Thường nghe:
Đạo của trời vốn là “tổn hữu dư, bù bất túc”, tức “bớt chỗ thừa, bù chỗ thiếu”. Thế có nghĩa “lấy chỗ thiếu để thêm vào chỗ thừa” là trái đạo trời. Trái đạo trời thì tất diệt. Đạo của người là “có vay có trả”. Vay mà không trả, hoặc cầm tiền của người mà không làm việc cho người cũng đều là trái đạo cả. Trái đạo người thì tất sẽ bị khinh bỉ không khác gì phường trộm cướp.
Những việc trái với hai lẽ trên không phải chưa từng xảy ra, nhưng xảy ra rồi mà muốn có kết cục tốt đẹp thì là điều xưa nay chưa từng nghe nói. Trước đã vậy, nay càng phải như vậy. Tại sao ư? Ấy là bởi thời đại ngày nay đã văn minh hơn, chế độ ngày nay đã ưu việt hơn, nhưng việc trái với đạo của trời và đạo của người đáng lý ra không được phép tồn tại. Ở một chế độ như chúng ta phải được xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, điều đáng buồn là cả hai việc này đang cùng tồn tại ở cùng một nơi – Dự án Nhà ở Xã hội HH4 FLC Garden City do Công ty cổ phần địa ốc Alaska thuộc Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, địa chỉ tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Đây là một dự án Nhà ở Xã hội, tức là được quy hoạch dành cho đối tượng là những người có “thu nhập thấp”. Những người mua nhà ở đây tuy chưa (xin nhấn mạnh là “chưa”, chứ không phải “không”) đến mức cùng khổ, nhưng hiển nhiên là không giàu có, về cơ bản có thể quy vào dạng “bất túc”. Ở phía ngược lại, chủ đầu tư – Công ty cổ phần địa ốc Alaska nói riêng, Tập đoàn FLC nói chung – tuy không phải doanh nghiệp BĐS lớn nhất, nhưng chắc chắn cũng nằm trong số những doanh nghiệp hàng đầu, tức là thuộc vào dạng “hữu dư”. Việc những người “bất túc” gom góp hết của cải và tài sản tích cóp trong nhiều năm, thậm chí đi vay mượn để thêm vào đưa cho những người “hữu dư” vốn dĩ sẽ không có gì đáng nói, nếu như dự án trên vẫn triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, thực tế thì đã hơn một năm nay, dự án hầu như không có tiến triển và trong khoảng nửa năm vừa qua dự án đã hoàn toàn dừng thi công. Ấy vậy nên mới có cảnh mẹ cõng con, bà bồng cháu lên gặp chủ đầu tư để đòi nhà giữa trưa hè nóng nực cũng như ngày đông giá rét. Bản thân người viết đã từng tham dự một buổi như vậy, đã tận mắt chứng kiến cảnh những cháu bé tầm 3 -4 tuổi ôm những tấm băng rôn đòi nhà xem ra còn lớn hơn cả người các cháu, cách đó không xa là những bà mẹ thi thoảng lại phải quay mặt đi để lau vội giọt nước mắt chỉ chực trào ra – những giọt nước mắt của tình thương con, của sự lo lắng cho tương lai và cả sự bất lực trước thực tại …
Có câu “mắt không thấy, lòng không đau”. Giờ đây, những người thuê nhà gần dự án chính là những người đáng thương nhất, bởi ngày nào họ cũng phải chứng kiến ngôi nhà tương lai của mình đang trên đà trở thành một “dự án chết”, kéo theo đó là hy vọng về sự “an cư lạc nghiệp” đang ngày càng xa vời. Được biết, nhiều người đã buộc phải về quê để sống và đợi nhà, không rõ là bởi họ không muốn đối mặt với thực tại nghiệt ngã, hay do họ không còn kham nổi những khoản chi phí đắt đỏ phát sinh (đáng kể nhất là khoản tiền lãi phải trả hàng tháng cho ngân hàng), hoặc cả hai – có thể lắm chứ. Cũng không rõ, cứ với đà này, sắp tới sẽ còn bao nhiêu gia đình lâm vào cảnh ngộ tương tự như trên nữa.
