Làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tính tự lực, tự cường, không bị động, không trông chờ, ỷ lại mà phải đổi mới mạnh mẽ để tạo ra những động lực mới phát triển Thành phố, phát huy khí thế, kết quả, thành tựu đã đạt được để tự tin vượt qua khó khăn, thách thức, xứng đáng là Thành phố mang tên Bác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Như tin đã đưa, ngày 13/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM). Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng với một địa phương trên cương vị mới, nhằm giải quyết một số vấn đề trọng tâm, cấp bách, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc lớn để Thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, lãnh đạo các bộ, cơ quan Trung ương.
Cùng dự có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong và các đồng chí lãnh đạo Thành phố.
Tại cuộc làm việc, TPHCM nêu 15 kiến nghị, đề xuất liên quan tới việc phân cấp, phân quyền cho Thành phố; điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố; công tác cổ phần hóa và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức; chuyển quỹ nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ; hỗ trợ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các dự án cao tốc TPHCM-Mộc Bài, dự án khép kín đường Vành đai 3, dự án Vành đai 4…
Phát biểu tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành đều đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của Thành phố trong các giai đoạn phát triển đất nước; khẳng định cuộc làm việc cho thấy sự quan tâm đặc biệt, sự kỳ vọng của Người đứng đầu Chính phủ với TPHCM. Lãnh đạo các bộ, ngành trả lời các kiến nghị của Thành phố theo yêu cầu của Thủ tướng là “đi thẳng vào vấn đề, cái gì thấy được thì nói được, cái gì chưa được thì nói tại sao”...
Nêu 9 thách thức mà Thành phố phải đối mặt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Tốc độ tăng trưởng của Thành phố đang chững lại, năng suất lao động còn thấp và giảm dần, chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng. Thành phố chưa phát huy hết được những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, điều kiện mới và cả những cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương đã dành cho. Còn nhiều điểm nghẽn, điểm tắc về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị… trong chuyển đổi mô hình phát triển.
“Cái gì chưa rõ thì các đồng chí hỏi là đúng rồi, nhưng có những cái đã rõ rồi các đồng chí cũng hỏi cho yên tâm. Chúng tôi thống kê là vừa qua TPHCM hỏi tới 565 văn bản và chúng tôi đã trả lời 385 văn bản”, Bộ trưởng lấy ví dụ cho việc Thành phố chưa thực sự chủ động, năng động, sáng tạo, làm công việc chậm lại.
Về giải pháp sắp tới, Bộ trưởng đề nghị Thành phố làm tốt công tác lập quy hoạch; thu hút được giới trẻ, giới trung lưu và giới trí thức tới làm việc; tập trung phát triển đột phá hạ tầng giao thông, các công trình chống ngập; khai thác sử dụng hiệu quả không gian ngầm; cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng mang lại giá trị gia tăng cao, lấy phát triển công nghệ cao làm mũi nhọn, phát triển các ngành kinh tế mới, xây dựng Thành phố thành nơi tiên phong về đổi mới sáng tạo của cả nước; xây dựng cho được trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM; thu hút được giới trẻ, giới trung lưu và giới trí thức tới làm việc... Bộ trưởng kiến nghị, việc điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM phải đi cùng với việc Thành phố chủ động, tập trung phần ngân sách tăng thêm để đầu tư cho các công trình hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa; sử dụng hiệu quả quỹ đất đi cùng các công trình này.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, Thành phố đạt nhiều kết quả rất to lớn, nhưng giao thông vận tải phát triển rất kém so với nhiều lĩnh vực khác và đây là điểm nghẽn chưa khắc phục được. “Tất cả các cửa ngõ của Thành phố đều ùn tắc. Thành phố là hạt nhân liên kết vùng nhưng các vành đai chưa xong. Đường ra cảng biển, cảng hàng không đều tắc. Thứ tư là ùn tắc trong nội thành. Nếu không quyết liệt, thì sắp tới Thành phố sẽ không phát triển được nữa”.
