Dịch chuyển tư duy lãnh đạo

Các nhà lãnh đạo sẽ đối mặt với bài toán hậu COVID-19 với những thách thức đến từ nhiều phía.

Cùng với đó là sự dịch chuyển trong tư duy của nhà lãnh đạo từ tư duy phản ứng trước vấn đề bất định sang chủ động đổi mới để dẫn dắt doanh nghiệp phát triển.

z3377011810647-d2f714f0c11c4a0cf1cf2947c4896cc6-1653302351.jpg

Trrải qua thách thức chưa có tiền lệ từ dịch bệnh, các nhà lãnh đạo rơi vào trạng thái phản ứng lại những vấn đề xảy ra, giải quyết theo sự vụ. Mục đích nhằm giải quyết nhanh những khó khăn đặt ra và duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp. Đây là cách tiếp cận điển hình của tư duy phản ứng. Bước sang giai đoạn mới, phục hồi và tăng tốc phát triển sau dịch bệnh, các nhà lãnh đạo cần có sự dịch chuyển trong tư duy từ tư duy phản ứng sang tư duy đổi mới.

Doanh nghiệp hiện nay đã bước sang giai đoạn mới với mục tiêu phục hồi nhanh chóng và tăng tốc phát triển. Đi cùng với mục tiêu này là các thách thức đến từ môi trường bên ngoài và môi trường bên trong tổ chức. Để vượt qua thách thức này, yếu tố trước tiên là sự chuyển đổi trong tư duy của nhà lãnh đạo, đề cao sự đổi mới và thích ứng trong hoạt động. Từ đó có sự chủ động trong các giải pháp đi vào cốt lõi của vấn đề, không chỉ giải quyết vấn đề mang tính sự vụ trước mắt và cần đi sâu vào căn cơ, tạo nền tảng cho bước phát triển mạnh của doanh nghiệp.

Tư duy phản ứng

Tư duy lãnh đạo phản ứng đặc trưng cho cách tiếp cận giải quyết vấn đề của lãnh đạo, thiên hướng suy nghĩ tìm ra giải pháp, dựa trên các dự báo, chuẩn bị các kịch bản, đưa ra quyết định nhanh định hướng xử lý, kiểm soát trước những tình huống và thách thức đặt ra với doanh nghiệp, nhằm đạt được các thành quả theo các chỉ số mong muốn. Theo nghiên cứu của Bob Anderson và Bill Adams, chuyên gia về phát triển năng lực lãnh đạo, hầu hết các nhà lãnh đạo (70 đến 80%) đang lãnh đạo theo tư duy phản ứng.

Ưu điểm của tư duy này là tính tốc độ trong xử lý các vấn đề, duy trì hoạt động tổ chức và tạo ra sự tin cậy với đội ngũ. Song, mỗi giai đoạn với doanh nghiệp đòi hỏi định hướng và tư duy tiếp cận khác nhau của nhà lãnh đạo, để tăng tốc phát triển, tư duy cần cởi mở hơn, tập trung vào sự đổi mới để tạo ra giá trị vượt trội.

tu-duy-1653302399.jpg

Tư duy chủ động đổi mới

Tư duy lãnh đạo đổi mới đặc trưng cho sự sáng tạo, sẵn sàng thử nghiệm, nhạy bén với thời thế để xây dựng tính thích ứng và linh hoạt của tổ chức trước bối cảnh biến động. Lãnh đạo sáng tạo tập trung nhiều hơn theo định hướng tương lai và luôn tìm giải pháp đột phá trong bối cảnh thiếu thốn và biến động nhằm thực hiện hành động đích thực để đưa tầm nhìn đó thành hiện thực theo thời gian.

Với cách tiếp cận tư duy này, các nhà lãnh đạo tập trung vào phát triển đội ngũ, trao quyền, xây dựng tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng cũng như sẵn sàng thích ứng với những thay đổi với tâm thế chủ động. Hướng tiếp cận tư duy như vậy là nền tảng tạo ra sự phát triển doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đề cao tính đổi mới, sáng tạo, hấp dẫn, nhanh nhẹn,thích ứng.

