Pa Cốp dưới dạng rừng cộng đồng.Nơi đây không chỉ lưu giữ nhiều loại cây thân gỗ quý hiếm như thông đỏ (Taxus chinensis), thông Pà Cò (Pinus kwangtungensis), bách xanh núi đá (Calocedrus rupestris) mà còn là nơi cư trú của một quần thể vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys) khoảng 15 cá thể cực kỳ nguy cấp. Mặc dù đàn vượn được người dân xem như linh vật không được phép xâm hại, song quần thể quý hiếm này đang đối mặt với nguy cơ mất môi trường sống và nguồn thức ăn do các hoạt động xâm lấn, chia cắt đất rừng làm nương rẫy và khai thác gỗ, củi. Ảnh: VNE

Bạn đang đọc bài viết "Học sinh làm bom hạt giống để gây rừng" tại chuyên mục Môi trường. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com