Mục tiêu tăng trưởng xanh
Là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương, Hải Phòng có tiềm năng phát triển cảng biển, logistics trong suốt hơn 100 năm tồn tại, đóng vai trò là trung tâm kinh tế, là cửa ngõ hội nhập quốc tế của vùng duyên hải bắc bộ.
Trong thời đại mới với bối cảnh Việt Nam theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải các-bon, lãnh đạo TP.Hải Phòng đã kịp thời đề ra những chiến lược mới nhằm biến đây trở thành một trung tâm tăng trưởng xanh mới của cả nước.
“Hải Phòng đang có 3 định hướng lớn: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển logistic; thương mại du lịch với hướng phát triển chủ yếu là phát triển xanh: tiêu dùng xanh, cảng xanh, logistic xanh”, ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản do VCCI tổ chức mới đây.
Hải Phòng có rất nhiều tiềm năng để trở thành một đầu tàu về tăng trưởng xanh của Việt Nam. Trong suốt 40 năm đổi mới, địa phương đã liên tục nhân rộng tiềm năng đổi mới. Ở miền Bắc, chỉ duy nhất Hải Phòng hội tủ đủ 5 loại hình giao thông, tất cả đều ở cấp độ quốc gia, để duy trì kết nối kinh tế giữa thành phố và các địa phương khác. Hơn 60% dân số nằm trong độ tuổi lao động, có một hệ thống giáo dục, đào tạo nghề cơ bản và rộng khắp, là những thuận lợi mà Hải Phòng có được để thu hút đầu tư nước ngoài vào tăng trưởng xanh.
Theo ông Kiên, một lợi thế lớn của thành phố trong thu hút đầu tư xanh là năng lượng tái tạo. Hải Phòng có một hệ thống lưới điện phát triển và có độ tin cậy cao, với công suất riêng là 1200MW. Với 14 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động với diện tích 6000 ha, hay khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải có diện tích 22.000 ha, Hải Phòng có tiềm năng khổng lồ về năng lượng mặt trời áp mái. Ước tính nếu phát triển đầy đủ, điện mặt trời áp mái ở các KCN có thể đạt công suất 3400 MW. Chưa kể đến kế hoạch xây mới 13KCN khác với diện tích 5500 ha của lãnh đạo thành phố trong 3 năm tới.
Lãnh đạo BQL KKT Hải Phòng cam kết những công ty nước ngoài đầu tư vào đây sẽ nhận được ưu đãi đầu tư cao nhất của chính phủ Việt Nam có thể trao. Một đặc thù rất quan trọng mà Hải Phòng có được là Ban QLKKT HP sẽ là đầu mối một cửa tại chỗ, có thể giải quyết hầu hết các thủ tục đầu tư ngay từ đầu. Đây là một chủ trương đã được lãnh đạo TP.Hải Phòng thông qua và ủy quyền cho BQL, hứa hẹn sẽ giúp địa phương đẩy nhanh quá trình đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp nước ngoài.
Vai trò không thể thiếu của các đối tác nước ngoài
Với những thuận lợi đó, chiến lược phát triển xanh của Hải Phòng hoàn toàn khả thi nếu có sự chủ động của lãnh đạo và doanh nghiệp địa phương, cũng như không thể thiếu sự hỗ trợ của những đối tác chủ chốt như Nhật Bản.
Hải Phòng kỳ vọng về tăng trưởng xanh nhờ đầu tư từ Nhật Bản
Tính đến 2022, trong số 25 tỉ USD FDI đầu tư vào Hải Phòng, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 2 với gần 4 tỉ USD. Ngoài ra, thành phố này còn có quan hệ kết nghĩa với 6 tỉnh thành phố của Nhật Bản và thường xuyên có những giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong bảo vệ môi trường và năng lượng tái tạo.
Điều này đã được ông Akira Shimizu, trưởng đại diện JICA Việt Nam khẳng định, rằng Hải Phòng là một địa bàn mà doanh nghiệp Nhật đã có truyền thống hợp tác từ nhiều năm nay, đặc biệt là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, chống biến đổi khí hậu, xử lý nước thải.
Với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng, ông Shimizu chỉ ra có 3 trụ cột chính mà JICA có thể hỗ trợ, đó là biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro thiên tai, và năng lượng.
Về biến đổi khí hậu, từ năm 2010, Nhật Bản đã có những hợp tác cải thiện môi trường nước tại Quảng Ninh, và hiện vẫn duy trì đoàn chuyên gia để giúp Việt Nam duy trì môi trường nước trong sạch. Hay trong quản lý rủi ro thiên tai, Nhật Bản đang triển khai một dự án kiểm soát lũ quét và chống sạt lở đất ở miền Bắc và miền Trung.
Về vốn ODA cho năng lượng, JICA đã có một số cơ chế hỗ trợ tài chính để giúp các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực này được tiếp cận vốn, với ưu tiên cho năng lượng mặt trời và gió. Hiện tổng số vốn cam kết cho vay của Nhật là khoảng 71 triệu USD, tuy nhiên tại Việt Nam mới chỉ có một dự án điện gió ở Quảng Trị với công suất 193MW.
Như vậy có thể thấy các doanh nghiệp Nhật Bản còn rất nhiều cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Và Hải Phòng là một trong những điểm đến sáng giá với nhiều ưu đãi mà doanh nghiệp Nhật có thể cân nhắc. Nếu khai thác tốt tiềm năng hợp tác giữa hai bên, Nhật Bản có nhiều cơ hội để vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Hải Phòng, hướng tới mục tiêu kiến tạo nền kinh tế xanh cho địa phương cũng như thắt chặt thêm mối quan hệ bền chặt gắn bó giữa hai bên.
Link nội dung: https://pld.net.vn/hai-phong-ky-vong-ve-tang-truong-xanh-nho-dau-tu-tu-nhat-ban-a10960.html