Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho hay: Sau hơn 2 năm đầy khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 về đích với con số kỷ lục 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của hoạt động xúc tiến thương mại với nòng cốt là Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Năm vừa qua, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được Bộ Công Thương phê duyệt hơn 100 đề án triển khai tại Việt Nam và các nước trên thế giới. Từ nguồn lực này, các cơ quan xúc tiến thương mại đã hỗ trợ trên 10.000 lượt tham gia trực tiếp các hoạt động kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm, hàng triệu doanh nghiệp hưởng lợi từ các chương trình.
“Những hoạt động xúc tiến xuất khẩu này không thể thành công nếu không có sự phối hợp, đóng góp công sức, trí tuệ 1 cách tâm huyết và trách nhiệm của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh.
Đánh giá cao kết quả công tác xúc tiến thương mại đạt được trong năm qua, tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 1/2023, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Nếu không có sự sáng tạo, phối hợp của các cơ quan xúc tiến thương mại, thương vụ, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp chắc chắn kết quả xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu không đạt được như năm vừa qua. “Chúng tôi mong muốn các đơn vị phối hợp tốt hơn, hiệu quả hơn nữa trong năm nay”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thứ trưởng cũng lưu ý, xúc tiến thương mại không chỉ là những hoạt động đang làm hiện nay. Trong xúc tiến thương mại có xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến đầu tư nhất là đầu tư vào các ngành công nghiệp nền tảng, nâng cao năng lực, trình độ cho doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, công tác cung cấp thông tin cũng cần quan tâm.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức hội nghị giao ban xúc tiến thương mại hàng tháng cần xác định rõ và tập trung cho từng lĩnh vực, ngành hàng và chủ đề cụ thể. Cần có đánh giá mỗi kỳ hội nghị nhằm rút kinh nghiệm và tăng tính hiệu quả.
“Trên cơ sở đề xuất của hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp cùng thương vụ có biện pháp hỗ trợ đúng và trúng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2023, thị trường thế giới được dự đoán sẽ khó khăn gấp nhiều lần năm vừa qua. Đặc biệt, những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU đã có động thái thay đổi chính sách thương mại theo chiều hướng khắt khe hơn. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Trước những khó khăn thách thức đó, ông Vũ Bá Phú thông tin: Chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia năm 2023 sẽ có những thay đổi, đi vào chiều sâu hơn.
Trong đó, công tác xúc tiến thương mại sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt khai thác các thị trường/khu vực hiện đang có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Song song với đó, khơi thông các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai hoạt động xúc tiến thương mại được như: Châu Phi, Trung Đông, Nam Mỹ.
Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu xanh để đáp ứng yêu cầu, thích nghi với xu hướng mới của các thị trường nhập khẩu trên toàn cầu.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến thương mại. Tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin trong công tác cung cấp thông tin, tư vấn thị trường xuất khẩu và kết nối thị trường cho các đối tượng.
Nâng cao hiệu quả Chương trình Thương hiệu quốc gia thông qua các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong hoạt động xúc tiến thương mại thông qua việc thúc đẩy ký kết và triển khai các biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư ngành Công Thương với các đối tác quốc tế.
Để đạt tối đa hiệu quả cho các nội dung trên, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng đề nghị: Thương vụ hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài, quảng bá và mời khách hàng nước ngoài đến tham dự và giao thương với các doanh nghiệp Việt Nam tại các sự kiện của Việt Nam tại nước ngoài và sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế tại Việt Nam; lựa chọn các sự kiện xúc tiến thương mại có uy tín tại nước ngoài, phù hợp với năng lực tham gia của doanh nghiệp Việt Nam để giới thiệu cho Cục Xúc tiến thương mại, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp nghiên cứu tham gia.
Năm 2023, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được phê duyệt 76 đến án phát triển ngoại thương.
Link nội dung: https://pld.net.vn/xuc-tien-thuong-mai-quoc-gia-nam-2023-tap-trung-5-noi-dung-trong-tam-a10318.html