Bộ trưởng đề nghị phải hợp lực cả vốn Trung ương, địa phương, nhà đầu tư để phát triển hạ tầng giao thông. Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ định hướng giao UBND TPHCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền với các dự án đường vành đai, Thành phố phải tập trung đặc biệt cho giải phóng mặt bằng nhanh nhất. Bộ trưởng lấy ví dụ, với đường vành đai 3 Tân Vạn – Nhơn Trạch, Thành phố đề nghị tăng kinh phí giải phóng mặt bằng từ 148 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng chỉ trong vài năm, như vậy thì ngân sách không thể đáp ứng được. Tất cả các dự án cần đầu tư theo hình thức PPP, Trung ương hỗ trợ một phần về xây dựng, địa phương lo ngân sách cho giải phóng mặt bằng.
“Chỉ có theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng xuyên suốt tại các cuộc họp, thì chúng ta mới có thể tạo đột phá về hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng phát biểu. Nội dung nào cần thiết thì theo chỉ đạo của Thủ tướng, sẽ trình Quốc hội giải quyết nhanh chóng nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên ban hành chương trình chuyển đổi số sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình này cho cả nước. Nếu Thành phố không đi đầu trong đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ mới, thu hút nhân tài, thì sẽ rất khó đóng vai trò đầu tàu trong bối cảnh mới. Tốc độ phát triển kinh tế số của Thành phố cần ở mức từ 20 đến 25% mỗi năm.
Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đề xuất Thành phố cần chú trọng quan tâm khai thác hiệu quả quỹ đất; xử lý vấn đề sụt lún để phát triển bền vững; giải quyết triệt để các vấn đề cần thanh tra, kiểm tra để không “treo” các nguồn lực phát triển… Bộ trưởng cũng trả lời cụ thể các kiến nghị liên quan tới phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hoạt động của trung tâm phát triển quỹ đất…
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Bộ hoàn toàn ủng hộ phân cấp phân quyền mạnh hơn cho địa phương trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó có thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, chỉnh trang đô thị, cải tạo các chung cư cũ… Bộ đang khẩn trương rà soát, đề xuất bổ sung Luật Quy hoạch đô thị năm 2019, các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định theo hướng này.
Về đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn làm rõ thêm, tỷ lệ điều tiết ngân sách Trung ương cho Thành phố trong thời gian qua là 18%, nhưng bản chất là khoảng 20%, vì ngân sách Trung ương vẫn hỗ trợ có mục tiêu cho Thành phố hàng chục nghìn tỷ đồng trong những năm qua và năm 2021.
Thứ trưởng cho biết, các kiến nghị của Thành phố liên quan tới việc phân cấp quản lý ngân sách sẽ được tính toán, cân đối trong đề án chung cho cả nước đang được xây dựng, trình cấp có thẩm quyền. Tinh thần chung là tăng tính chủ động cho Thành phố, giảm dần phần ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu.
Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự buổi làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành gợi ý thêm một số giải pháp liên quan tới huy động nguồn lực phát triển hạ tầng như địa phương phải lo công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án giao thông, sử dụng hiệu quả quỹ đất đi kèm các dự án; giải pháp cải tạo các chung cư cũ…
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, Thành phố phải tận dụng tối đa, quyết liệt, trách nhiệm cao trong thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đã được ban hành cho Thành phố. Với tỷ lệ điều tiết ngân sách, Phó Thủ tướng đồng tình song tỷ lệ cụ thể cần tính toán kỹ lưỡng. Liên quan tới công tác cổ phần hóa, Phó Thủ tướng cho rằng, với các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thì chưa nhất thiết cổ phần hóa ngay trong giai đoạn trước mắt.
Cũng đồng tình với đề xuất điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Thành phố, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, phần tăng thêm phải tập trung chi đầu tư phát triển, điều này sẽ giúp GRDP tiếp tục tăng trưởng và tác động trở lại cho tăng thu ngân sách. Đồng thời, Thành phố phải nâng cao tính chủ động trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực cho hạ tầng giao thông.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị đánh giá kỹ lưỡng lại nhu cầu nhà tái định cư, hiện Thành phố còn thiếu khoảng 20.000 căn hộ; nếu thực sự dư thừa, chuyển sang nhà ở thương mại phải qua đấu giá. Xây dựng kế hoạch, lộ trình, chính sách cho việc cải tạo các chung cư cũ, đề xuất giải pháp, phương án cụ thể, rõ ràng, minh bạch hơn, bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho người dân…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ông biết sẽ chọn TPHCM là địa phương đầu tiên tới để làm việc. Phân tích về thực trạng phát triển của Thành phố, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng, nói “đầu tàu chậm lại” là chưa đủ mà thực ra là “hết đà” và Thành phố phải trả lời được câu hỏi tại sao để tháo gỡ, vượt qua các điểm nghẽn trong thời gian tới.
