Trên cơ sở nhận thức rằng việc giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của Dự án TISCO 2 hiện là một trong những ưu tiên và mối quan tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa các doanh nghiệp của hai nước nói riêng, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường rất quan tâm và đã trao đổi sâu rộng trong cuộc điện đàm ngày 19/9/2022 và cuộc gặp bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 chiều ngày 11/11/2022 tại thủ đô Phnom Penh (Lào).
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban), ngay sau tiếp nhận vai trò thường trực Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành công thương để xử lý các dự án này và đặc biệt là sau chuyến khảo sát, làm việc tại Dự án TISCO 2 của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2022, Ủy ban đã quyết liệt chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) và TISCO trao đổi với MCC tổ chức đàm phán để thống nhất phương án giải quyết dứt điểm các tranh chấp/vướng mắc của Hợp đồng EPC. Với vai trò là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban đã: (1) Làm việc trực tiếp với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam và có nhiều công hàm đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam báo cáo cấp có thẩm quyền phía Trung Quốc, hỗ trợ điều phối với các cơ quan chức năng của Trung Quốc trong việc tạo điều kiện cho MCC tổ chức Đoàn công tác sang Việt Nam để đàm phán về các vấn đề liên quan của Dự án TISCO 2. Tại cuộc làm việc với Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, Ủy ban đã mời Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ tham dự nhằm tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao giữa hai nước trong việc xử lý các tồn tại của Dự án; (2) Trực tiếp tham dự cuộc họp trực tuyến giữa SCIC, VNSTEEL và TISCO với MCC ngày 21/9/2022. Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban đã có nhiều ý kiến chỉ đạo quan trọng, mang tính định hướng cho lộ trình đàm phán nhằm sớm xử lý triệt để các tồn tại, vướng mắc của Dự án và thúc đẩy kế hoạch hợp tác của hai bên trong thời gian tới; (3) Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tích cực, chủ động trao đổi với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước Trung Quốc (SASAC) và hai Ủy ban đã thành công ký Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một nội dung quan trọng đã được hai Ủy ban thống nhất tại Bản ghi nhớ là: “tích cực trao đổi, giải quyết các tồn tại, vướng mắc tại một số dự án hợp tác còn tồn đọng giữa các doanh nghiệp của hai bên”. Việc ký Bản ghi nhớ hợp tác này giữa hai cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của hai nước là một tiền đề rất quan trọng, góp phần thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa hai bên do SASAC cũng đồng thời là cơ quan quản lý trực tiếp của Công ty hữu hạn Tập đoàn Ngũ Khoáng Trung Quốc - Tập đoàn mẹ của MCC.
Những nỗ lực chỉ đạo, điều phối của Ủy ban đã đạt những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Cụ thể, sau rất nhiều năm bị đình trệ, MCC đã cử đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại Việt Nam từ ngày 14-24/10/2022 để khảo sát, đánh giá, trao đổi với các cấp có thẩm quyền và doanh nghiệp liên quan của Việt Nam về Dự án TISCO 2. Việc MCC cử đoàn công tác sang làm việc trực tiếp tại Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang thực hiện chính sách phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt đã cho thấy:
- Sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo và Ủy ban, cũng như việc tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan liên quan hai nước thông qua các kênh ngoại giao đã có tác động rất lớn, làm thay đổi nhận thức và hành động của MCC, dẫn đến việc MCC chuyển từ thái độ bất hợp tác, chậm phản hồi đối với các yêu cầu, đề nghị của chủ đầu tư sang chủ động phối hợp, phản hồi nhanh chóng hơn với các yêu cầu của TISCO.
- Dưới tác động của giải pháp ngoại giao và sự tham dự của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, việc MCC cử Đoàn công tác sang Việt Nam là minh chứng cụ thể cho việc thực hiện những nhận thức chung đã đạt được giữa các bên tại cuộc hội đàm trực tuyến tổ chức ngày 21/9/2022 và là một tiến triển thực chất mang tính phá băng, bước đầu tạo lập niềm tin giữa 2 bên.
