Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng

Nhật Quang

24/06/2022 10:35

Theo dõi trên

Sáng 22/6, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Quỹ Đối tác chuyển dịch năng lượng (ETP - Energy Transition Partnership) do bà Sirpa Jarvenpaa - Giám đốc Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á dẫn đầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Sirpa Jarvenpaa - Giám đốc Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á cho biết: Đối tác Chuyển dịch năng lượng (ETP) được thành lập sau Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc năm 2018 tại New York. Dưới sự quản lý của Văn phòng dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS), ETP là một quỹ đa bên với mục đích tập hợp các Nhà tài trợ trên khắp thế giới và các Đối tác chính phủ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng ở Đông Nam Á và thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Bà Sirpa Jarvenpaa - Giám đốc Đối tác Chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (giữa) phát biểu tại buổi làm việc

Theo bà Sirpa Jarvenpaa, ETP hiện tại đang tập trung vào Indonesia, Philippines và Việt Nam, là những quốc gia trong khu vực có nhu cầu năng lượng cao, có số lượng lớn các dự án năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, và có tiềm năng đáng kể và hiệu quả về chi phí đối với các dự án năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng. Chiến lược của ETP là giảm phát thải khí nhà kính và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững tại Đông Nam Á.

Trong đó, mục tiêu dài hạn (sau năm 2030) là thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng; đồng thời, mục tiêu ngắn hạn (đến năm 2030) là hỗ trợ phát triển chính sách năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư của nhà nước và tư nhân vào các dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, thúc đẩy kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tích hợp qua lưới điện thông minh, và tăng cường chia sẻ kiến thức về năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng. Tại buổi làm việc, bà Sirpa Jarvenpaa cho biết, ETP mong muốn tìm kiếm những cơ hội hợp tác với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng mà Ủy ban quản lý.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Hoan nghênh mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác của phía ETP, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhấn mạnh, bảo đảm an ninh năng lượng là mục tiêu xuyên suốt và được Việt Nam xác định trong suốt 35 năm đổi mới vừa qua. Đặc biệt trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định rõ bảo đảm an ninh năng lượng bền vững quốc gia của Việt Nam cần gắn với yêu cầu bảo đảm an toàn môi trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ về trung hoà carbon vào năm 2050 tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Theo Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, áp lực của bảo đảm an ninh năng lượng bền vững trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển 2021 - 2030 là một thách thức lớn và đòi hỏi Việt Nam cần có chủ trương và chính sách thực sự đột phá để phát triển trong lĩnh vực năng lượng.

Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng nêu rõ, Nghị quyết 55-NQ/TW đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo hướng ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả, triệt để các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đồng thời phát triển lộ trình hợp lý các nguồn năng lượng truyền thống, năng lượng hóa thạch. Hiện nay các cơ quan của Chính phủ đang tích cực xây dựng quy hoạch điện lực quốc gia; quy hoạch chung về phát triển năng lượng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, cần có ý kiến của các cơ quan trong nước, quốc tế để hoàn thiện.

Quỹ đối tác chuyển dịch năng lượng một sáng kiến hợp tác giữa các Chính phủ và các Nhà tài trợ nhằm mục đích tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp nguồn vốn tài chính thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại các quốc gia Đông Nam Á tiến tới đạt được các mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) cũng như Thỏa thuận Paris.

Quỹ được hình thành tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc năm 2018 tại New York - Diễn đàn cấp cao về khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh UNSSG 2019
Các quốc gia tham gia tại Khu vực Đông Nam Á có: Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Bạn đang đọc bài viết "Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển dịch năng lượng" tại chuyên mục Đầu tư. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com