'Lễ tốt nghiệp' của bệnh nhân ung thư: Xem bệnh viện là trường mầm non, xét nghiệm là bài thi vượt cấp

Nhận tin bản thân mang trong người “án tử” vì bệnh ung thư máu nhưng chị Nguyễn Thị Quyên tại Quảng Ninh đã kiên cường vực dậy tinh thần, chống chọi với bệnh tật.

Vào ngày 17/11/2016, cách ngày sinh nhật một tuần, chị Nguyễn Thị Quyên tại tỉnh Quảng Ninh nhận được “án tử” với căn bệnh ung thư máu với tỉ lệ tử vong cao. Lúc đầu, sau khi nhận được tin dữ về bệnh án oái oăm đang từng ngày bào mòn cơ thể chị Quyên, chị sốc không nói thành lời. Chị Quyên chia sẻ: “Bản thân mình bị một trận sốt kéo dài, kèm theo chảy máu chân răng, cơ thể có những chỗ bầm tím và hay đổ mồ hôi vào ban đêm. Mình đi khám và phát hiện bị ung thư máu. Sau khi phát hiện bị bệnh mình rất sốc, hai từ ung thư như đưa mình vào ngõ cụt, mình mất phương hướng, mất niềm tin vào cuộc sống”.

benh-nhan-ung-thu-pld-1676735871.jpg
Đối với bệnh nhân ung thư thì bệnh viện giống như ngôi nhà thứ 2. 

Có khoảng thời gian chị Quyên tự oán trách bản thân mình vì tại sao lại phải mang căn bệnh ung thư, không biết tương lai ra sao. Lo nhất vẫn là đứa con chưa đủ tuổi trưởng thành, chị Quyên có trăm nghìn nỗi bâng khuâng, lo âu phiền muộn. 

Đến với Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, chị Quyên cho biết bác sĩ tại đây đã động viên rất nhiều, đưa phác đồ điều trị rõ ràng và có nhiều tấm gương đã điều trị thành công. Chị Quyên như tiếp thêm động lực vượt qua cơn khó khăn, le lói niềm tin cố gắng kéo dài sự sống để dạy hai con gái biết tự lập.

le-tot-nghiep-mam-non-huyet-hoc-pld-1676735871.jpg
Chị Quyên và hai người bạn cũng là bệnh nhân của ung thư đón Lễ tốt nghiệp hoàn thành 5 năm trị bệnh ung thư máu.

Tại nơi trị bệnh, chị Quyên quen biết thêm những người bạn, cũng bị ung thư, cũng rơi vào bế tắc. Thế nhưng, họ cùng nhau vượt qua, xem Viện huyết học - Truyền máu Trung ương như một ngôi trường mầm non, mỗi lần xét nghiệm là những bài kiểm tra định kỳ. 

"Đến tháng 3/2022, các chị em chúng mình: chị Khanh (Vân Đồn, Quảng Ninh), chị Hoa (Thanh Hóa), em Quyên, em Thương (Hải Phòng) và mình đã cùng nhau vượt qua 5 năm điều trị, vậy là chúng mình đã “tốt nghiệp trường mầm non Huyết học rồi đấy” - chị Quyên kể lại một buổi tốt nghiệp đầy xúc động ở nơi mà chị và các “đồng bệnh” được chăm sóc và kéo dài sự sống.

dieu-tri-ung-thu-pld-1676735871.jpg
Tuy vượt qua 5 năm trị bệnh nhưng phía trước cũng là đoạn đường rất dài của chị Quyên và những người bạn đấu chọi với bệnh K.

Chặng đường 5 năm điều trị đó là mơ ước của chị Quyên và nhiều bệnh nhân khắc. Buổi tốt nghiệp đơn giản trên giường bệnh nhưng đầy đủ quà bánh, giúp các bệnh nhân không cảm thấy cô độc. Quà tốt nghiệp là sản phẩm quê hương của các chị em: ổi hoành bồ, nem Thanh Hoá, bánh mỳ mỏ, trứng gà luộc nhà nuôi...

Trong quá trình điều trị, chị Quyên chia sẻ sợ nhất là lúc truyền hoá chất, cơ thể đau nhức, kèm những phản ứng phụ của thuốc như: rụng tóc, miệng lở loét, dạ dày đau, buồn nôn, huyết áp…  Hiện tại chị Quyên vẫn phải khám định kỳ 1-2 tháng/lần. Thuốc bệnh đã dừng, giờ chỉ thuốc điều trị men gan cao, thiếu sắt, canxi... tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm máu ở từng đợt khám để có thuốc uống phù hợp. 

Nếu bây giờ có một điều ước, chị Quyên hy vọng sẽ có thuốc đặc trị về căn bệnh ung thư quái ác: “Mình mong muốn có thuốc đặc trị với chi phí thấp để các bệnh nhân đều có cơ hội chữa trị. Và cũng mong muốn các nhà khoa học tìm được nguyên nhân gây bệnh, phát minh ra thuốc ngày càng ít có phản ứng phụ”.

lieu-thuoc-dieu-tri-ung-thu-pld-1676735870.png
Không có viên thuốc nào hiệu quả bằng sự tích cực của chính bản thân người bị bệnh.

Link nội dung: https://pld.net.vn/le-tot-nghiep-cua-benh-nhan-ung-thu-xem-benh-vien-la-truong-mam-non-xet-nghiem-la-bai-thi-vuot-cap-a10647.html