Rào cản từ thị trường bất động sản
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa đưa ra đánh giá phân tích về CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC). VDSC nhận định việc giá thép dài và thép phẳng đều hồi phục trong những ngày đầu năm 2023 là tín hiệu tích cực cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép.
Từ đầu năm tới nay, giá thép cuộn cán nóng HRC và giá thép cây thế giới lần lượt tăng 10% và 4%. Tại thị trường trong nước, giá thép xây dựng cũng đã được điều chỉnh tăng giá khoảng 5 lần, chạm ngưỡng 16 triệu đồng/tấn.
Theo VDSC, tín hiệu hồi phục giá thép là điều kiện cần để các nhà gia công và thương mại thép có lợi nhuận, khi vòng quay tồn kho của nhóm này khá ngắn, biên lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào xu hướng giá thép trong kỳ. “Nếu giá thép không quay đầu giảm mạnh từ nay đến hết quý 1.2023, Thép SMC nhiều khả năng sẽ cải thiện tốt về biên lợi nhuận”.
Năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào các dự án hạ tầng trọng điểm. Tuy nhiên, thị trường vật liệu xây dựng nói chung sẽ chưa thể sôi động lại ngay trong năm nay, do nhu cầu từ phân khúc dân dụng suy giảm.
Riêng với Thép SMC, năng lực tiêu thụ thép của doanh nghiệp này nhìn chung vẫn sẽ chịu sức ép ở hầu hết các mảng. Hiện SMC đang là một trong những nhà phân phối thép lớn tại thị trường dân dụng phía nam, vì vậy tiềm năng tăng trưởng ở nhóm khách hàng là đại lý bán lẻ hay chủ đầu tư và tổng thầu vẫn còn hạn chế trong vài quý tới.
Rủi ro từ khoản công nợ 1.000 tỉ với Novaland?
Theo VDSC, mức độ hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trong năm nay sẽ hoạt động mạnh ở phía hạ nguồn. Thời gian qua, Thép SMC đã linh động tối đa chính sách tồn kho và được kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận trong quý 1.2023.
Tuy nhiên, công nợ phát sinh khoảng 1.000 tỉ đồng với Novaland có thể gây rủi ro trích lập dự phòng và ảnh hưởng lên sức khỏe tài chính của SMC.
Novaland hiện đang là một trong những khách hàng lớn của SMC trong mảng phân phối thép xây dựng. Hồi đầu năm 2022, SMC đã cùng Novaland hợp tác cung cấp thép xây dựng tại các dự án của doanh nghiệp địa ốc này trong giai đoạn 2022-2026.
Phía SMC cho biết, hiện công nợ phát sinh với Novaland đã quá hạn, SMC đang gặp khó trong việc thu hồi do chủ đầu tư này đang gặp vấn đề về thanh khoản.
Trong ngắn hạn, SMC cho biết có thể sắp xếp với các ngân hàng và nhà cung cấp để kéo dài thời gian thanh toán trong khi chờ đợi chủ đầu tư cải thiện thanh khoản.
Theo VDSC, phát sinh công nợ với Novaland là tương đối lớn so với lợi nhuận trung bình 1 quý của SMC. Do đó, lợi nhuận trung hạn của doanh nghiệp này sẽ phụ thuộc vào tốc độ và lượng thu hồi nợ từ doanh nghiệp của ông Bùi Thành Nhơn.
VDSC ước tính trong quý đầu năm 2023, Thép SMC có thể ghi nhận doanh thu 4.415 tỉ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 2 tỉ đồng.
Năm nay, tăng trưởng lợi nhuận của SMC hầu như không đến từ sản lượng tiêu thụ bởi nhu cầu xây dựng vẫn còn rất yếu. Lũy kế cả năm 2023, SMC có thể đạt được 23.845 tỉ đồng doanh thu và 148 tỉ đồng lợi nhuận.
Trước đó, tại quý 4.2022, SMC ghi nhận doanh thu đạt 4.203 tỉ đồng, giảm 31,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 551 tỉ đồng. Đây cũng là khoản lỗ kỷ lục doanh nghiệp này từng ghi nhận trong một quý kể từ khi hoạt động.
Tính chung cả năm 2022, SMC ghi nhận doanh thu đạt 23.152 tỉ đồng tăng 9% so với cùng kỳ song lợi nhuận thuần sau thuế lại âm 645 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 901 tỉ đồng lãi trong năm trước đó. Với kết quả đạt được, mục tiêu lợi nhuận cả năm SMC đặt ra là 150 tỉ đồng đã "trôi" rất xa.
Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản của SMC đạt 8.339 tỉ đồng, giảm 670 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tồn kho chiếm 1.573 tỉ đồng, giảm tới 710 tỉ đồng so với cuối quý trước. Doanh nghiệp phải trích lập dự phòng giảm giá cho khoản mục này 108 tỉ đồng vào cuối quý 4 trong khi thép SMC không trích lập dự phòng tại thời điểm cuối quý 3.2022.
Thiên An
Link nội dung: https://pld.net.vn/phat-sinh-cong-no-1000-ti-voi-novaland-co-the-khien-smc-thua-lo-quy-thu-ba-lien-tiep-a11309.html