Bí thư Thành ủy khẳng định sự quan tâm của Trung ương dành cho Thành phố; phân tích cụ thể hơn về những việc mà Thành phố chưa làm được dù đã có chính sách đặc thù, những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tiếp tục tháo gỡ.
“Thành phố luôn luôn nhận thức một điểm nghẽn ảnh hưởng tới niềm tin của người dân, nhà đầu tư và cả cấp trên là những vụ việc còn tồn đọng cần tiếp tục giải quyết. Hình ảnh năng động, sáng tạo của Thành phố cũng đã mờ đi. Trong đó, có phần nguyên nhân chủ quan, cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới với quyết tâm cao”, Bí thư Thành ủy thẳng thắn chia sẻ với Thủ tướng và đoàn công tác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai, bên phải), các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (thứ nhất bên phải), Lê Văn Thành (thứ hai bên trái) trao đổi với lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Thành phố rất vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, có vị trí hết sức quan trọng về mọi mặt với cả nước. Thành phố vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước, đạt những thành tựu quan trọng liên quan tới hiệu quả đầu tư, các chỉ số liên quan tới tăng trưởng GDP (cao hơn cả nước), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (đứng thứ 14 cả nước), cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo…
Trong quá trình phát triển có những mâu thuẫn cần giải quyết, những vi phạm cần xử lý, nhưng về cơ bản, Thành phố đang đi đúng hướng. Kinh tế - xã hội 4 tháng qua đạt những kết quả tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân cải thiện, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi. Việc thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố do Quốc hội ban hành đạt kết quả tích cực. Công tác xây dựng Đảng chuyển biến mạnh mẽ, việc xử lý các sai phạm đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, Thành phố làm rất tốt công tác phòng chống, kiểm soát COVID-19.
“Phải khẳng định những thành tựu Thành phố đạt được là rất cơ bản và quyết định. Thay mặt Chính phủ, tôi ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp, quân và dân TPHCM trong nhiệm kỳ vừa qua và những tháng đầu năm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thành phố phát triển chưa thực sự xứng tầm vai trò, vị trí, lợi thế cạnh tranh, khác biệt của Thành phố. Điều này do nguyên nhân chủ quan là chính, trong đó có trách nhiệm của Trung ương và địa phương. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành có nơi có lúc còn bất cập, chưa chủ động, sáng tạo, còn lúng túng, còn trông chờ, ỷ lại, sợ vi phạm, sợ kỷ luật. Việc thực hiện Nghị quyết 54 đạt kết quả tích cực nhưng cần tổng kết thực tiễn để xác định các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn nữa.
Trong giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế và triển khai 7 chương trình đột phá chưa đạt mục tiêu đề ra. Giải ngân đầu tư công còn chậm. Cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý, không gian phát triển đang thu hẹp và Thành phố vẫn chưa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Việc phát huy vai trò đầu tàu trong liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Vùng ĐBSCL, Tây Nguyên còn những mặt hạn chế. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Tình hình an ninh trật tự còn nhiều vấn đề cần cố gắng giải quyết.
“Chúng ta thẳng thắn nhìn thẳng vào sự thật, không phải để tự ti, bi quan mà để phấn đấu mạnh mẽ hơn, tạo động lực phát triển”, Thủ tướng chia sẻ với TPHCM.
Thủ tướng nêu rõ 3 nhóm vấn đề cần lưu ý trong thời gian tới: Về quan điểm chỉ đạo, định hướng lớn; về những nhiệm vụ cụ thể; về những kiến nghị, đề xuất của Thành phố.
Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng chỉ rõ 8 yêu cầu. Thứ nhất, phải chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự chống đỡ, chờ đợi sang chủ động tấn công mạnh mẽ trên các lĩnh vực.
