Hiệp hội xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, thị trường trong nước tiếp tục cạnh tranh khốc liệt do cung vượt xa cầu, mất cân đối cung - cầu cục bộ giữa các vùng, miền. Bên cạnh đó, nguồn cung xi măng hiện nay đã vượt xa so với nhu cầu nhưng vẫn được bổ sung trong năm 2023.
Theo kế hoạch, năm 2023 sẽ có thêm hai dây chuyền mới đi vào vận hành, gồm xi măng Xuân Thành 3 (công suất 4,5 triệu tấn/năm), xi măng Long Thành (2,3 triệu tấn/năm). Dự kiến nguồn cung xi măng sẽ đạt khoảng 120,7 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước dự báo chỉ ở mức 63 - 65,5 triệu tấn.
Những yếu tố này khiến ngành xi măng sẽ tiếp tục chật vật để cân đối cung - cầu, điều tiết sản xuất - tiêu thụ để tránh cảnh hàng tồn kho gia tăng.
Tình trạng cung vượt cầu đã đặt các doanh nghiệp sản xuất xi măng trước sự cạnh tranh gay gắt cả về chất lượng và giá bán trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều này không chỉ ở thị trường xuất khẩu, mà còn ở cả thị trường tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, nếu phân theo khu vực, chỉ có thị trường miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng dư cung. Trong khi đó, thị trường miền Nam luôn ở trong tình trạng dư cầu.
Cụ thể, khu vực miền Nam chỉ có 5 lò quay trên tổng số 87 lò quay trên toàn quốc khiến thị trường này luôn dư cầu, thiếu cung. Do có, giá xi măng tại thị trường miền Nam luôn đạt cao nhất cả nước.
Hiện tại, xây dựng dân dụng vẫn là phân khúc tiêu thụ xi măng chính ở Việt Nam. Do vậy, tiêu thụ trong ngành vẫn chịu ảnh hưởng đáng kể từ thị trường bất động sản. Thời gian tới, với việc thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó, xây dựng dân dụng phục hồi chậm; các công trình, dự án cũng chậm triển khai khiến xi măng không dễ tăng tiêu thụ.
Hữu Việt
Link nội dung: https://pld.net.vn/mat-can-doi-cung-cau-day-gia-xi-mang-tai-thi-truong-mien-nam-tang-cao-a10568.html