Các trường đại học tìm cách thích ứng, tận dụng 'trợ lý' ChatGPT

Để thích ứng với sự ra đời của ChatGPT và trí tuệ nhân tạo, các trường đại học ở Việt Nam đã tổ chức hàng loạt hội thảo, tọa đàm để tận dụng những lợi thế của ứng dụng này trong đào tạo.

chatgpt-pld-1679148860.jpg
Ảnh minh họa (Minh Sơn/Vietnam+)

Để thích ứng với sự xuất hiện của ChatGPT, tận dụng những thế mạnh cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của phần mềm này, các trường đại học đã tổ chức hàng loạt các hội thảo, tọa đàm, giao lưu để giảng viên, sinh viên có thể hiểu hơn về ChatGPT và sử dụng công cụ này một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, vấn đề liêm chính học thuật cũng như chuyển đổi trong nội dung, phương thức giảng dạy, kiểm tra đánh giá và cả cơ cấu ngành nghề đào tạo như thế nào cũng được các trường đặt ra trước sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo mà ChatGPT chỉ là một trong những bước khởi đầu.

Công cụ hỗ trợ giáo dục

Giáo sư Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho hay cá nhân ông đã trải nghiệm phần mềm này và nhận thấy đây là phần mềm hội thoại đặc biệt, có thể trả lời câu hỏi ở nhiều lĩnh vực, tốc độ xử lý rất nhanh, cơ sở dữ liệu lớn và cho ra kết quả ngay.

Vì vậy, lãnh đạo trường đã khẩn cấp họp bàn để làm thế nào tiếp cận chủ động, hiệu quả với ChatGPT cũng như các hệ sinh thái tương tác khác. Ngày 14/3 vừa qua, trường đã tổ chức tọa đàm "Tiếp cận ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo tại Trường Đại học Thủy lợi - Cơ hội và thách thức," với sự tham gia của nhiều chuyên gia ngoài trường, các giảng viên và sinh viên nhà trường.

Tại tọa đàm, các chuyên gia và đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường đã cùng thảo luận về những mặt tích cực và hạn chế của ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo nói chung để tìm cách tận dụng những lợi thế của ứng dụng này trong đào tạo cũng như hạn chế những tác động tiêu cực.

Trong khi đó, tại Đại học Phenikaa, một buổi thảo luận với chủ đề “ChatGPT và ứng dụng vào cuộc sống” cũng đã được nhà trường tổ chức vào ngày 15/3 vừa qua. Buổi thảo luận nhằm tạo diễn đàn để các giảng viên, sinh viên chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục và tìm ra các giải pháp cho những vấn đề đặt ra.

Trước đó, trường Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng tổ chức tọa đàm chuyên đề “Chat GPT-Khám phá tiềm năng và giới hạn”. Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có tọa đàm “AI, ChatGPT đối với việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên hiện nay”. Đại học Công nghệ thông tin- Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức buổi thảo luận "Chat GPT: Cơ hội và thách thức trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học". Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) tổ chức tọa đàm “ChatGPT và ứng dụng bước đầu trong nghiên cứu khoa học”…

toa-dam-cua-truong-dai-hoc-thuy-loi-de-tim-cach-thich-ung-voi-chatgpt-pld-1679148861.png
Tọa đàm của Trường Đại học Thủy lợi để tìm cách thích ứng với ChatGPT. (Ảnh: PV)

Theo các chuyên gia, một trong những lợi ích của Chat GPT có thể ứng dụng trong học tập là tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức hơn so với việc tìm kiếm thông tin qua các nguồn khác. Tuy nhiên, do phụ thuộc dữ liệu đầu vào nên nhiều thông tin ChatGPT đưa ra chưa thực sự chính xác, đòi hỏi người dùng phải có kiến thức nền tảng, biết kiểm chứng để chọn lọc thông tin. Bên cạnh đó, sinh viên cũng cần áp dụng kiến thức đã học được vào các bài tập hay vấn đề thực tế để kiểm tra và củng cố kiến thức.

Là người có hàng chục năm gắn bó với lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, cả trong đào tạo và nghiên cứu, trưởng nhóm chuyên gia viết chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo, Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành công nghệ thông tin, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng ChatGPT và trí tuệ nhân tạo là cơ hội cho phát triển giáo dục. “Trí tuệ nhân tạo là công nghệ hàm mũ cho tương lai, góp phần tạo ra các sản phẩm thông minh, giúp cho tất cả các bên có thể thụ hưởng, tạo ra giá trị gia tăng. Với ChatGPT, mỗi sinh viên có thêm người bạn đồng hành, mỗi giảng viên có thêm người hỗ trợ và mỗi cán bộ quản lý có thêm một trợ lý,” Giáo sư Thanh Thủy chia sẻ.

Thay đổi để thích ứng

Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy, ChatGPT tạo ra bước đột phá trong việc sứng dụng công nghệ, giống như sự ra đời của Internet đã đưa vào các dịch vụ trên hệ thống mạng này. Vấn đề là làm thế nào để sử dụng, khai thác hiệu quả các ứng dụng.

“ChatGPT tổng hợp các kiến thức để đáp ứng yêu cầu của người dùng. Điều đó rất tốt. Nhưng chúng ta phải sử dụng sao cho hiệu quả và có giải pháp cho các vấn đề như liêm chính học thuật trong nghiên cứu, tránh gian lận trong kiểm tra đánh giá,” Giáo sư Thủy cho hay.

Khẳng định trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được vai trò của người thầy, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Công nghệ thông tin cho rằng người thầy trong giai đoạn hiện nay không phải là truyền thụ kiến thức mà là gợi mở, truyền cảm hứng, tạo được niềm say mê, sáng tạo cho người học. Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Thanh Thủy cũng cho rằng các trường đại học sẽ phải thay đổi trong cả chương trình, phương thức đào tạo lẫn kiểm tra đánh giá, thậm chí cả ngành nghề đào tạo để thích ứng với công nghệ mới.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho hay chắc chắn trong thời gian không xa những phần đoạn, vị trí nhất định có thể người máy sẽ thay thế công việc của con người. Nhân lực đào tạo các ngành, chiến lược phát triển đào tạo, đặc biệt các khoa Công nghệ thông tin, Điện - Điện tử, Cơ khí của trường cần mở thêm ngành gì, lựa chọn phân khúc đào tạo như thế nào... là những câu hỏi đặt ra rất khó khăn cho lãnh đạo nhà trường.

Ngoài ra, giáo viên cần chuẩn bị cho sinh viên những môn học có tư duy logic cao hơn. Đặc biệt, công tác kiểm tra, thi và đánh giá cần thay đổi. Cụ thể, thầy cô sẽ cần yêu cầu sinh viên có kiến thức sâu rộng hơn, tổng hợp hơn để chắp nối lại nhiều phần kiến thức lại với nhau để tránh tình trạng những báo cáo, luận văn, đồ án nhiều phần sẽ do ChatGPT thực hiện./.

Link nội dung: https://pld.net.vn/index.php/cac-truong-dai-hoc-tim-cach-thich-ung-tan-dung-tro-ly-chatgpt-a11502.html