“Con sói trong bộ Cashmere”
Trên thực tế, Bernard Arnault đã có một khởi đầu nghề nghiệp khác thường đối với một CEO trong ngành thời trang: bắt đầu với vị trí kỹ sư và nhà phát triển bất động sản trong công ty xây dựng dân dụng của gia đình ở khu công nghiệp phía bắc nước Pháp. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, có lẽ Bernard Arnault có thể sẽ trở thành một ông trùm có tiếng tăm trong ngành xây dựng nước Pháp. Tuy nhiên, một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông khi sự bất ổn của chính trường nước Pháp những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đã khiến ông cùng gia đình di cư đến Mỹ.
Khi Arnault trở lại Pháp vào năm 1984, ông đã thực hiện những bước đi đầu tiên trong hành trình huyền thoại của mình để giành quyền kiểm soát tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới. Bernard Arnault đã mua Boussac, một tập đoàn nổi tiếng (nhưng đã phá sản) của Pháp, để có thể tiếp quản một trong những doanh nghiệp dưới sự bảo trợ của nó: The House of Dior, thương hiệu mà ông đã thèm muốn trong nhiều năm.
Bản lĩnh và sự táo bạo đến mức khó tin của Bernard Arnault đã được bộc lộ trong thời điểm này. Ông đã bán gần như tất cả tài sản của công ty, chỉ giữ lại thương hiệu Christian Dior và cửa hàng bách hóa Le Bon Marché. Sau khi bán đi hầu hết các tài sản khác, ông đã tái đầu tư tiền mặt vào các mục tiêu xa xỉ tiếp theo của mình: Moët Hennessy và Louis Vuitton, hai công ty mang tính biểu tượng của Pháp đã sáp nhập vào LVMH vào năm 1987.
Bước đi tiếp theo của Arnault là một trò chơi vương quyền đã khiến ông trở nên nổi tiếng khắp châu Âu. Khi bước chân vào LVMH, ông lợi dụng mối hiềm khích dai dẳng giữa hai CEO để đảm bảo quyền kiểm soát và sau đó lật đổ cả hai để trở thành nhà lãnh đạo duy nhất của tập đoàn hàng xa xỉ khổng lồ của Pháp. Sau khi chiến thắng “một trong những trận chiến khốc liệt nhất của thời trang Pháp”, ông trở thành Chủ tịch, Giám đốc điều hành và cổ đông lớn nhất của LVMH, vị trí mà ông tiếp tục nắm giữ cho đến nay.
Triết lý kinh doanh của Bernard Arnault
Sau khi tiếp quản LVMH và đưa những thương hiệu xa xỉ nhất về thời trang, mỹ phẩm và đồ uống dưới sự bảo trợ của tập đoàn xa xỉ này, Bernard Arnault đã tiến hành đưa ra một loạt các quyết định kinh doanh táo bạo. Ngay cả những người chỉ trích ông cũng bị ấn tượng bởi khả năng quản lý sáng tạo vì lợi nhuận và tăng trưởng của ông. Các nhà quan sát trong ngành cho rằng, không giống như các CEO toàn cầu khác, Arnault hiểu cả khía cạnh sáng tạo và tài chính khi điều hành một doanh nghiệp xa xỉ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Harvard Business Review năm 2001, Arnault đã giải thích quy trình kinh doanh của mình. Theo ông, không giống như ngành công nghiệp thời trang truyền thống, đòi hỏi kỷ luật tài chính cũng như sự sáng tạo. Toàn bộ trọng tâm của Arnault là tạo ra các “thương hiệu ngôi sao” phải đáp ứng yêu cầu cao về bốn tiêu chí nghệ thuật và tài chính: Các thương hiệu LVMH phải “vượt thời gian, hiện đại, phát triển nhanh và có lợi nhuận cao”.
Những thập kỷ sau khi tiếp quản, Arnault xây dựng danh mục đầu tư gồm những tài sản độc quyền nhất trong lĩnh vực xa xỉ, giá trị của LVMH đã nhân lên gấp 15 lần, doanh thu và lợi nhuận tăng gấp 5 lần. Dưới sự lãnh đạo của Arnault, LVMH đã sở hữu hoặc có cổ phần của 5 trong số 10 thương hiệu giá trị nhất của ngành công nghiệp xa xỉ vào năm 2011, theo nghiên cứu Millward Brown Optimor BrandZ năm đó. Động cơ tạo ra lợi nhuận của LVMH, Louis Vuitton, đã chiếm vị trí hàng đầu là thương hiệu xa xỉ có giá trị nhất thế giới trong năm thứ sáu liên tiếp, với mức định giá thương hiệu lên tới 24,3 tỷ USD, bằng tổng giá trị cộng lại của Hermes, Gucci và Chanel, những thương hiệu đứng thứ hai, thứ ba và thứ tư.
Bản thân Bernard Arnault luôn đứng giữa hai luồng yêu ghét. Với những người ngưỡng mộ, ông là một doanh nhân có tầm nhìn xa đã tiếp thêm sinh lực cho hoạt động kinh doanh của Pháp. Với những người chỉ trích, ông là “con sói trong bộ cashmere”, người đã mang “sự tàn nhẫn của người Anglo-Saxon đến thế giới dịu dàng của doanh nghiệp Pháp những năm 1980” và không gì khác hơn là “một kẻ đột kích phá bỏ truyền thống hàng thế kỷ của công ty”.
Tuy nhiên, có một sự thật không thể chối cãi, bằng vào bản lĩnh và sự táo bạo của mình, trong ba thập kỷ vừa qua, Bernard Arnault đã kết hợp các tài sản của Boussac với các thương hiệu LVMH và hàng chục công ty được mua lại để tạo ra một đế chế khổng lồ về hàng xa xỉ. Hiện tại, LVMH sở hữu 75 thương hiệu với các cái tên tiêu biểu như Louis Vuitton, Moet-Hennesy, Christian Dior, Sephora, Tiffany & Co và Bulgari với doanh thu 71 tỷ USD vào năm 2021.
Mới nhất, người đàn ông 73 tuổi sở hữu 48% cổ phần của LVMH với trị giá tài sản lên tới 170,8 tỷ USD, đã vượt qua Elon Musk để giành lấy ngôi vị người đàn ông giàu nhất hành tinh, một phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi.
Phần lớn thời gian năm 2022, Elon Musk, nhà sáng lập SpaceX và Giám đốc điều hành Tesla, nắm giữ ngôi vị người đàn ông giàu nhất hành tinh. Nhưng, những lùm xùm trong thương vụ mua lại Twitter và sự suy thoái của thị trường đã tạo cơ hội cho sự đi lên của Bernard Arnault. Với sự phát triển vững vàng của các thương hiệu trong tập đoàn LVMH, có thể năm 2023 vẫn sẽ là năm của nhà lãnh đạo hãng thời trang xa xỉ bậc nhất thế giới.
Link nội dung: https://pld.net.vn/thoi-cua-ong-trum-bernard-arnault-a10066.html