Cầu yếu, cạnh tranh cao khiến lượng tiêu thụ xi măng Vicem giảm mạnh

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước, xuất khẩu đều giảm, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt, sản lượng bán hàng của Vicem giảm mạnh, chỉ đạt 93% kế hoạch đề ra.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều suy giảm đáng kể.

vicem-pld-1673257134.jpeg
Tổng sản phẩm tiêu thụ của Vicem trong năm 2022 đạt 27,46 triệu tấn, giảm 6,7% so với năm ngoái

Cụ thể, năm 2022, sản lượng sản xuất clinker của Vicem đạt 20,65 triệu tấn, bằng 95,1% kế hoạch năm và giảm 3,8% so với năm 2021.  Trong khi đó, sản lượng sản xuất xi măng năm 2022 đạt 24,56 triệu tấn, tương đương 94,8% kế hoạch năm và tăng 1,7% so với năm ngoái.

Tổng sản phẩm tiêu thụ của Vicem trong năm vừa qua đạt 27,46 triệu tấn, giảm 6,7% so với năm 2021. Trong đó, tiêu thụ xi măng trong nước đạt 21,34 triệu tấn; tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 2,88 triệu tấn.

Theo đó, các chỉ tiêu tiêu thụ nói trên đều chưa đạt kế hoạch năm. Cụ thể, trong khi sản lượng bán hàng xi măng nội địa ghi nhận tăng 5,6% thì lượng tiêu thụ mặt hàng clinker lại giảm mạnh tới 45,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Phía Vicem cho biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 được công ty xây dựng trên cơ sở kỳ vọng dịch Covid 19 được kiểm soát hoàn toàn; tình hình nguồn cung và giá cả nguyên, nhiên vật liệu các tháng cuối năm ổn định, các dự án bất động sản sẽ khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh.

Tuy nhiên trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ yếu, trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến đã khiến lợi nhuận của Vicem trong năm 2022 giảm hơn 30% so với cùng kỳ và là mức thấp nhất kể từ năm 2015.

Vicem cho biết, nguồn cung than cho sản xuất xi măng thiếu cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và tăng giá đột biến. Đáng chú ý, riêng giá than tăng cao đã làm chi phí than trong giá thành sản xuất xi măng của Vicem năm 2022 tăng khoảng 4.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Do đó, Vicem và các đơn vị thành viên đã thực hiện rà soát, điều chỉnh tăng giá bán xi măng phù hợp, bù đắp chi phí tăng do tăng giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi gồm nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu đều giảm, sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt; giá xuất khẩu xi măng, clinker không tăng.

Ngoài ra, sự biến động bất thường của nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2022, đặc biệt giảm sâu vào quý 4, là mùa tiêu thụ xi măng chủ yếu hàng năm đã tác động rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh và gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành của Vicem.

Hữu Việt

Link nội dung: https://pld.net.vn/cau-yeu-canh-tranh-cao-khien-luong-tieu-thu-xi-mang-vicem-giam-manh-a10160.html