314 tỷ USD trái phiếu đến hạn tại châu Á trong năm 2023, lĩnh vực bất động sản đáng ngại nhất

Các công ty châu Á đang đứng trước nhiều nguy cơ khi số trái phiếu trị giá 314 tỷ USD đến hạn vào năm 2023. Trong khi đó, chi phí tái cấp vốn cho các doanh nghiệp bị xếp hạng tín nhiệm thấp hơn đã tăng lên gần mức cao nhất trong lịch sử.

trai-phieu-den-han-pld-1673607581.png

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, các công ty lớn tại châu Á từ tập đoàn khai khoáng lớn nhất Ấn Độ Vedanta Resources Ltd. cho đến các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ khủng như Evergrande Group của Trung Quốc đều có khoản nợ bằng đồng USD sẽ đáo hạn vào năm 2023. Đây sẽ là đợt trả nợ trái phiếu lớn nhất trong vòng 5 năm tới của các doanh nghiệp nói trên.

Rủi ro hơn, chi phí đi vay tăng cao có thể gây khó khăn cho các công ty có xếp hạng tín dụng thấp hơn trong việc huy động vốn để trả các khoản vay đáo hạn. Bloomberg cho biết chi phí tài chính cho trái phiếu bằng đồng USD được xếp hạng rác ở châu Á đã đạt mức cao nhất trong vòng ít nhất một thập kỷ vào năm 2022, dù rằng chúng đã rời khỏi mức đỉnh sau thời điểm kể trên. Trong khi đó, công ty tư vấn Moody’s Investors Service cảnh báo về kịch bản xấu nhất, trong đó các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở cấp độ đầu cơ có thể tăng gấp 4 lần trên toàn cầu trong năm 2023.

Tại châu Á, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã phải gánh chịu số vụ vỡ nợ kỷ lục vào năm 2022. Tại Hàn Quốc, cuộc khủng hoảng tín dụng gần đây cho thấy tình trạng nợ nần xảy ra ở những thị trường cách xa trung tâm tài chính của một quốc gia có thể lan ra nền kinh tế vĩ mô nhanh như thế nào.

Một số dấu hiệu cho thấy thị trường trái phiếu đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất, khi mà trái phiếu doanh nghiệp đã bị thắt chặt trên toàn cầu trong những tuần gần đây do niềm tin vào đà tăng lãi suất chậm lại. Tuy nhiên, mọi dự báo vẫn không hề chắc chắn.

Jim Veneau, người đứng đầu bộ phận đầu tư mang lại thu nhập cố định tại châu Á của công ty quản lý quỹ AXA Investment Managers Asia Ltd. có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết: “Tính thanh khoản của thị trường và nhu cầu tái cấp vốn sẽ là những thách thức chính trong năm 2023. Những nỗ lực khác nhau của Trung Quốc để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế không phải là “thuốc chữa bách bệnh”, nhưng hoạt động trên thị trường trái phiếu sơ cấp sẽ tăng lên do nhiều chính sách bất động sản nới lỏng cũng như việc chấm dứt thời kỳ zero-Covid.

Trong khi những người vay cấp độ đầu tư từ các công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc đến các ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản dường như không gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn, thì tiêu điểm sẽ là cách các đối tác phát hành trái phiếu rác của họ trong khu vực dự định trả nợ ra sao. Khoảng 22% trái phiếu bằng đồng USD tại châu Á sẽ đáo hạn vào năm 2023, gồm các trái phiếu rác với điểm số thấp hơn mức xếp hạng tương đương BBB hoặc không được xếp hạng, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Các doanh nghiệp dưới đây tại châu Á đang đối mặt với những khoản nợ trái phiếu khổng lồ, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường khu vực và thế giới.

Vedanta Resources Ltd

Nhà sản xuất kẽm và nhôm lớn nhất Ấn Độ có khoảng 4,7 tỷ USD trái phiếu đáo hạn trong 4 năm tới, trong bối cảnh những lo ngại về suy thoái toàn cầu đã đè nặng lên các mặt hàng như kim loại cơ bản. Vedanta Resources phụ thuộc vào cổ tức từ công ty con Vedanta Ltd tại Ấn Độ để trả nợ. Doanh nghiệp này đã niêm yết, nhưng gần đây vừa báo cáo lợi nhuận sụt giảm mạnh.

1Malaysia Development Bhd (1MDB)

1MDB có một khoản nợ trái phiếu trị giá 3 tỷ USD sẽ đáo hạn vào tháng 3 tới. Quỹ nhà nước của Malaysia từng dính vào nhiều bê bối khác nhau suốt vài năm qua. Các chủ nợ sẽ theo dõi chặt chẽ cách chính phủ mới đắc cử của Malaysia lên kế hoạch trả nợ. Về phía mình, chính phủ cho biếtsẽ tiếp phân bổ vốn đáp ứng các nghĩa vụ tài chính chủ yếu để mua lại trái phiếu đáo hạn. Thông báo trên được đưa ra trong báo cáo ước tính doanh thu và triển vọng tài chính của chính phủ Ấn Độ cho năm 2023.

Các ngân hàng bóng tối và người cho vay vàng tại Ấn Độ

Trái phiếu bằng đồng USD của những bên cho vay lấy vàng làm tài sản thế chấp tại Ấn Độ như Manappuram Finance Ltd. và Muthoot Finance Ltd., cùng các ngân hàng bóng tối khác như IIFL Finance Ltd. và Shriram Finance Ltd. cũng sẽ đáo hạn trong năm 2023. IIFL và Shriram đã mua lại một phần trái phiếu của họ, trong khi khoản nợ của Manappuram đến hạn vào ngày 13/01/2023.

Evegrande Group

Tập đoàn này vẫn là tâm điểm của cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc với khoảng 5,8 tỷ USD trái phiếu đô la sẽ đáo hạn trong năm 2023, bao gồm cả khoản nợ tại các chi nhánh. Nỗ lực của Evergrande nhằm đạt được một phương án trả nợ phù hợp đang được chính phủ giám sát chặt chẽ, và cuộc tái cấu trúc nợ của Evergrande sẽ là một trong những sự kiện lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc.

Một lĩnh vực khác mà thị trường cần theo dõi chặt chẽ là các trái phiếu cung cấp cho người đi vay lựa chọn trả nợ trước ngày đáo hạn chính thức, đặc biệt là trái phiếu do các công ty tài chính phát hành. Một công ty bảo hiểm nhân thọ ở Hàn Quốc đã gây ra đợt bán tháo trái phiếu có kỳ hạn tại châu Á vào cuối năm ngoái sau khi cho biết họ sẽ trì hoãn việc thanh toán nợ trái phiếu, dù rằng sau đó công ty này đã đảo ngược quyết định nói trên.

Link nội dung: https://pld.net.vn/314-ty-usd-trai-phieu-den-han-tai-chau-a-trong-nam-2023-linh-vuc-bat-dong-san-dang-ngai-nhat-a10209.html