Tuyệt vọng không phải thứ đáng sợ nhất, đáng sợ nhất chính là sự tuyệt vọng sau hy vọng rất nhiều và một trong những điều đã và đang đẩy người dân ở đây đến trạng thái tâm lý cực đoan này chính là thái độ rất “thiếu thiện chí” và “khó lý giải” của chủ đầu tư. Nói “thiếu thiện chí” là bởi suốt thời gian qua thứ mà họ cung cấp cho người dân chỉ là những lời hứa sáo rỗng, những văn bản mà những mốc thời gian mơ hồ, hoặc nếu họa hoằn có đưa ra được một cái gì đó cụ thể thì sau đó họ cũng không chấp hành hay thực hiện theo, có chỉ để đối phó, để trả lời cho có. Nói “khó lý giải” là bởi theo lẽ thường, “con nợ” phải e ngại “chủ nợ” mới đúng, nhưng đằng này, mỗi lần gặp người dân, họ lại khiến người dân có cảm giác như mình đang đi xin xỏ, nhờ vả họ. Cảnh ngộ thực sự là hết sức bi hài!
Có câu “quốc dĩ dân vi van”, tức là “nước lấy dân làm gốc”. Gần dân thì thịnh, xa dân thì suy, hại dân thì vong. Ấy là “chân lý thép” mà mọi triều đại, mọi quốc gia, từ cổ chí kim, từ đông sang tây đều không ngoại lệ. Đối với Đảng, Nhà nước ta, quy luật này lại càng không xa lạ. Đó là nền tảng, là nguyên nhân, là động lực và cũng là mục tiêu xuyên suốt trong những thành công mà nhân dân ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng suốt hơn 80 năm qua. Tư tưởng này được thể hiện xuyên suốt từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh và những năm gần đây tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần khẳng định. Thậm chí, tư tưởng này còn được nâng tầm quốc tế, khi tại Hội nghị Đối thoại giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính đảng quốc tế (tháng 7/2021), trước mặt bạn bè nước ngoài, trong đó có rất nhiều chính đảng anh em, Tổng Bí thư đã dành phần lớn thời lượng bài phát biểu để nói về tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Có thể nói, ít có chính đảng nào trên thế giới lại “trọng dân”, “yêu dân” như Đảng ta. Điều đáng mừng hơn nữa, đó là sự “trọng dân”, “yêu dân” đó không chỉ dừng lại ở mặt chủ trương mà còn được cụ thể hóa thông qua các chính sách rất nhân văn. Một trong số đó là chính sách xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Ngay cả trong lúc nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với các dự án Nhà ở Xã hội cũng không vì thế suy giảm, ngược lại còn được chú trọng hơn. Quyết tâm của Chính phủ, trong năm 2023 phải xây dựng được 1 triệu mét vuông nhà ở xã hội. Đây cũng là động lực, là mong muốn, là khát vọng của cư dân đã được TP. Hà Nội duyệt mua nhà ở xã hội HH4 FLC Garden City tại phường Đại Mỗ – Nam Từ Liêm, khẩn thiết kêu cứu các cơ quan chức năng Hà Nội vào cuộc, yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm tiếp tục hoàn thiện nhà HH4 để bàn giao nhà cho người mua nhà – Vì họ đã nộp tiền, đã được cơ quan TP. Hà Nội duyệt – Đó mới là trách nhiệm gìn giữ kỷ cương, phép nước, phù hợp đạo lý và lương tâm con người.
An Liên
Link nội dung: https://pld.net.vn/suy-ngam-va-bat-binh-ve-du-an-nha-o-xa-hoi-hh4-o-dai-mo-nam-tu-liem-ha-noi-a11357.html