Một trong những nội dung chính được thảo luận tại lễ công bố là đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh xu hướng số hóa, đưa châu Á trở thành đầu tàu đổi mới sáng tạo, nhưng tăng trưởng năng suất trong khu vực vẫn ở mức chậm, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh. Đây cũng chính phát hiện quan trọng của Báo cáo.
Châu Á có 60% bằng sáng chế của toàn thế giới
Theo bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), châu Á đóng góp 60% số lượng bằng sáng chế của toàn thế giới, nhưng đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất. Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn.
Tốc độ truyền bá công nghệ từ doanh nghiệp đi đầu và các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chậm, không có được sự chuyển giao công nghệ, truyền bá tri thức mạnh mẽ khiến hoạt động đổi mới sáng tạo đang tập trung vào một nhóm các doanh nghiệp lớn, trong khi số đông gồm các doanh nghiệp nhỏ vẫn đang tụt hậu phía sau.
Do đó, phải có chính sách thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp đi đầu và doanh nghiệp đi sau.
“Thúc đẩy đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ là cần thiết, nhưng không nên tạo ra khoảng cách về mặt công nghệ giữa các doanh nghiệp. Tốc độ truyền bá tri thức chậm thì không thể dẫn đến nâng cao năng suất của nền kinh tế”, bà Antoinette Sayeh nhận định.
Báo cáo cũng chỉ rõ: Trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu chậm lại, việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ và thu hẹp khoảng cách số có thể giúp châu Á thúc đẩy sản lượng kinh tế và năng suất tổng hợp.
Bất chấp những khó khăn phía trước, con đường đầy hứa hẹn để thúc đẩy tăng năng suất của châu Á chính là số hóa.
Tỷ lệ đơn xin cấp bằng sáng chế cho các công nghệ thương mại điện tử và làm việc từ xa, cũng như chi tiêu cho thương mại điện tử đã tăng mạnh. Châu Á hiện chiếm gần 60% tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của thế giới.
Năm 2020, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ tăng vượt trội phần lớn các quốc gia khác trên thế giới, lên đến 40%–50%.
Hóa giải lực cản đối với đổi mới sáng tạo
Do đó, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu Covid-19 đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu.
Đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng dù đã có rất nhiều sáng chế cũng như đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để thể hiện những nỗ lực trong sáng tạo đổi mới, nhưng tăng trưởng năng suất trong khu vực vẫn ở mức chậm, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh.
Một yếu tố then chốt lý giải cho sự thiếu kết nối trên chính là sự tách rời giữa tăng trưởng năng suất, quá trình đổi mới sáng tạo và số hóa.
Quá trình đổi mới nhanh chóng, đặc biệt là sự bùng nổ về quyền sở hữu trí tuệ có thể làm “đóng băng” công nghệ trong một số doanh nghiệp và khiến sự tách rời trên trở nên nghiêm trọng hơn.
Đề xuất cơ chế và chính sách cần thiết cho quá trình tăng trưởng nhờ đổi mới sáng tạo, Báo cáo thực hiện khảo sát về bối cảnh đổi mới sáng tạo trong khu vực; sử dụng dữ liệu điều tra doanh nghiệp đối với các quốc gia đang phát triển, các quốc gia phát triển ở châu Á để tìm ra vai trò của đổi mới sáng tạo và số hóa đối với tăng trưởng năng suất.
Đồng thời, chỉ ra những yếu tố cản trở quá trình đổi mới sáng tạo đối với những quốc gia và doanh nghiệp đang tiến tới giới hạn về công nghệ. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng thảo luận những công cụ chính sách có thể áp dụng để thu hẹp khoảng cách giữa đổi mới sáng tạo và năng suất, các giải pháp đẩy mạnh năng suất chung.
Để hóa giải lực cản đối với hoạt động đổi mới sáng tạo của các nền kinh tế đang phát triển và của Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhắc đến vai trò rất quan trọng của các trường đại học.
Theo đó, các trường không chỉ đóng vai trò truyền thống là hoạt động giáo dục, đào tạo, mà ngày nay còn có thêm nhiệm vụ và sứ mệnh mới.
Đó là phải tự đổi mới để kết nối với các doanh nghiệp và góp phần đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thông qua việc thiết kế các chương trình mới, khóa học mới để cung cấp nguồn nhân lực cần thiết cho doanh nghiệp.
Đồng thời, trở thành vườn ươm nhân tài, hỗ trợ các nhân tài có cơ hội học hỏi, nghiên cứu, làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu phát triển, các start up…
Link nội dung: https://pld.net.vn/so-hoa-thuc-day-nang-suat-cho-cac-nen-kinh-te-chau-a-a10189.html