Ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán công sứ Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã nhấn mạnh cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Anh khi hàng hoá Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Năm 2022, trong con số xuất khẩu ấn tượng của hàng hoá Việt Nam, trong đó có nhiều hàng hóa chủ lực như dệt may, thủy sản… xuất khẩu sang thị trường Anh bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan. Nhiều sản phẩm Việt được hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do giữa hai quốc gia khi Vương quốc Anh dành hạn ngạch thuế quan bổ sung với 14 mặt hàng Việt Nam được nhập khẩu miễn thuế vào Anh.
Thuế giảm, hàng hoá Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh. Song, theo ông Nguyễn Cảnh Cường, các doanh nghiệp Việt đang có thêm lợi thế xuất khẩu từ hiệu ứng nền. Đó là thương hiệu quốc gia Việt Nam, thương hiệu của nền kinh tế Việt Nam tạo nên sự cộng hưởng tích cực với các doanh nghiệp và tiêu dùng ở Anh.
“Trước đây doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh chưa nghe nhiều sản phẩm hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam nhưng đến nay thì đã khác. Trong các dịp gặp gỡ trao đổi với Tham tán Việt Nam, doanh nghiệp Anh hứng thú hỏi chuyện, tìm cơ hội kinh doanh nhập hàng hoá Việt Nam để phân phối tại thị trường Anh. Có thể nói, thương hiệu và sản phẩm Việt Nam được người Anh quan tâm như hiện nay” – Tham tán công sứ Nguyễn Cảnh Cường nhấn mạnh.
Vì vậy, ông Nguyễn Cảnh Cường cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam không nền chần chừ, không quá đắn đo, cần phải thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Anh nhanh hơn, nhiều hơn. Đây là thời điểm tốt để doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, ghi dấu ấn trên thị trường Anh với nhu cầu nhập khẩu lên tới 600 tỷ USD/năm.
“Trước đây chất lượng hàng hoá Việt Nam còn khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc và Thái Lan nhưng hiện nay, tại thị trường Anh, nhiều sản phẩm Việt Nam cạnh tranh không hề thua kém sản phẩm của các quốc gia trên” – Thương vụ Việt Nam tại Anh đánh giá.
Mặc dù có nhiều lợi thế nhưng đến nay chưa nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hợp tác thương mại với đối tác Anh, tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam còn khá khiêm tốn so với nhu cầu nhập khẩu của Vương quốc Anh. Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam còn có tâm lý e ngại tiêu chuẩn kỹ thuật cao, tư duy đối với môi trường, lao động có sự khác biệt giữa hai bên.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, do cơ cấu của nền kinh tế, Chính phủ Anh không có thêm chính sách hay quy định cản trở thương mại giữa Anh và các nước nói chung. Cơ hội thâm nhập vào thị trường Anh không khó, khó khăn nếu có chỉ mang tính thủ tục. Tuy nhiên, khi đã đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào Anh, hàng hoá sản phẩm có thêm nhiều lợi thế hơn do tiêu chuẩn kỹ thuật của Anh luôn có uy tín lâu đời trong thương mại quốc tế.
Lợi thế này được doanh nghiệp Trung Quốc tận dụng tốt. Tất cả các doanh nghiệp Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm sang Anh đều quảng bá, giới thiệu website của mình với câu mở đầu là “chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn của Anh”. Sau đó, ở từng sản phẩm cụ thể, doanh nghiệp lại giới thiệu tiếp: sản xuất cho doanh nghiệp Anh hay là nhà cung cấp của doanh nghiệp Anh…
Đây là phương pháp tiếp cận khách hàng khá hiệu quả vì đặc thù của doanh nghiệp Anh là tương đối thận trọng khi kết nối giao thương với đối tác mới. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đi sau, chưa có nhiều kinh nghiệm trong tiếp cận khách hàng. cách tốt nhất để đuổi kịp là học kinh nghiệm của các bạn hàng, của các doanh nghiệp đi trước để tạo niềm tin với các đối tác.
Với Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không có lợi thế về mặt chiến lược so với các doanh nghiệp Thái Lan. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tham khảo và học hỏi kinh nghiệm để nâng cao năng lực chiến lược, năng lực logistics và hệ thống tài chính để cạnh tranh tốt hơn và chiếm được nhiều thị phần hơn ở thị trường Anh này. Mặt hàng mà Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu nhất chính là nông sản, trong đó gạo Việt Nam có lợi thế hơn Thái Lan khi quốc gia này chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh.
Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý lưu tâm đến các quy định về phát triển bền vững, tiêu chuẩn về môi trường bởi Anh là quốc gia đi đầu trong giảm phác thải, chống biến đổi khí hậu.
Link nội dung: https://pld.net.vn/doanh-nghiep-anh-tim-kiem-co-hoi-nhap-khau-san-pham-viet-a10308.html