- Các nỗ lực của phía Việt Nam cũng tạo cơ sở cho đối tác MCC thể hiện thiện chí và mong muốn giải quyết các tồn tại, vướng mắc của Dự án TISCO 2.
Chuyến công tác đã tạo ra bước đột phá trong quá trình giải quyết các tồn tại của Dự án TISCO 2 khi lần đầu tiên hai bên đã cùng khảo sát, tiếp cận trên thực tế đối với các máy móc, thiết bị đã tập kết tại hiện trường, bước đầu đã giúp đưa ra định hướng sơ bộ về việc xử lý công việc tiếp theo trong thời gian tới. Tuy nhiên, do hạn chế về thời gian, phạm vi ủy quyền và thành phần đoàn công tác, nên mặc dù nhiều nội dung đã được 2 bên đồng ý đưa vào Biên bản ghi nhớ, nhưng vào phút chót, MCC đã từ chối ký Bản ghi nhớ.
Do đó, để việc đàm phán giải quyết những tồn tại, hạn chế của Hợp đồng EPC của Dự án TISCO 2 đạt được kết quả thực chất theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính phủ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp hai bên, Ủy ban đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc tổ chức Đoàn đi công tác Trung Quốc từ ngày 13/03/2023 đến 19/03/2023 để trực tiếp chỉ đạo SCIC, VNSTEEL và TISCO đàm phán với đối tác MCC, đồng thời có công hàm đề nghị Lãnh đạo SASAC tham dự đàm phán và chỉ đạo MCC cử Lãnh đạo có đủ thẩm quyền và trách nhiệm trong việc quyết định các vấn đề pháp lý và thương mại liên quan đến Dự án TISCO 2 trực tiếp đàm phán với Đoàn công tác.
Như vậy, việc triển khai đoàn đoàn công tác của Ủy ban ngay sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch Covid-19 sẽ mang tính chất rất quan trọng, ngoài việc cụ thể hóa những nhận thức chung đã đạt được giữa 02 đồng chí Tổng Bí thư Đảng cộng sản hai nước trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022 là tăng cường quan hệ giao lưu hợp tác giữa các cơ quan tương ứng của hai nước, trong đó có MOU đã ký giữa Ủy ban và SASAC thì việc xử lý các vấn đề liên quan Dự án TISCO 2 là hết sức cấp thiết, thể hiện tính chủ động của phía Việt Nam trong việc hiện thực hóa các nhận thức chung này.
Được biết, nằm trong chương trình làm việc tại Trung Quốc từ ngày 13-19/3/2023, Đoàn công tác của Ủy ban do Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh làm Trưởng đoàn cùng các doanh nghiệp trực thuộc đã có lịch trình làm việc khá “dày đặc” như làm việc Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước tỉnh Quảng Đông, Công ty TNHH Lưới điện phương nam, Tập đoàn Xây dựng Trung Quốc, Khu công nghiệp Xà Khẩu - Tập đoàn China Merchants Group, Cảng hàng không Đại Hưng Bắc Kinh, Hãng hàng không Phương Nam – Trung Quốc (các tập đoàn hàng đầu trực thuộc Sasac), Tập đoàn Huawei...Trong các ngày 17 – 19/03/2023, Ủy ban sẽ có buổi hội đàm quan trọng với Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước Trung Quốc, tổ chức diễn đàn doanh nghiệp và kết nối các doanh nghiệp của 2 cơ quan; đặc biệt tiếp tục chỉ đạo đoàn đàm phán của SCIC, VNSTEEL và Tisco trong thời gian này và có buổi làm việc trực tiếp với MCC về các nội dung liên quan đến Dự án TISCO 2.
P.V
Link nội dung: https://pld.net.vn/quyet-tam-giai-quyet-dut-diem-cac-ton-tai-vuong-mac-tai-du-an-tisco-2-a11459.html