Theo đó, gần 710 triệu cổ phiếu FLC sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 20/2.
Theo HoSE, Tập đoàn FLC đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác. Sở và Ủy ban Chứng khoán xét thấy cần thiết phải hủy niêm yết với cổ phiếu này. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Theo Nghị định 155, cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, cổ phiếu FLC vẫn còn khả năng lùi về giao dịch trên sàn UPCoM.
Trước đó, HoSE đã ra quyết định chuyển cổ phiếu FLC từ diện hạn chế giao dịch sang đình chỉ giao dịch kể từ ngày 9/9/2022.
HoSE cũng cho hay FLC chưa tổ chức Đại hội cổ đông thường niên dù đã quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính 31/12/2021, chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và chưa chọn được đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm nay.
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, các công ty thuộc hệ sinh thái FLC cũng bị chao đảo.
Trong đó FLC Faros (mã ROS) đã bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM. HAI (Nông dược HAI) và ART (Chứng khoán BOS) đều bị đình chỉ giao dịch. Mã AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) bị đưa vào diện kiểm soát. GAB (Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC) và KLF (Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS) bị hạn chế giao dịch.
Về phần FLC, doanh nghiệp này mới thông báo sẽ tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 4/3 tới, địa điểm tại tòa nhà Bamboo Airways, số 265 đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Đại hội cổ đông bất thường lần 1 của FLC được tổ chức vào ngày 5/2 vừa qua đã không thành công do các cổ đông tham dự chỉ đại diện cho khoảng 32% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trong khi luật quy định mức tối thiểu là 50%.
Diệu Trang
Link nội dung: https://pld.net.vn/co-phieu-flc-bi-huy-niem-yet-a10517.html