Khác với các dự thảo đưa ra trước đây nêu nhiều phương án, tại dự thảo luật lần này, Chính phủ đưa ra một phương án duy nhất là sở hữu nhà chung cư có thời hạn.
Chính phủ lý giải, luật hiện hành không quy định về chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư, do đó các chủ sở hữu đều cho rằng quyền sở hữu là vĩnh viễn. Khi nhà chung cư hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn, họ không di dời, gây khó khăn cho công tác cải tạo, xây mới.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ sự cần thiết phải bổ sung quy định thời hạn sử dụng nhà chung cư, việc xác lập, chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư. Thời hạn sử dụng nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận.
Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.
các tòa chung cư cao tầng nhìn từ trên cao
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, nếu sở hữu chung cư có thời hạn thì giá thành sẽ rẻ hơn, đồng thời thuận tiện trong sửa chữa, cải tạo hoặc xây mới khi hết thời hạn.
Cũng tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cá nhân, tổ chức nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam. Chính phủ cho biết, Luật đất đai hiện không cho phép người Việt định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất ngoài dự án để xây nhà ở, cũng không quy định cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc đối tượng sử dụng đất. Trong khi đó, Luật Nhà ở hay Luật Kinh doanh bất động sản lại cho phép cá nhân, tổ chức nước ngoài mua và sở hữu nhà gắn liền với đất.
Vì vậy, tại dự thảo trình lần này, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà khi xây nhà ở trên đất thừa kế, tặng cho; mua, thuê nhà ở thương mại. Người nước ngoài được sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, ngoại trừ các dự án trong khu vực cần đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Khi được sở hữu nhà ở, cá nhân, tổ chức người nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, thừa kế và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư. Còn với nhà đất riêng lẻ tại khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường, họ chỉ được sở hữu tối đa 250 căn nhà.
Thời hạn sở hữu nhà với người nước ngoài không quá 50 năm và được gia hạn nếu có nhu cầu với trường hợp mua bán, thuê mua, tặng cho, nhận thừa kế.
Ngoài ra, ở lần sửa đổi này, Luật Nhà ở cũng bổ sung các quy định về phát triển nhà ở xã hội, để gỡ vướng về quy hoạch, bố trí quỹ đất, lựa chọn và ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Cụ thể, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không dùng ngân sách sẽ được hưởng các ưu đãi, như được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất toàn bộ diện tích dự án.
Chủ đầu tư được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp; được hưởng lợi nhuận định mức 10% với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Chủ đầu tư được dành một phần quỹ đất hoặc phần diện tích sàn thuộc khối đế công trình để kinh doanh dịch vụ, thương mại và hạch toán riêng, hưởng lợi nhuận thu được từ kinh doanh này.
Giá bán nhà ở xã hội với các dự án không dùng nguồn ngân sách sẽ được tính đúng, đủ các chi phí để chủ đầu tư thu hồi vốn xây dựng (gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, lãi vay), lợi nhuận định mức (10%) với phần diện tích xây nhà ở xã hội.
Trường hợp chủ đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê sẽ được bán nhà sau 10 năm theo giá thị trường, nhưng họ phải nộp tiền sử dụng đất, các loại thuế theo quy định.
Tương tự quy định hiện nay, người mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại sau 5 năm mua, thuê nhà. Giá bán lúc này sẽ theo thị trường và họ phải nộp thuế thu nhập, nhưng không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Lam Giang (TH)
Link nội dung: https://pld.net.vn/de-xuat-so-huu-nha-chung-cu-co-thoi-han-a11452.html