Những hình ảnh khoa học đẹp tháng 3

Hoàng Nam tổng hợp

07/06/2022 14:42

Theo dõi trên

Dưới đây là các hình ảnh khoa học nổi bật tháng 3/2022 do trang tin Nature lựa chọn.

Tế bào xoắn ốc. Đây là hình ảnh tế bào mũi của con người được chụp bởi Katie-Marie Case tại Viện Sức khỏe Trẻ em Great Ormond Street, Đại học London. Các tế bào được bao phủ bởi lớp lông mao - những sợi lông nhỏ có chức năng bẫy và dọn sạch các dị vật khỏi mũi. Trong khi nghiên cứu tại sao COVID-19 lại ảnh hưởng nhiều hơn đến một số nhóm tuổi nhất định so với những nhóm tuổi khác, Case nhận thấy những tế bào mũi hình xoắn ốc giống như thiên hà này chỉ xuất hiện ở những bệnh nhân lớn tuổi.

Bầu trời giông bão. Cơn bão có hình dạng kỳ lạ này đã đi qua châu Âu vào giữa tháng Ba, mang theo một đám bụi từ sa mạc Sahara khiến bầu trời có màu cam trên khắp Bán đảo Iberia, trước khi nó đi về phía bắc tới Scandinavia, Vương quốc Anh và Nga. Vệ tinh của chương trình quan sát Trái đất của Liên minh châu Âu, Copernicus, chụp được hình ảnh này ngày 17/3. Sự kiện thời tiết bất thường này đã gây ra nhiệt độ và lượng mưa cao hơn mức trung bình trên Vòng Bắc Cực và dọc theo vịnh hẹp Na Uy, trong khi làm xuất hiện tuyết ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Nano "chọc trời". Sử dụng máy in 3D, các nhà nghiên cứu đã xây dựng các "tòa nhà" siêu nhỏ cho vi khuẩn. Mỗi trụ nhỏ màu xanh lục này (chụp từ kính hiển vi điện tử) chỉ cao 600 micromet nhưng có cấu trúc phân nhánh dày đặc, tạo ra nhiều diện tích bề mặt cho vi khuẩn phát triển. Mục đích của các "tòa nhà" này là chứa càng nhiều vi khuẩn càng tốt để sản xuất năng lượng sinh học. Mỗi "tòa nhà" hoạt động giống như một điện cực làm từ các hạt nano oxit kim loại, thu nhận electron vi khuẩn tạo ra trong quá trình quang hợp. Nhờ cấu trúc đặc biệt, "các điện cực này giống như một căn hộ cao tầng với nhiều cửa sổ, vừa tạo ra nhiều diện tích bề mặt vừa cho phép nhiều ánh sáng đi qua, giống như một tòa nhà chọc trời bằng kính dành cho vi khuẩn”, Jenny Zhang, nhà hóa học vô cơ sinh học tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết. Kỹ thuật này tỏ ra hiệu quả hơn các phương pháp sản xuất năng lượng sinh học khác cũng tận dụng quá trình quang hợp.

Mưa sa mạc. Phóng viên ảnh Doug Gimesy đã chụp bức ảnh này từ một chiếc máy bay nhỏ khi đang bay qua trạm gia súc Anna Creek ở Nam Úc. Lượng mưa cục bộ cao bất thường đã khiến thảm thực vật phát triển mạnh mẽ xung quanh các kênh sông. Các loài thực vật bám theo sông mang lại những dòng màu xanh cho đất đỏ sa mạc, và các mỏ muối xung quanh sông chính (màu trắng) tạo ra quang cảnh thiên nhiên với màu sắc kỳ lạ.

Cá cầu vồng. Một nhà nghiên cứu người Maldives mô tả khoa học một loài cá mới có màu như cầu vồng, tên khoa học là Cirrhilabrus finifenmaa. “Từ trước đến nay luôn luôn là các nhà khoa học nước ngoài mô tả các loài được tìm thấy ở Maldives mà không có sự tham gia của các nhà khoa học địa phương, ngay cả những loài đặc hữu, lần này thì khác," nhà sinh vật học Ahmed Najeeb tại Viện Nghiên cứu Biển Maldives, đồng tác giả nghiên cứu mới mô tả Cirrhilabrus finifenmaa, cho biết. Tên của loài cá này có nguồn gốc từ ngôn ngữ Dhivehi địa phương: finifenmaa có nghĩa là hoa hồng, để trỏ cả màu hồng của cá và quốc hoa của đất nước.

Ra mắt tên lửa khám phá Mặt trăng. Ngày 17/3, tên lửa khám phá Mặt trăng khổng lồ của NASA, gọi là Hệ thống Phóng Không gian (SLS), lần đầu được đưa ra khỏi Tòa nhà Lắp ráp tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida. SLS đã được chuyển đến bệ phóng để chuẩn bị cho một thử nghiệm có nhiên liệu, gọi là diễn tập ướt. Tên lửa này cao 100 mét và là tên lửa mạnh nhất mà NASA từng chế tạo, dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ Artemis, đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt trăng.

Con tàu mất tích. Con tàu Endurance bị mất tích của nhà thám hiểm Nam Cực Ernest Shackleton đã được tìm thấy dưới đáy biển Weddell, 107 năm sau khi chìm xuống đáy đại dương. Các nhà khoa học đã phát hiện ra Endurance ở độ sâu 3.008 mét, vẫn còn được bảo quản khá tốt, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm mất của Shackleton. Con tàu cách vị trí cuối cùng được ghi nhận khoảng 6 km về phía nam. Để tìm ra Endurance, các nhà khoa học đã dành nhiều tuần để tìm kiếm khu vực bằng một tàu nghiên cứu của Nam Phi, với hệ thống các phương tiện tìm kiếm dưới nước điều khiển từ xa.

Nguồn:

https://www.nature.com/immersive/d41586-022-00839-4/index.html

https://www.nature.com/articles/s41563-022-01205-5

https://endurance22.org/endurance-is-found

Bạn đang đọc bài viết "Những hình ảnh khoa học đẹp tháng 3" tại chuyên mục Văn hóa. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com