Sự khác biệt

Điểm khác biệt giữa hai hướng tiếp cập tư duy này là tâm thế chủ động, làm chủ trước tình huống của lãnh đạo dựa trên tầm nhìn và mục tiêu phát triển rõ ràng đặt ra cho tổ chức. Sự dịch chuyển từ tư duy phản ứng sang tư duy đổi mới tập trung vào hai trọng tâm chính.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo quản trị cảm xúc và thay đổi tâm thế từ sự sợ hãi, đề cao an toàn sang tính mục tiêu rõ ràng dẫn dắt sự phát triển. Khi tập trung vào tính mục tiêu với tương lai phát triển mong muốn, các nhà lãnh đạo sẽ có giải pháp và sáng kiến trong tổ chức đề cao sự thử nghiệm và sáng tạo trong các hoạt động.

Thứ hai, sự thay đổi trong tư duy tiếp cận, theo hướng từ trong ra ngoài. Đề cao phát triển năng lực tổ chức với cốt lõi là nguồn nhân lực để thích ứng tốt với thị trường.

Định hướng giải pháp

Trước những thách thức đặt ra trong phát triển doanh nghiệp hậu Covid-19, về thị trường, khách hàng cũng như nhân sự, khoảng trống kỹ năng, các nhà lãnh đạo cần xem xét một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tập trung xây dựng và quản trị tốt hệ sinh thái để mang đến giá trị vượt trội cho khách hàng. Xu thế kinh doanh hiện nay đề cao sự hợp tác, doanh nghiệp cần đứng giữa các mối quan hệ khác nhau có tính bổ trợ, gia tăng giá trị và sức mạnh cho các bên. Hệ sinh thái bao gồm quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp, nhà phân phối, cơ quan chính phủ. Xây dựng hệ sinh thái dựa trên tinh thần hợp tác, tin cậy, chia sẻ giá trị theo nguyên tắc chung để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo cần có sự chuyển đổi hướng đến tư duy đổi mới, sẵn sàng khám phá thử nghiệm để hình thành chiến lược và mô hình kinh doanh mới, thích ứng trong kỷ nguyên số. Đây là trọng tâm cho sự phát triển tương lai của doanh nghiệp bởi trước xu thế tất yếu chuyển đổi số, việc thay đổi chiến lược và mô hình kinh doanh tạo ra sự hiệu quả tăng trưởng về doanh thu.

Thứ ba, các nhà lãnh đạo cần tập trung đầu tư con người gắn với phát triển tri thức, gia tăng trải nghiệm nhân viên và trải nghiệm khách hàng. Thách thức từ vấn đề nhân sự tạo áp lực lớn với doanh nghiệp. Sự thiếu hụt số lượng và chất lượng nhân sự đáp ứng bối cảnh số đòi hỏi doanh nghiệp cần quản trị và xây dựng trải nghiệm vượt trội. Chú trọng quản trị và làm giàu vốn tri thức của tổ chức sẽ nâng cao năng lực của đội ngũ thông qua đào tạo và chia sẻ kiến thức,kỹ năng, kinh nghiệm giữa các cá nhân.

Điều này tạo ra sự phát triển liên tục cho đội ngũ và là yếu tố tạo nên thương hiệu tuyển dụng thu hút nhân tài. Khi đội ngũ phát triển năng lực, giá trị họ mang đến khách hàng sẽ tốt hơn, tạo ra trải nghiệm tích cực. Đồng thời, doanh nghiệp cần hình dung rõ bản đồ hành trình trải nghiệm khách hàng để có chiến lược phù hợp, quản lý các điểm chạm.

Đỗ Tiến Long & Nguyễn Trường Sơn – Công ty Tư vấn Quản lý OD CLICK

Link nội dung: https://pld.net.vn/index.php/dich-chuyen-tu-duy-lanh-dao-a6730.html