Chuẩn hoá thông tin thuê bao trước giờ G: Nhà mạng 'than' gặp khó

Gần 4 triệu thuê bao di động sẽ phải bổ sung, chuẩn hóa thông tin cá nhân khiến các nhà mạng phải mất nhiều thời gian đối chiếu trong khi phải đáp ứng thời hạn chuẩn hóa thông tin 31/3.

nguoi-dung-nhan-tin-nhan-yeu-cau-cap-nhat-thong-tin-tu-nha-mang-pld-1679114352.jpg
Người dùng nhận tin nhắn yêu cầu cập nhật thông tin từ nhà mạng. (Ảnh: VinaPhone)

Thực hiện chỉ đạo của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) các doanh nghiệp nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đối soát và chuẩn hóa thông tin. Đến nay, 3 doanh nghiệp viễn thông lớn (chiếm 96%) thị phần di động đã đối soát xong 100% dữ liệu. Các doanh nghiệp nhỏ đã gửi dữ liệu và tiếp tục đối soát một cách ráo riết.

Kết quả tổng hợp từ các nhà mạng cho thấy vẫn còn gần 4 triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin để khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại cuộc họp vào ngày 13/3, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết sau ngày 31/3, thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa một chiều.

Chỉ còn 15 ngày trước thời hạn chuẩn hóa thông tin nhưng các nhà mạng cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn.

Số lượng thuê bao lớn, khách hàng chưa hợp tác

Đại diện VinaPhone cho biết từ đầu tháng 7/2022, VinaPhone bắt đầu đối soát và chuẩn hóa thông tin thuê bao, bằng cả công nghệ và thủ công. Hiện VinaPhone còn khoảng 1,1 triệu thuê bao di động chưa chuẩn hóa.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay của nhà mạng này nói riêng và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nói chung là số lượng thuê bao cần chuẩn hóa lại thông tin khá lớn.

Trong khi đó việc thông báo, liên hệ với khách hàng chưa đạt hiệu quả mong muốn, do nhiều khách hàng không để ý xem các tin nhắn gửi đến máy điện thoại hoặc sử dụng điện thoại không thường xuyên, không để ý đến tin tức trên truyền thông nên chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của việc đứng tên chính chủ số điện thoại mình đang sử dụng và tầm quan trọng của việc thông tin thuê bao cần trùng khớp với dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Một khó khăn khác mà VinaPhone gặp phải đó là sau khi đối chiếu, có những khách hàng thậm chí chưa có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tương tự, đại diện Viettel cho biết đã bắt đầu thực hiện đối chiếu dữ liệu thông tin thuê bao với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ năm ngoái, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo đại diện Viettel, sau khi sử dụng công nghệ AI để phân tích, nhà mạng này còn khoảng 1,3 triệu thuê bao cần chuẩn hóa thông tin để khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tuy nhiên, đây chưa phải con số cuối cùng bởi Viettel sẽ tiến hành thêm các đợt rà soát lại dữ liệu với Bộ Công an.

Đại diện Viettel cho biết sau khi phối hợp với Bộ Công an đối chiếu dữ liệu vào tháng 11/2022 có 8% khách hàng đang có thông tin không trùng khớp.

Tuy nhiên, khi phân tích, rà soát lại bằng công cụ tự động và cả đọc thủ công, Viettel phát hiện trong 8% này có khoảng 70% có thể đã trùng khớp thông tin. Viettel cũng kiến nghị Bộ Công an sớm xác minh và trả lời nhà mạng này để tiến hành chuẩn hóa cho khách hàng.

Đại diện các nhà mạng cũng cho hay về quy định về an toàn thông tin thì hiện tại các nhà mạng không được tiếp cận Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà chỉ gửi thông tin và nhận lại các kết quả.

