Chiều ngày 8/3, tại không gian Casa Italia Hà Nội đã diễn ra buổi khai mạc về giải pháp chiếu sáng do Đại sứ quán Italy tổ chức.
Triển lãm có tên “Mọi thứ đều được chiếu sáng – Góc nhìn địa lý từ lịch sử đến đương thời,” mang đến hình ảnh về 20 di tích lịch sử hoặc công trình đương đại có ý nghĩa quan trọng sau khi được lắp đặt hệ thống chiếu sáng riêng.
Nhờ vậy, người tham quan có thể nhìn thấy các công trình vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Mỗi công trình có thể có một vẻ đẹp riêng khi được chiếu đèn.
Giám tuyển của triển lãm là các chuyên gia về giải pháp ánh sáng – ông Gigliola Fosschi (Công ty DZ Engineering, Lighting solution creator) và chuyên gia về gìn giữ, bảo tồn văn hóa của Italy – bà Nadia Stefanel.
Tại triển lãm, ban tổ chức cũng đã mang đến 2 giải pháp chiếu sáng mang tính đề xuất cho cổng Đoan Môn tại Hoàng Thành Thăng Long và Khuê Văn Các tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Chia sẻ với báo giới tại buổi khai mạc, ông Gigliola Fosschi cho rằng hai địa danh cũng như công trình này đều đã được UNESCO công nhận nên đều có tầm quan trọng với thế giới. Vì vậy, cả hai cần được gìn giữ và nghiên cứu một cách cẩn trọng.
“Chúng tôi rất muốn tôn trọng lịch sử để có độ chiếu sáng khoa học, áp dụng góc nhìn chuyên môn để cho ra các kết quả phù hợp, sao cho khi chiếu sáng sẽ giữ nguyên được vẻ đẹp và các giá trị lịch sử, văn hóa của công trình," ông Gigliola Fosschi chia sẻ.
Theo ông, việc thực hiện những công trình về chiếu sáng như thế này sẽ góp phần làm tăng thu hút cho du lịch đêm, chiêm ngưỡng địa điểm này với một lượng ánh sáng vừa phải, mang đến mức độ thẩm mỹ cao nhất...
Chuyên gia này cũng cho biết thêm một trong những quy tắc khi thi công là giấu những thiết bị chiếu sáng ở nơi không nhìn thấy, tạo cảm giác giống như nhìn ánh sáng tự nhiên. Mỗi công trình khác nhau nhu bảo tàng, sân vận động... đều có những nguyên tắc chiếu sáng riêng, tạo ra được các hiệu ứng tốt và thu hút.
Bà Nadia Stephanel thì chia sẻ có mong muốn lập nên một đội nhiếp ảnh gia đi dọc Việt Nam để chụp lại các công trình, di tích có ý nghĩa văn hóa lịch sử.
Những bức ảnh tư liệu sẽ được trưng bày triển lãm đồng thời có thể phục vụ mục đích nghiên cứu giải pháp chiếu sáng. Theo bà Nadia Stephanel, các điểm đến tiếp theo có thể là Huế, Hội An và Vịnh Hạ Long.
Triển lãm "Mọi thứ đều được chiếu sáng - Góc nhìn địa lý từ lịch sử đến đương thời" là một hoạt động thuộc khuôn khổ chương trình Ngày Thiết kế Italy (IDD) năm 2023 tại Việt Nam.
IDD là ý tưởng do Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Italy khởi xướng từ 2017 và triển khai tại hơn 100 thành phố trên thế giới.
Chủ đề của Triển lãm năm nay là “Chất lượng tỏa sáng - Năng lượng mà thiết kế dành cho môi trường và con người.” Đây cũng chính là thông điệp nhằm hưởng ứng việc Rome có thể trở thành nơi đăng cai tổ chức Triển lãm thế giới 2030 – World Expo 2030.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Vào năm 2010, UNESCO công nhận khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới. Trong cùng năm, 82 tấm bia tiến sỹ triều Lê và Mạc tại khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng đã được tổ chức này công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến cuối tháng 7/2011, 82 bia tiến sỹ lại tiếp tục được công nhận là Di sản tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu.
Link nội dung: https://pld.net.vn/chuyen-gia-italy-de-xuat-giai-phap-chieu-sang-van-mieu-va-hoang-thanh-a11237.html