Phát triển BĐS du lịch Việt Nam: Bài học nhìn từ Tây Ban Nha

30/11/2021 14:32

Theo dõi trên

Nằm trên bán đảo Iberia phía Tây Nam châu Âu, Tây Ban Nha là quốc gia có nhiều địa điểm cổ đại lịch sử lâu đời, quê hương của điệu nhảy Flamenco sôi động, tràn đầy sức sống. Vùng đất dồi dào tiềm năng du lịch đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Bất động sản (BĐS) cho ngành nghề này. 

Chính sách đầu tư minh bạch

Nhiều khách du lịch và nhà đầu tư BĐS du lịch Tây Ban Nha đến từ Vương quốc Anh, Ireland và các nước Bắc Âu. Gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường này. Cơ cấu du khách được Tây Ban Nha nghiên cứu cụ thể để xác định những yếu tố ảnh hưởng đến nơi khách du lịch muốn đến và loại BĐS họ muốn thuê hoặc mua. Ví dụ, người Anh thường chọn những ngôi nhà liền kề, biệt thự và căn hộ; người Tây Ban Nha bản xứ thích ở những khu riêng biệt, có thể liên kết bằng các không gian sinh hoạt chung...

Quan sát về xu hướng BĐS Tây Ban Nha trong đại dịch Covid-19, Chuyên gia kinh tế xây dựng Tạ Thu Hương nhận định, những chính sách mở cửa du lịch quốc tế trở lại của quốc gia này kể từ tháng 6/2021 đã tác động tích cực đến thị trường BĐS du lịch: “Phần lớn nhà đầu tư BĐS nghỉ dưỡng tại Tây Ban Nha là người bản xứ, tuy nhiên có một số lượng không nhỏ (khoảng 18%) nhà đầu tư nước ngoài mua nhà ở Tây Ban Nha, nhóm nhà đầu tư này mua nhà thường đồng nghĩa với đầu tư cho thuê”.

1

 

Về các chính sách vĩ mô của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển BĐS du lịch, Chuyên gia Tạ Thu Hương chia sẻ: Chính phủ Tây Ban Nha thiết lập các Văn phòng nước ngoài, Khối thịnh vượng chung & Phát triển (FCDO), để đưa ra lời khuyên về tư vấn pháp lý, định hướng cho nhà đầu tư, giải quyết khiếu nại và các vấn đề liên quan. Các văn phòng này cũng cung cấp danh sách các luật sư, công chứng viên nói tiếng Anh có trụ sở tại Tây Ban Nha, có số đăng ký và được phép hành nghề theo quy định của Hiệp hội Luật sư địa phương (Colegio de Abogados).

Không chỉ minh bạch về thông tin thị trường BĐS du lịch, Chính phủ Tây Ban Nha còn đưa ra các quy định nhằm kiểm soát chất lượng và an toàn cho người sử dụng dịch vụ lưu trú du lịch. Vì lý do an toàn công cộng, theo quy định, các cơ sở khai thác du lịch phải kiểm soát và ghi lại danh tính, thông tin chi tiết cụ thể của người sử dụng phòng nghỉ du lịch. Bên cạnh đó là việc hạn chế BĐS du lịch ở trung tâm lõi đô thị nhằm bảo vệ thiên nhiên và môi trường đô thị.

 Những điều Việt Nam có thể học tập

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Năm 2019, Việt Nam thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), cao nhất từ trước đến nay.

Bước sang năm 2021, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh ấy, ngành du lịch Việt Nam đang cùng chung tay hành động với sự đồng lòng vào cuộc của cả doanh nghiệp, địa phương và cơ quan quản lý nhằm cơ cấu lại nguồn khách, cơ cấu lại sản phẩm du lịch phù hợp để đón nhận cơ hội mới.

Chuyên gia Tạ Thu Hương cho rằng: Trước hết Chính phủ cần xem xét coi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực BĐS như một đòn bẩy thúc đẩy kinh tế và cung cấp cho thị trường những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có tính đặc thù, vừa thu hút du khách đồng thời là chủ đầu tư gắn bó với các điểm đến du lịch của Việt Nam. Thị trường BĐS du lịch sôi động đóng vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế đang phát triển và để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy hòa nhập xã hội, bảo tồn văn hóa và tăng cường sự hiểu biết. Kinh nghiệm của Tây Ban Nha cũng cho thấy sự thành công của BĐS du lịch đòi hỏi sự hỗ trợ từ các chiến lược, quy hoạch từ cấp quốc gia đến từng lĩnh vực, các quy định pháp lý chuyên ngành.

Để có thể hỗ trợ lĩnh vực BĐS du lịch tăng trưởng và phát triển ổn định, cần thống nhất các Bộ, ngành liên quan, có sự hỗ trợ, điều chỉnh các chính sách pháp lý từ vĩ mô đến vi mô nhằm tăng cơ hội tiếp cận và quyền sở hữu, khai thác của nhà đầu tư trong bối cảnh tính đến yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống và cộng đồng. Với mỗi vùng địa lý đặc trưng có đặc điểm địa kinh tế khác biệt, rất cần sự điều phối của chính quyền địa phương để đảm bảo phát triển được các vành đai xanh, mật độ thấp, vừa hỗ trợ tăng chất lượng cuộc sống, vừa cung cấp được các sản phẩm du lịch đặc thù cho khu vực.

Ngày 18/11 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du Lịch Hà Văn Siêu đã có buổi làm việc với Đại sứ Tây Ban Nha về Bộ tiêu chí du lịch an toàn. Bộ tiêu chí này do Viện Nghiên cứu chất lượng Du lịch Tây Ban Nha, Liên đoàn và Hiệp hội Hướng dẫn viên Tây Ban Nha xây dựng, được EU lấy làm cơ sở xây dựng Bộ tiêu chí du lịch an toàn của EU.

Đây là cơ hội để Việt Nam học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ cường quốc du lịch Tây Ban Nha, góp phần trợ giúp BĐS du lịch Việt Nam mau chóng phục hồi và đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Bộ tiêu chí du lịch an toàn của EU đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt bao gồm 11 tài liệu Hướng dẫn và khuyến nghị cho: (1) Du lịch năng động và du lịch sinh thái; (2) Khu cắm trại và làng du lịch; (3) Sân Golf; (4) Nhà nghỉ; (5) Khách sạn và Nhà nghỉ cho thuê; (6) Dịch vụ Nhà hàng; (7) Cơ sở lưu trú nông thôn; (8) Dịch vụ Spa; (9) Hướng dẫn viên du lịch; (10) Văn phòng thông tin du lịch; và (11) Đại lý du lịch.

Bạn đang đọc bài viết "Phát triển BĐS du lịch Việt Nam: Bài học nhìn từ Tây Ban Nha" tại chuyên mục Kinh tế. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com