"Nếu dữ liệu có sai sót, sẽ được thông báo thuộc trường hợp sai định dạng hay dữ liệu không tồn tại. Một số tồn tại chủ yếu bao gồm: Sai họ tên, sai ngày tháng năm sinh, sai cả họ tên và ngày tháng năm sinh... Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có cơ chế để các doanh nghiệp viễn thông được phép đồng bộ thông tin online với Cơ sở dữ liệu quốc gia ngay khi khách hàng thực hiện đăng ký thông tin thuê bao qua đó hạn chế tối đa các trường hợp cần chuẩn hóa lại thông tin như thời gian qua," đại diện VinaPhone chia sẻ.

Ngoài ra, việc yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin cũng không dễ dàng.

Đại diện Viettel chia sẻ mặc dù đã nhắn tin nhiều lần thông báo nhưng tỷ lệ khách hàng phản hồi không cao, nhiều người không quan tâm hoặc cho rằng tin nhắn rác.

thue-bao-chua-khop-voi-co-so-du-lieu-quoc-gia-ve-dan-cu-pld-1679114352.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: VinaPhone)

Với MobiFone, sau quá trình rà soát, đối chiếu, tính đến đầu tháng 3/2023, nhà mạng này còn khoảng 1,4 triệu thuê bao chưa khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phía nhà mạng cho biết mặc dù đã nhắn tin đến các thuê bao nhưng có một số bộ phận chưa thực sự hợp tác.

Đại diện các nhà mạng cũng khuyến nghị các chủ thuê bao sớm thực hiện chuẩn hóa thông tin khi được yêu cầu để tránh tình trạng quá tải cục bộ có thể xảy ra trước thời hạn 31/3.

Sẵn sàng hệ thống hỗ trợ khách hàng

Ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Viễn thông đánh giá mốc thời gian 31/3 để chuẩn hóa toàn bộ thông tin thuê bao đang hoạt động là thách thức với các nhà mạng, và kêu gọi các chủ thuê bao hợp tác khi được yêu cầu.

"Các nhà mạng sẽ liên tục nhắn tin cho những thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau 5 ngày nhắn tin liên tiếp, nếu 15 ngày sau thuê bao vẫn chưa đúng thông tin sẽ bị dừng hoạt động 1 chiều. Sau 60 ngày, nếu thuê bao không có thông tin chuẩn xác sẽ bị cắt dịch vụ," ông Nhã chia sẻ.

Hiện các nhà mạng lớn đều chuẩn bị sẵn sàng hệ thống để hỗ trợ người dùng di động có thể tự chuẩn hóa thông tin sau quá trình đối soát.

Người dùng có thể tự chuẩn hóa thông tin qua ứng dụng, website hoặc tới trực tiếp quầy giao dịch của nhà mạng. Đối với một số trường hợp đặc biệt, nhà mạng sẽ cho nhân viên đến tận nơi hỗ trợ người dùng chuẩn hóa thông tin.

Kiến nghị với Cục Viễn thông, đại diện Viettel và MobiFone đề xuất việc nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về chấp hành quy định pháp luật trong việc sử dụng dịch vụ viễn thông, bên cạnh đó là các hệ lụy có thể phát sinh nếu thông tin thuê bao không được chuẩn hóa.

VinaPhone mong muốn quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao phải được thực hiện đồng bộ giữa các nhà mạng để sớm đạt được kết quả.

Cục Viễn thông cũng yêu cầu các nhà mạng nghiêm túc dành thời gian, nguồn lực để rà soát quy trình nội bộ, kiểm tra các điểm cung cấp dịch vụ, kênh phân phối nhằm chuẩn hóa thông tin thuê bao từ nay đến 31/3. Các doanh nghiệp cần cương quyết dừng dịch vụ đối với thuê bao có thông tin không đúng quy định. Ngoài ra, nhà mạng phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tránh làm ảnh hưởng đến các thuê bao đã có thông tin đúng quy định./.

Link nội dung: https://pld.net.vn/chuan-hoa-thong-tin-thue-bao-truoc-gio-g-nha-mang-than-gap-kho-a11472.html