Năm 2023, những biến động của thị trường vẫn còn tiềm ẩn, song tín hiệu tích cực hứa hẹn sẽ thổi một làn gió mới cho ngành thép thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc nhập khẩu sắt thép khi giá các loại nguyên liệu đầu vào trên Thế giới quay đầu giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Theo MXV, thị trường sắt thép thế giới đã bước vào giai đoạn phục với kỳ vọng nhu cầu sẽ có sự cải thiện, đặc biệt là các khu vực như Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, nhịp tăng của giá sắt thép đang có phần chững lại nhưng nhiều khả năng sẽ sớm quay trở lại khi quốc gia tiêu thụ chính là Trung Quốc thoát khỏi đỉnh dịch và tập trung vào phục hồi tăng trưởng.
MXV cho rằng, trong giai đoạn này, Việt Nam vẫn đang được hưởng lợi từ việc nhập khẩu sắt thép. Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn mà nhiều dự án gấp rút hoàn thành tiến độ, thúc đẩy nhu cầu sắt thép.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong 15 ngày đầu tháng 12/2022, cả nước đã nhập khẩu 546.900 tấn sắt thép các loại, tương đương kim ngạch 475,9 triệu USD. Trong khi đó, tổng lượng xuất khẩu chỉ đạt 334.500 tấn với trị giá 222,1 triệu USD.
Bên cạnh được hưởng lợi từ thị trường nhập khẩu, MXV cho rằng các doanh nghiệp thép của Việt Nam cần tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu thép có sự phục hồi đáng kể tải 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ.
Trên thực tế, sản xuất và xuất khẩu thép xây dựng là thế mạnh chính của Việt Nam, đây có thể sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động thương mại quốc tế của ngành thép trong nước trong việc tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng.
Với Ấn Độ, sản xuất phần lớn lượng thép dùng cho tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, quốc gia này cũng buộc phải nhập khẩu nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu gia tăng.
Trong khi đó, thị trường tiêu thụ thép lớn nhất là Trung Quốc vẫn nhập khẩu một lượng thép đáng kể từ Việt Nam. Sau khi mở cửa trở lại, hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được coi là nhiệm vụ tất yếu, và Việt Nam hoàn toàn có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mở rộng thị phần.
Ngoài ra, thị trường xuất khẩu thép chính của Việt Nam vẫn sẽ là các quốc gia thuộc khu vực ASEAN, chiếm tới 42% cơ cấu xuất khẩu thép.
Mặc dù các áp lực kinh tế trước bài toán tăng trưởng toàn cầu chậm lại có thể sẽ là thách thức lớn, song xu hướng đa dạng hóa hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài tại khu vực này cũng sẽ là tín hiệu tích cực cho nhu cầu sắt thép trong hoạt động công nghiệp, khai lối cho hoạt động xuất khẩu sắt thép của Việt Nam.
Hữu Việt
Link nội dung: https://pld.net.vn/xuat-hien-cua-sang-cho-nganh-thep-viet-nam-a10147.html