Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, thẩm quyền ra quyết định bao gồm:
Bộ trưởng Bộ Công an ra quyết định thanh tra trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và những cuộc thanh tra liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Bộ Công an.
Chánh Thanh tra Bộ Công an ra quyết định thanh tra các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của Bộ Công an đối với cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi cả nước hoặc liên quan đến nhiều địa phương; cơ quan, tổ chức ở Trung ương; cơ quan, tổ chức ở địa phương.
Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ra quyết định thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền được giao trong lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thanh tra những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý khi cần thiết hoặc thanh tra các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh quản lý và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo đề nghị của Chánh Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chánh Thanh tra Công an tỉnh ra quyết định thanh tra những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của công an tỉnh đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.
Thu thập thông tin khi ra quyết định thanh tra
Dự thảo cũng quy định việc thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình trước khi ra quyết định thanh tra. Trước khi ra quyết định thanh tra, trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng cơ quan công an có thẩm quyền ra quyết định thanh tra, thủ trưởng cơ quan thanh tra căn cứ tình hình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng dự kiến thanh tra và yêu cầu của cuộc thanh tra chỉ đạo thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình để phục vụ việc ra quyết định thanh tra.
Việc thu thập thông tin được tiến hành thông qua một trong các hình thức: Nghiên cứu, tổng hợp thông tin từ báo chí, đơn kiến nghị phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi, thẩm quyền thanh tra cung cấp thông tin, báo cáo bằng văn bản; cử cán bộ hoặc tổ công tác trực tiếp đến cơ quan, tổ chức, cá nhân để thu thập thông tin, nắm tình hình.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Link nội dung: https://pld.net.vn/de-xuat-tham-quyen-ra-quyet-dinh-thanh-tra-cua-cong-an-nhan-dan-a1809.html