Tham dự Hội thảo có: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23 và các chủ trương của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm phát huy đầy đủ. Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt. Việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới, chưa thật sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở; chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đều.
Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, chưa thực sự tôn trọng ý kiến, kiến nghị của nhân dân và giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật. Những điều này tác động đến việc tạo sự đồng thuận xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Ông Chiến cho rằng, để tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, trong giai đoạn tới đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn các quan điểm cơ bản, trong đó có quan điểm "khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 23 đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ các vấn đề sau:
Thứ nhất, làm rõ nhận thức về vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc; đánh giá đúng tình hình, xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, nghiên cứu, thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, quan điểm Nghị quyết 23.
Thứ ba, phân tích, đánh giá thực trạng (thành tựu, hạn chế, nguyên nhân, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm) về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23.
Thứ tư, dự báo tình hình, những thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp chủ yếu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị
Tham luận tại Hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhận định, Thành phố có đầy đủ 54 dân tộc đang sống và làm việc, mỗi đồng bào dân tộc luôn giữ gìn và phát huy tốt bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tạo nên sự đa dạng văn hóa cũng như nét văn hóa đặc trưng của Thành phố.
Nhân dân các địa phương đến Thành phố sống và làm việc đã có nhiều đóng góp quý báu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, nghĩa tình, chung tay, đồng lòng cùng Thành phố tham gia công tác phòng, chống, vượt qua đại dịch COVID-19.
Sau khi đại dịch được kiểm soát, các lực lượng, cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay thực hiện các mục tiêu phục hồi kinh tế Thành phố. Những hành động đẹp, sự hy sinh, chia sẻ của đồng bào cả nước không những giúp Thành phố có thêm nguồn lực chống dịch mà còn là minh chứng sinh động về phát huy vai trò của nhân dân, là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đang lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, góp phần củng cố tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thực sự là động lực và sức mạnh để Thành phố vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Về những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, theo ông Hải, có thể cũng là những hạn chế, khó khăn chung của một số tỉnh, thành phố, đó là việc cải tiến, đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp thực tiễn và công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai, xây dựng, đô thị cùng công tác quản lý cán bộ còn hạn chế, chưa sâu sát, không kịp thời.
Đặc biệt, hạn chế lớn nhất của Thành phố là tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, có giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.
Với đặc điểm là đô thị đông dân nhất cả nước, tốc độ tăng dân số ở mức cao, đô thị hóa nhanh tại một số địa bàn nông thôn… nên tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Việc lãnh đạo, vận động, tổ chức các phong trào hành động cách mạng, phong trào thi đua yêu nước, tập hợp các giới vào tổ chức nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở một số nơi còn hạn chế.
Ông Hải cho biết, Thành ủy TPHCM xác định rõ việc xây dựng, củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, triển khai ngay Chương trình hành động thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các nhiệm vụ, giải pháp thật cụ thể, gắn kết chặt chẽ việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong xây dựng chính quyền đô thị, chú trọng triển khai các biện pháp, giải pháp để xây dựng TP. Thủ Đức là "hạt nhân", một cực tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế TPHCM.
Link nội dung: https://pld.net.vn/nhin-lai-20-nam-thuc-hien-nghi-quyet-ve-phat-huy-suc-manh-dai-doan-ket-toan-dan-toc-a10749.html