Tuần qua, hơn 120 trường hợp mắc bệnh đậu khỉ, một bệnh virus hiếm gặp và cũng hiếm khi xuất hiện bên ngoài châu Phi, đã xuất hiện ở nhiều quốc gia - bao gồm Anh, Mỹ, Canada, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ý, Pháp, Hà Lan, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Áo, Hy Lạp.
Gọi là bệnh đậu khỉ vì các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện bệnh này ở khỉ trong phòng thí nghiệm vào năm 1958, nhưng thực tế virus đậu khỉ truyền từ các động vật hoang dã nói chung và động vật gặm nhấm sang người, hoặc từ người sang người.
Trung bình mỗi năm, châu Phi có khoảng vài nghìn ca mắc bệnh đậu khỉ, chủ yếu ở Tây Phi và Trung Phi. Từ trước đến nay, các ca mắc bệnh đậu khỉ bên ngoài châu Phi là do du lịch hoặc xuất nhập khẩu động vật nhiễm bệnh. Nhưng chỉ riêng trong tuần qua, số ca mắc bệnh đậu khỉ được phát hiện bên ngoài châu Phi đã vượt con số kể từ năm 1970 và vẫn đang tăng lên.
Bệnh đậu khỉ lây lan khi tiếp xúc gần với các chất dịch cơ thể, chẳng hạn như nước bọt, do đó không lây nhiễm nhanh như các virus lây lan qua không khí như SARS-CoV-2. Cả hai loại virus đều có thể gây ra các triệu chứng giống như bệnh cúm, nhưng bệnh đậu khỉ còn gây nổi hạch và các vết loét chứa dịch lỏng trên mặt, bàn tay và bàn chân. Hầu hết người mắc khỏi bệnh sau vài tuần mà không cần điều trị. Và vì virus này có cấu trúc và cơ chế gây bệnh tương tự như virus đậu mùa, nên đã có sẵn các phương pháp điều trị và vaccine để hạn chế lây lan. Do đó, theo giới chuyên gia, tình hình lây nhiễm là đáng lo ngại nhưng không cần hoảng sợ.
Trong số các nước báo cáo ca nhiễm, ngày 19/5, Bồ Đào Nha đã đăng bản phân tích sơ bộ bộ gen của virus đậu khỉ phát hiện được ở nước này; theo đó, virus đậu khỉ ở Bồ Đào Nha liên quan đến một chủng ở Tây Phi. Chủng này gây bệnh nhẹ hơn và có tỷ lệ tử vong khoảng 1% ở những người nghèo và vùng nông thôn - trong khi virus đậu khỉ nói chung thường gây tử vong cho khoảng 3-6% số ca nhiễm. Nhưng vẫn chưa rõ chủng xác định ở Bồ Đào Nha tương đồng và khác biệt đến mức độ nào so với chủng ở Tây Phi, và liệu các virus đậu khỉ đang lây lan ngoài châu Phi có liên quan đến nhau hay không.
Virus đậu khỉ ít có khả năng đột biến để tăng khả năng lây lan từ người sang người, theo các nhà khoa học. Tuy nhiên, việc bệnh đậu khỉ được phát hiện ở những người không có mối liên hệ rõ ràng nào với nhau cho thấy virus có thể đã âm thầm lây lan, trong khi bệnh đậu khỉ vốn thường không âm thầm lây lan, vì người nhiễm bệnh sẽ gặp các tổn thương da dễ thấy.
Một vấn đề khác là hầu hết các cụm ca nhiễm trong đợt bùng phát tuần qua đều là nam giới trong độ tuổi 20–50, nhiều người là đồng tính nam, lưỡng tính và quan hệ tình dục đồng giới (GBMSM). Mặc dù bệnh đậu khỉ không lây truyền qua đường tình dục, nhưng hoạt động tình dục chắc chắn kéo theo tiếp xúc gần. Do đó một số nhà khoa học giả thuyết rằng đợt bùng phát lần này là do virus đã lây nhiễm vào một cộng đồng GBMSM, và tiếp tục lưu hành.
Sau vài tuần nữa, với các dữ liệu dịch tễ học và truy vết hoàn thiện, các nhà khoa học sẽ hiểu rõ hơn về nguyên nhân đợt bùng phát này.
Kể từ khi bệnh đậu mùa không còn là mối đe dọa nhờ tiêm chủng trên toàn thế giới, ngành y tế công cộng đã ngừng khuyến cáo việc tiêm phòng đậu mùa, do đó miễn dịch với virus đậu mùa và virus đậu khỉ họ hàng của nó ngày càng yếu đi. Nhưng trên cơ sở các dữ liệu cho đến nay, giới chuyên gia cho rằng có lẽ không cần đến các chiến lược để ngăn chặn các đợt bùng phát, mà chỉ cần "chủng ngừa khoanh vòng" - tiêm vaccine cho những người tiếp xúc gần với các ca bệnh đậu khỉ.
Nguồn:
https://www.nature.com/articles/d41586-022-01421-8
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/35595996/
Hoàng Nam tổng hợp
Link nội dung: https://pld.net.vn/benh-dau-khi-lay-lan-toan-cau-chua-ro-nguyen-nhan-a6744.html