Đất NKH là gì? Có được xây nhà trên đất NKH?

Đất NKH là gì? Có được xây nhà trên đất nông nghiệp khác hay không là những câu hỏi đang được nhiều người quan tâm hiện nay bởi nhu cầu sử dụng loại đất này đang dần phổ biến.

Đất NKH là gì?

Đất NKH là ký hiệu của đất nông nghiệp khác trong bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính. Theo bảng phân loại đất quy định tại Luật Đất đai 2013, đất nông nghiệp khác (NKH) là một loại đất thuộc nhóm đất nông nghiệp.

dat-nong-nghiep-khac-pld-1677140041.png
 

Mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác

Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất nông nghiệp khác sử dụng phục vụ mục đích:

- Được sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất;

- Đất nông nghiệp khác NKH cũng được sử dụng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép như xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, bồ câu, bò, dê,...;

- Đất NKH còn được sử dụng với mục đích trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm: Ví dụ các cánh đồng lúa thử nghiệm,...;

- Là đất ươm tạo cây giống, con giống (ví dụ vườn ươm bạch đàn, vườn ươm keo,...) và sử dụng với mục đích trồng hoa, cây cảnh (ví dụ các cánh đồng hoa, vườn cây cảnh…);

Đất NKH có được cấp sổ đỏ?

Đất NKH thuộc nhóm đất nông nghiệp nên sẽ được cấp sổ đỏ nếu chủ sở hữu đáp ứng các điều kiện như:

- Sử dụng đất nông nghiệp liên tục vào một mục đích nhất định, kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp sổ đỏ.

- Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định phải căn cứ vào nội dung và thời gian được ghi trên một trong các giấy tờ đã được pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, thủ tục cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp gồm có:

- Đơn xin cấp Sổ đỏ (theo mẫu).

- Một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Điều 100 của Luật Đất đai (đối với trường hợp đăng ký về quyền sử dụng đất).

- Một trong các giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP (đối với trường hợp đăng ký về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

- Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính.

- Giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất (nếu có)

Chủ sở hữu chuẩn bị hồ sơ trên rồi gửi đến UBND cấp huyện để được cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp khác (NKH).

>>Chi tiết Thủ tục, chi phí cấp sổ đỏ cho đất nông nghiệp

Có được xây nhà trên đất NKH?

Đất nông nghiệp khác sử dụng chủ yếu vào mục đích làm nhà kính, các nhà khác phục vụ cho rồng trọt, nghiên cứu,… Do đó, không được sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, trường hợp muốn xây nhà ở, người dân cần chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.

Điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp khác sang đất ở:

Theo quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013, căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất:

- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Tại Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định đất nông nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở thì phải phù hợp quy hoạch và đơn đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, việc chuyển đất NKH sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp chỉ bị hạn chế chứ không cấm. Do đó, có thể chuyển đổi đất nông nghiệp khác sang sử dụng vào mục đích nhà ở. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất này phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện.

Thủ tục chuyển đất mục đích sử dụng đất NHK lên đất ở

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ

Người sử dụng đất cần chuẩn bị Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất NHK sang đất ở; Mang theo các giấy tờ tùy thân như CMND/CCCD để xuất trình khi cần.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người sử dụng đất nộp một bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tại cơ quan Tài nguyên và Môi trường

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ của các giấy tờ. Nếu thiếu giấu tờ hoặc hồ sơ không hợp lệ, người sử dụng đất phải hoàn chỉnh hồ sơ trong 3 ngày làm việc.

Bước 4: Thẩm định hồ sơ

Cơ quan Tài nguyên và Môi trường thẩm định hồ sơ, xác minh thực địa, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất.

Bước 5: Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định

Bước 6: Cơ quan Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đồng thời chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Bước 7: Trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân.

Về nghĩa vụ tài chính: Người chuyển mục đích sử dụng đất có nghĩa vụ đóng nộp các khoản tài chính theo thông báo để được chuyển mục đích sử dụng đất. Các loại thuế phí gồm:

- Tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích;

- Phí thẩm định hồ sơ chuyển mục đích;

- Lệ phí cấp giấy chứng nhận;

Về thời hạn giải quyết: Căn cứ khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời hạn giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày với điều kiện bình thường.

Với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thời hạn giải quyết là không quá 25 ngày.

Trên đây là một số thông tin về đất NKH, đất nông nghiệp khác, trả lời cho câu hỏi có được xây nhà trên đất nông nghiệp khác không bạn đọc có thể tham khảo.

Châu An (TH)

Link nội dung: https://pld.net.vn/dat-nkh-la-gi-co-duoc-xay-nha-tren-dat-nkh-a10773.html