Thứ hai, phát huy khí thế, thành tích, thành tựu đã đạt được để tự tin, đẩy mạnh các hoạt động, tổ chức thực hiện thật tốt, vượt qua những khó khăn, thách thức.
Thứ ba, đoàn kết, thống nhất, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, các biểu hiện suy thoái; nắm chắc các nguyên tắc hoạt động của Đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thứ tư, phải phối hợp trên dưới nhịp nhàng, các bộ, các ngành phải hết sức nỗ lực hỗ trợ Thành phố vì cái chung, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết.
Thứ năm, Thành phố phải xứng tầm hơn nữa là một trung tâm phát triển của vùng, của cả nước, xứng tầm với sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân cả nước.
Thứ sáu, phải đi đầu trong thực hiện mục tiêu kép và cương quyết không để xảy ra dịch COVID-19.
Thứ bảy, phải thống nhất về nhận thức và hành động: Suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
“Vừa qua Thành phố chưa mạnh dạn trong việc này. Nếu các đồng chí làm mà không có động cơ xấu, không tham nhũng tiêu cực, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân thì chúng tôi phải bảo vệ các đồng chí. Tăng cường kỷ luật kỷ cương nhưng phải bảo vệ, khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, điều này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu”, Thủ tướng nói.
Thứ tám, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải dứt khoát phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; đi đôi với đó là tăng cường giám sát, kiểm tra liên tục, đầy đủ, không để những sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Đại diện lãnh đạo các sở, ngành của TPHCM dự cuộc làm việc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu trước hết phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đảng bộ Thành phố lầ thứ XI, xây dựng chương trình hành động sát thực tế, khả thi, có nguồn lực thực hiện; tránh tình trạng xây dựng chương trình hay nhưng thực hiện gặp khó khăn.
Đoàn kết thống nhất với tinh thần tự lực, tự cường, “đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể”. Nhiều địa phương đã làm tốt điều này và Thành phố càng có nhiều điều kiện để làm điều này, nhưng trong tất cả các công việc phải giữ vững đoàn kết, mất đoàn kết là mất tất cả, Thủ tướng lưu ý.
Phải nắm chắc tính hình, phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đồng thời thực hiện khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Nếu không làm tốt công tác này thì không tạo động lực cho sự phát triển, ảnh hưởng tới công tác xử lý các việc tồn đọng. Thủ tướng lấy ví dụ, qua 3 đợt dịch COVID-19 trước đây trên cả nước, chúng ta chưa khen thưởng kịp thời, chưa xử lý đến nơi đến chốn những sai phạm, nên dẫn tới tình trạng nhiều nơi chủ quan, lơ là, mất cảnh giác hay trông chờ, ỷ lại.
Phải xây dựng hệ thống cơ quan hành chính Thành phố đoàn kết, thống nhất cao, phát huy dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương.
Huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, những việc càng khó, càng mới thì càng phải huy động sức mạnh tập thể, cầu thị lắng nghe các ý kiến hay, xác đáng, quyết định theo đa số.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về COVID-19.
Chuẩn bị chu đáo, tổ chức thành công, an toàn cuộc bầu cử, để ngày bầu cử trở thành ngày hội thực sự của toàn dân, bảo đảm khách quan, dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, lựa chọn được những người thực sự xứng đáng làm đại biểu của nhân dân.
Tiếp tục đẩy mạnh rà soát thể chế, cơ chế, chính sách, đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Chính phủ sẽ giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng; lưu ý phát phát triển thành phố Thủ Đức thành một cực tăng trưởng, phát triển mạnh kinh tế số.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Huy động nguồn lực xã hội, học ngay các mô hình hay, cách làm tốt trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành phải tổng kết ngay, nhân rộng ngay các mô hình, cách làm này.
Quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, nhất là chăm lo cho những người yếu thế, những đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Quan tâm công tác cải cách hành chính, xứng đáng tầm vóc, vai trò, vị trí của Thành phố; nghiên cứu, thí điểm, áp dụng các mô hình phù hợp.
Giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội Thành phố, kể cả trên không gian mạng.
