Thêm một quý lỗ khủng
Tính đến ngày 31.1.2023, hầu hết các doanh nghiệp thép niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2022 với kết quả sớm được dự báo. Trong bối cảnh thị trường vĩ mô nhiều biến động, lãi suất tăng, tín dụng siết chặt… bức tranh kinh doanh nhìn chung không mấy khả quan.
Gần đây nhất là trường hợp của Công ty cổ phần Thép Pomina khi doanh nghiệp này tiếp tục lỗ thêm 461 tỉ đồng trong quý 4, khiến lợi nhuận cả năm 2022 âm hơn 1.167 tỉ đồng.
Trong quý 4.2022, doanh thu của Thép Pomina tiếp tục lao dốc, chỉ còn khoảng 1.800 tỉ đồng, kém hơn một nửa cùng kỳ năm 2021 và cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2010 của doanh nghiệp này. Lũy kế cả năm 2022, Pomina đạt 12.956 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 7,6% so với năm trước.
Theo giải trình của Pomina, nguyên nhân của việc kinh doanh thua lỗ là do tín dụng ngân hàng thắt chặt, tỉ giá và lãi suất tăng mạnh. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu nhập về còn cao và nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của Pomina trong giai đoạn này.
Như vậy, với khoản lỗ ròng 1.167 tỉ đồng, Pomina hiện đang đứng thứ hai trong danh dách các doanh nghiệp thép thua lỗ trong năm 2022, sau Hòa Phát.
Trước Pomina, một loạt công ty thép cũng báo lỗ nặng. Cụ thể, Hoà Phát của Chủ tịch Trần Đình Long cũng lỗ kỷ lục 2.000 tỉ đồng trong quý 4.2022. Hai quý lỗ liên tiếp khiến lợi nhuận cả năm của Hòa Phát giảm mạnh, từ mức hơn 34.580 tỉ đồng về còn khoảng 8.400 tỉ đồng.
Năm 2022, nhu cầu sụt giảm trong lẫn ngoài nước, giá bán lao dốc trong khi giá nguyên vật liệu, tín dụng thắt chặt, tỉ giá và lãi suất tăng… đã ảnh hưởng đến hoạt động của Hòa Phát nói riêng và cả ngành thép nói chung. Điều này đã được Chủ tịch Trần Đình Long chia sẻ tại ĐHĐCĐ hồi đầu năm ngoái.
Tương tự, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) cũng báo lỗ hơn 410 tỉ đồng trong quý cuối năm. Lũy kế cả năm, VNSteel lỗ hơn 820 tỉ đồng, trong khi năm trước đó lãi gần 860 tỉ đồng. Được biết, đây là lần đầu công ty này lỗ kể từ năm 2014 và cũng là mức lớn nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2011.
Tại quý 4.2022, Thép Nam Kim cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 356 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 450 tỉ đồng. Với hai quý lỗ liên tiếp, lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp này quay về mức âm 66,7 tỉ đồng, trong khi năm trước có lãi hơn 2.225 tỉ đồng. Đây là năm thua lỗ đầu tiên của Nam Kim trong một thập kỷ qua.
Cũng đánh dấu quý thứ hai lỗ lớn, Hoa Sen ghi nhận mức lỗ 680 tỉ trong quý 1 niên độ 2022-2023 (1/10-31/12/2022) với. Quý trước đó, Hoa Sen cũng báo lỗ 887 tỉ đồng. Tính chung năm 2022, Hoa Sen lỗ 1.068 tỉ đồng.
Kết quả kinh doanh ảm đạm của ngành thép không gây bất ngờ khi tình hình tiêu thụ lẫn giá bán sản phẩm kém khả quan trong năm 2022. Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, sản xuất thép thành phẩm hơn đạt 29,3 triệu tấn, giảm gần 12%. Bán hàng thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm hơn 7%. Trong đó, xuất khẩu giảm hơn 19% so với năm 2021.
VSA nhận định, 2022 là một năm đầy thách thức khi thị trường tiêu thụ nội địa giảm sút, giá cả nguyên liệu sản xuất thép diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp thép rơi vào tình trạng khó khăn, thua lỗ kỷ lục.
Khó khăn đã qua?
Mặc dù tiếp tục phá đáy lợi nhuận nhưng Tập đoàn Hòa Phát lại tỏ ra khá lạc quan với tình hình ngành thép trong thời gian tới. Doanh nghiệp này cho rằng, ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.
Trên thực tế, đánh giá của Hòa Phát không phải không có cơ sở khi ngành thép nói chung đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực. Một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy ngành thép đang dần ấm lên là việc sản lượng bán thép của Hòa Phát đã tăng trở lại trong tháng cuối cùng của năm 2022 sau nhiều sụt giảm trước đó.
Ngoài ra, với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng theo mục tiêu đảm bảo tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu thép trong nước, đặc biệt là thép xây dựng.
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), nhu cầu thép sẽ tăng 1% trong năm 2023 và đạt 1.815 triệu tấn. Cụ thể, việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ giúp nối lại hoạt động xây dựng và đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đó giúp nhu cầu thép xây dựng phục hồi. Nhu cầu sản xuất công nghiệp tăng tại quốc gia này cũng sẽ giúp chuỗi cung ứng toàn cầu được khôi phục. Giá bán thép cũng theo đó được kỳ vọng tăng trở lại.
Tại thị trường trong nước, giá thép xây dựng tiếp tục được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng thêm từ 200.000-510.000 đồng/tấn trong ngày 31.1.2023. Đây là lần tăng giá thứ ba liên tiếp tính từ đầu năm 2023 đến nay. Khép lại hai đợt tăng mạnh sau Tết nguyên đán, hiện giá thép trong nước đang dao động ở mức 15,3-16 triệu đồng/tấn, tùy loại thép và thương hiệu.
Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Nhìn chung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm 2023 và có thể chỉ thực sự khởi sắc vào nửa sau của năm nay.
Hữu Việt
Link nội dung: https://pld.net.vn/loat-cong-ty-thep-bao-lo-nghin-ti-a10332.html