Đề xuất thưởng cho doanh nghiệp làm nhà ở xã hội sau khi dự án hoàn thành

Trước việc doanh nghiệp không “mặn mà” với nhà ở xã hội, ông Dương Long Thành, Chủ tịch Thắng Lợi Group đề xuất, nếu vẫn giữ tỷ suất sinh lời 10%, Nhà nước cần có chính sách thưởng cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội sau khi dự án hoàn thành. Mức thưởng theo đề xuất có thể là 5% lợi nhuận.

duong-long-thanh-de-xuat-thuong-cho-doanh-nghiep-lam-nha-o-xa-hoi-sau-khi-du-an-hoan-thanh-pld-1678117003.jpg
Ông Dương Long Thành, Chủ tịch Thắng Lợi Group.

Ông Thành cho rằng với những doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn như Thắng Lợi Group, việc cho cổ đông thấy được tiềm năng tăng trưởng của công ty rất quan trọng.

Ông Thành đề xuất, với quỹ đất mà doanh nghiệp đã mua rồi, khi làm dự án nhà ở xã hội, Nhà nước tính toán đưa vào chi phí thực tế của doanh nghiệp, chứ không thể áp dụng theo bảng giá của Nhà nước. Nếu áp dụng theo bảng giá nhà nước thì doanh nghiệp không thể nào bù được.

Một khó khăn khác cũng được ông Thành đề cập đến là việc xác định tiêu chí người mua nhà ở hội.

Ông giải thích có nhiều trường hợp lúc đăng ký mua thì thuộc diện theo quy định, nhưng khi dự án hoàn thành đến giai đoạn cấp sổ hồng thì người mua lại không nằm trong diện quy định.

Do đó, ông đề xuất dự thảo cần mở rộng phạm vi cũng như quy định cụ thể về các trường hợp mua nhà ở xã hội và sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để xem xét, rút ngắn thời gian phải xin xác nhận.

Liên quan đến những khó khăn trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, Ông Mai Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết Sở Xây dựng dù là cơ quan cầm trịch trong chương trình phát triển nhà ở nhưng chỉ tham gia một khâu, một phần phía sau trong quá trình đầu tư xây dựng, từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt đầu tư xây dựng, nghiệm thu công trình, cấp giấy chứng nhận.

Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với các sở ngành và UBND quận, huyện để xây dựng một trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng, cải tạo đối với chung cư hư hỏng nặng và nhà ở xã hội, được UBND TP.HCM chấp thuận tại Công văn số 3013.

Theo đó, đây là một quy trình lý tưởng, giúp các doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, đất đai giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp rất nhiều.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp có quyền sử dụng đất theo đúng quy định thì tổng thời gian thực hiện các thủ tục còn 153 ngày, giảm 213 ngày so với các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, ông Tùng nhấn mạnh, đây là trình tự lý tưởng khi và chỉ khi các doanh nghiệp đã đáp ứng các điều kiện, còn nếu thiếu đi yếu tố nào, ví dụ như quy hoạch thì ngay từ bước đầu tiên đã gặp vấn đề.

Với nhà ở xã hội, kiến nghị được thực hiện các bước song song với nhau, ví dụ trong quá trình làm quy hoạch có thể làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư.

Theo Nghị định 49, đối với dự án từ 2ha trở lên phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, thì đối với doanh nghiệp có khu đất lớn hơn nhiều so với quy định đó có thể bố trí riêng được khu vực để dành 20% quỹ đất. Còn đối với những khu đất chỉ trên dưới 2ha, việc bố trí rất khó khăn về mặt quy hoạch.

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Quốc hội cho phép UBND TP được chủ động quyết định việc thực thi nghĩa vụ dành quỹ đất 20% của các dự án. Ví dụ như bố trí một quỹ đất tương đương với quỹ đất 20% tại một vị trí khác phù hợp hơn để tạo thành một khu nhà ở xã hội có quy mô lớn hơn.

Tâm An

Link nội dung: https://pld.net.vn/de-xuat-thuong-cho-doanh-nghiep-lam-nha-o-xa-hoi-sau-khi-du-an-hoan-thanh-a11130.html