Nợ phải trả cao gấp gần 5 lần vốn chủ sở hữu
Tháng 9/2020 Tập đoàn Apec đã làm khuấy động thị trường bất động sản đang trong giai đoạn ảm đạm do đại dịch Covid -19. Apec Group đã thông qua phương án phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ Happy18 Bond với lãi suất 18%. Với lời chào mời lãi suất “khủng” nhất trong ngành, nhưng trái phiếu Happy18 Bond vẫn “ế”.
Theo thông tin được công bố, trái phiếu Happy18 Bond của tập đoàn này chỉ thu về 8,1 tỷ đồng trong đợt phát hành vào ngày 15/12/2020, con số này là quá thấp so với mục tiêu thu về 3.000 tỷ đồng.
Chưa dùng lại ở việc phát hành trái phiếu Happy18 Bond, đầu năm 2021 Tập đoàn Apec tiếp tục tung ra thị trường loại trái phiếu Abond mức lãi suất 13%/năm, nhận lãi trực tiếp qua thẻ ATM. Đặc biệt, theo lời quảng bá, lô trái phiếu đợt này có rủi ro thấp do được đảm bảo bởi tài sản doanh nghiệp trị giá gần 2.000 tỷ đồng, thanh khoản cao (rút tiền bất kỳ lúc nào sau 3 tháng kể từ ngày phát hành), thủ tục nhanh gọn.
Liên tục phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn cho các dự án của mình, đây cũng là dấu hiệu “đói vốn” của doanh nghiệp.
Mặc dù liên tục báo lãi qua các năm, nhưng bức tranh tài chính của Tập đoàn này không mấy khả quan, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 của Tập đoàn Apec, nợ phải trả tăng cao, ghi nhận tổng nợ là 2.401 tỷ đồng, tăng 22,5% so với đầu năm. Nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu gần gấp 5 lần. Ngoài ra hàng tồn kho cũng liên tục tăng, tính đến cuối năm 2020 hàng tồn kho của Apec Group ghi nhận con số 1.708 tỷ đồng, trong khi đầu năm hàng tồn kho là 1.124 tỷ đồng, như vậy so với đầu năm hàng tồn kho tăng xấp xỉ 52%.
Trước đó, vào năm 2019, Apec Group cũng ghi nhận tổng nợ là 1.937 tỷ đồng, tăng 54% so với tổng nợ năm 2018. Số nợ này gấp gần 4 lần vốn chủ sở hữu, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm đến 78% tổng nợ. Doanh thu của công ty cũng giảm mạnh về mức 451 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh thu bán bất động sản chiếm 410 tỷ đồng.
Tài sản đảm bảo thường xuyên “dính” sai phạm
Để huy động vốn thành công từ những đợt mở bán trái phiếu,Tập đoàn Apec lấy những dự án đang trong quá trình hoàn thành ra làm tài sản đảm bảo, nhưng ở các dự án này cũng liên tục bị phản ánh về việc huy động vốn trái phép, hay vi phạm Luật phòng, chống rửa tiền. Điển hình là dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né.
Dự án có quy mô khoảng 4,5 ha, tổng vốn đầu tư đầu tư 15.000 tỷ đồng, thời gian dự kiến hoàn thành vào quý III/2021.
Hồi tháng 4/2020, tại Kết luận thanh tra số 867/KL-SXD,Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận kết luận: "Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né không phải là dự án xây dựng nhà ở thương mại, việc huy động vốn tại dự án này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở, việc mua bán căn hộ không đúng theo nguyên tắc mua bán nhà, công trình xây dựng quy định tại Khoản 1, Điều 19 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014".
Cùng với đó, nội dung thanh tra cũng chỉ rõ, quá trình thực hiện dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, chủ đầu tư và các doanh nghiệp kinh doanh môi giới bất động sản chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản, phòng, chống rửa tiền.
Trong đó, Công ty CP dịch vụ và đầu tư bất động sản Cland và Công ty CP bất động sản Khải Hoàn Land chưa thực hiện các quy định về phòng, chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014.
Ngoài dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, dự án Royal Park Bắc Ninh liên tiếp phải nhận “trát” phạt của UBND tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, ngày 8/8/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương - Bắc Ninh vì đã có hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC” tại dự án Royal Park Bắc Ninh với mức phạt là 80 triệu đồng.
Tiếp đến, vào cuối tháng 11/2018, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã ra văn bản xử phạt chủ đầu tư dự án này với số tiền 340 triệu đồng vì vi phạm khi công khai không đúng các nội dung về dự án bất động sản theo quy định. Cùng với đó, chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho khách hàng khi chưa hoàn thành việc nghiệm thu đưa công trình nhà ở, công trình hạ tầng xã hội vào sử dụng, vi phạm quy định tại các Điểm b Khoản 1 và Điểm d Khoản 4 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Tháng 6/2019, UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư dự án Royal Park với số tiền 52.600.000 đồng do người đứng đầu cơ sở không có văn bản thông báo và ký cam kết cơ sở đã đáp ứng đủ các yêu cầu và duy trì các điều kiện về đảm bảo an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nhà, công trình và hoạt động sản xuất, kinh doanh; quy định tại Khoản 4, Điều 28, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ. Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà trong quá trình sử dụng; quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 36, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP khi không bố trí, niêm yết nội quy về PCCC, trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ theo quy định, không kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét…
Thu Trang
Link nội dung: https://pld.net.vn/apec-group-phat-hanh-trai-phieu-lai-khung-no-phai-tra-cao-gap-gan-5-lan-von-chu-so-huu-a1092.html