Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động cho thấy, doanh thu đạt hơn 30.588 tỷ đồng, giảm 15% so với quý IV/2021. Lợi nhuận sau thuế của Thế Giới Di Động trong quý IV/2022 đạt 619 tỷ đồng, giảm hơn 60% so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả năm 2022, MWG đạt doanh thu 134.722 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 16%, chỉ đạt 4.100 tỷ đồng. So với kế hoạch 2022, Thế Giới Di Động chỉ thực hiện được 95% mục tiêu doanh thu và 65% mục tiêu lợi nhuận.
Xét về cơ cấu doanh thu cả năm 2022, chuỗi Điện máy Xanh đóng góp tới 51,7% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động. Trong khi đó, chuỗi Thế Giới Di Động (gồm cả TopZone) và chuỗi Bách Hoá Xanh lần lượt đóng góp 26% và 20,3% tổng doanh thu của công ty. Doanh thu từ bán hàng online chiếm 14% tổng doanh thu của Thế Giới Di Động – mức cao nhất từ trước đến nay.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của Thế Giới Di Độngcho biết, chuỗi Bách Hóa Xanh, nhà thuốc An Khang, Thế giới di động tại Campuchia liên tục thua lỗ.
Cụ thể, đối với Bách Hóa Xanh, các khoản lỗ của chuỗi này tăng liên tục trong giai đoạn 2016 – 2020, giảm xuống 966 tỷ vào năm 2021 nhưng tăng vọt lên 2.744 tỷ vào năm 2022. Tổng lỗ từ khi thành lập của Bách Hóa Xanh đến nay đã gần 7.200 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 12/2022, Bách Hoá Xanh có 1.728 cửa hàng đang hoạt động, giảm gần 20% so với năm 2021. Doanh thu chuỗi này vẫn đạt hơn 27.000 tỷ đồng, bằng 96% mức doanh thu kỷ lục của năm 2021 khi nhu cầu tích trữ hàng thiết yếu tăng cao trong các đợt bùng phát dịch.
So với trước khi thực hiện tái cấu trúc, doanh thu trung bình/cửa hàng/tháng trong quý 4 đạt 1,37 tỷ đồng, tăng 45% với quý I/2022. Năm 2023, Bách Hoá Xanh đặt mục tiêu đạt điểm hoà vốn toàn chuỗi vào cuối quý IV/2023.
Tương tự, chuỗi nhà thuốc An Khang trong năm 2022 cũng ghi nhận khoản lỗ 306 tỷ đồng. Luỹ kế từ 2019 đến nay, chuỗi nhà thuốc An Khang lỗ gần 320 tỷ đồng. Hiện tại, chuỗi nhà thuốc An Khang có 500 cửa hàng đang hoạt động, giảm gần 20% so với cuối năm 2021. Hồi đầu năm 2022, An Khang đặt mục tiêu 800 cửa hàng.
Năm 2017, Thế Giới Di Động tiến vào thị trường Campuchia với chuỗi điện thoại BigPhone có mô hình tương tự thegioididong.com tại Việt Nam. Tháng 6/2020, chuỗi này đã được đổi tên thành Bluetronics, mở rộng địa bàn hoạt động từ PhnomPenh sang các tỉnh khác. Báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy, Thế giới Di động tại Campuchia cũng lỗ liên tục từ 2017 đến nay. Trong đó năm 2021 và 2022 lỗ lớn nhất với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng.
Từ thực tế này, “ông lớn” ngành bán lẻ mạnh tay thu hẹp quy mô nhân viên cùng thời điểm với hàng loạt động thái cơ cấu hệ thống bán hàng sau khi lợi nhuận liên tục suy giảm. Theo đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Thế Giới Di Động ghi nhận quy mô nhân sự của công ty đã bị thu hẹp, còn 73.202 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, Thế Giới Di Động đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4%.
Trên thực tế, kể từ quý IV/2021, Thế Giới Di Động có 4 quý liên tiếp suy giảm lợi nhuận. Mức lãi 619 tỷ đồng trong quý IV/2022 cũng là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2017.
Tình hình kinh doanh khó khăn của ngành bán lẻ nói chung và Thế Giới Di Động nói riêng từng được Chủ tịch Nguyễn Đức Tài dự báo và nhấn mạnh trong các cuộc họp với nhà đầu tư.
Vị lãnh đạo dự báo lợi nhuận toàn chuỗi sẽ đi lùi sau gần một thập kỷ tăng trưởng do sức mua của người dân yếu dần. “Đây là một năm rất lạ lùng”, ông nói không nên lạc quan quá mức rằng những khó khăn sẽ đi qua nhanh.
Vị này nhận định câu chuyện khó khăn của ngành bán lẻ sẽ còn kéo dài. Đồng thời cho rằng rất khó để dự báo chính xác thời điểm kết thúc những khó khăn, sớm nhất phải hết quý I và trường hợp bi quan phải đến hết quý III/2023.
Link nội dung: https://pld.net.vn/ga-vang-chua-de-trung-va-dong-thai-moi-cua-the-gioi-di-dong-a10436.html