Nâng cao nhận thức, coi trọng, tổ chức tốt công tác truyền thông, đây cũng là một phương thức lãnh đạo của Đảng để tạo sự đồng thuận xã hội, không để khủng hoảng truyền thông, đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng nêu rõ, ngoài 15 vấn đề trong báo cáo của Thành phố, đoàn công tác đề xuất thêm nội dung Thành phố phải khẩn trương triển khai xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Qua làm việc, đoàn công tác và TPHCM cơ bản đồng tình với 16 nội dung này.
Thủ tướng nêu rõ quan điểm sẽ kiến nghị Quốc hội tháo gỡ, xử lý những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Về phần mình, “Chính phủ không nói không, Chính phủ không nói khó, Chính phủ cũng không nói có mà không làm. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, những việc TPHCM làm tốt hơn Chính phủ thì sẵn sàng giao cho TPHCM, cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm. Cái gì biết mới quản, nếu không biết thì giao cho người biết quản; tránh tình trạng chỉ “hợp thức hóa” nếu không phân cấp, phân quyền”, Thủ tướng nhấn mạnh. Chính phủ, các cơ quan nhà nước tập trung thiết kế cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, công cụ kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật.
Phân tích cụ thể hơn về một số kiến nghị của Thành phố liên quan phát triển hạ tầng, Thủ tướng nêu rõ, dự án hạ tầng giao thông đi qua địa phương nào thì địa phương đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng, Chính phủ căn cứ vào điều kiện cụ thể hỗ trợ một phần kinh phí xây lắp với vai trò vốn mồi.
“Mô hình này đã có, đã chứng minh được hiệu quả. Vừa qua, tôi có dịp làm việc với lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, lãnh đạo các tỉnh đều rất tán thành với cách làm này, trong khi các tỉnh ở đó khó khăn hơn TPHCM nhiều”, Thủ tướng chia sẻ.
Về đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 54 của Quốc hội, tinh thần là Trung ương cho cơ chế, cho chính sách theo hướng phát huy tối đa không gian chủ động, sáng tạo của Thành phố.
Thủ tướng cũng khẳng định “ủng hộ tối đa” kiến nghị của Thành phố về điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách, vừa khuyến khích, vừa nâng cao trách nhiệm của Thành phố. Chính phủ phối hợp với TPHCM và các cơ quan liên quan đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Với nguồn ngân sách tăng thêm, Thành phố cần tập trung cho 3 đột phá chiến lược, ưu tiên tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm.
Vể chuyển quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội, thương mại, Thủ tướng yêu cầu, nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì dứt khoát phải qua đấu giá để tránh tiêu cực, thất thoát. Về cải tạo chung cư cũ, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 cho phù hợp thực tiễn để cải tạo không gian sống, môi trường, cảnh quan đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Văn phòng Chính phủ cùng với Thành phố tiếp thu đầy đủ các ý kiến, khẩn trương hoàn thiện, ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng để các cơ quan, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả.
Buổi làm việc diễn ra hết sức hiệu quả là do Thường trực Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiên cứu, bàn bạc nhiều lần về các đề xuất, kiến nghị của Thành phố; trước cuộc làm việc, đã gửi các ý kiến tới Thành phố để tiếp tục trao đổi trước khi Thủ tướng kết luận chính thức tại cuộc họp. Đây là kinh nghiệm tốt để tiếp tục làm việc với các địa phương khác.
“Các địa phương phải chủ động đề xuất với Chính phủ các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động được thêm nguồn lực, kinh phí cho đầu tư phát triển. Muốn có đường xá, có hạ tầng, thực hiện được 3 khâu đột phá chiến lược thì các địa phương phải có trách nhiệm, phải phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tôi kỳ vọng và rất tin tưởng là TPHCM sẽ làm được, nói ra là làm được, tạo đột phá trong năm nay và những năm tới”, quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc làm việc và cũng là thông điệp mà Người đứng đầu Chính phủ muốn gửi tới lãnh đạo tất cả các địa phương trên cả nước./.
Link nội dung: https://pld.net.vn/tphcm-can-chuyen-tu-bi-dong-cho-doi-sang-tu-luc-tu-cuong-phat-trien-manh-me-tren-moi-linh-vuc-a1058.html