Ngày 5/3, tàu du lịch cao cấp Silver Muse (quốc tịch Bahamas) cập cảng Nha Trang, đưa 333 du khách tham quan phố biển. Đây là tàu du lịch thứ 3 ghé Nha Trang chỉ trong chưa đầy một tuần.
Liên tiếp đón du thuyền hạng sang
Vừa cập cảng Nha Trang, ông John (55 tuổi, du khách Mỹ) thốt lên Nha Trang đẹp quá. “Chuyến du lịch của tôi đi qua rất nhiều nước, nhưng Nha Trang tạo ấn tượng ban đầu tốt bằng cảnh quan đẹp, không khí trong lành”, ông nói.
Ông John cùng gần 100 du khách trên tàu Silver Muse chọn tour ngắm đồng quê ngoại ô Nha Trang. Những du khách này sẽ được tham quan di tích Tháp Bà Ponagar, sau đó di chuyển về xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phương để thăm các làng nghề, thưởng thức đặc sản trái cây.
Cách tạo doanh thu từ du thuyền hạng sang
Tàu Silver Muse là một trong 3 du thuyền hạng sang cập cảng Nha Trang chỉ trong chưa đến một tuần đầu tháng 3. Trước đó, tàu du lịch Seven Seas Explorer (quốc tịch Marshall Islands) và siêu tàu du lịch Mein Schiff 5 chở tổng cộng hơn 3.000 khách ghé cảng TP Nha Trang. Trước khi ghé Nha Trang, các du thuyền trên đã cập cảng TP.HCM, Vũng Tàu…
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, sự trở lại của dòng khách du lịch bằng tàu biển đến từ các quốc gia như Mỹ, Đức, Canada, Australia, Colombia, Thái Lan, Trung Quốc… là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh du lịch Nha Trang – Khánh Hòa đến du khách quốc tế, đặc biệt là thị trường khách châu Âu.
Theo bà Thanh, trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, thị trường khách quốc tế bị thu hẹp, nhu cầu đi du lịch của đa phần khách quốc tế thay đổi thì dòng khách đến Nha Trang – Khánh Hòa bằng tàu biển là tín hiệu về sự phục hồi ngành du lịch nói chung và sự hấp dẫn của địa phương nói riêng.
“Các tour tuyến dành cho khách du lịch bằng tàu biển đã có sự đa dạng, thay đổi nhiều hơn so với trước. Các công ty lữ hành cũng ý thức được cần phải thay đổi, làm mới nhằm thu hút nhiều hơn du khách, đặc biệt là du khách thị trường tiềm năng ở Mỹ, châu Âu”, bà Thanh nói.
Đón khách tàu biển có lợi gì?
Đặc thù của khách tàu biển là không lưu trú so với các loại hình du lịch khác. Do vậy, nếu không khai thác hợp lý sẽ không tạo ra được lợi nhuận về kinh tế nhiều, đa dạng so với khách chọn tour máy bay hay tàu hỏa…
Ông Phan Đình Thảo, Tổng giám đốc Công ty TNHH HTS International, cho rằng các địa phương đều ưa thích đón khách tàu biển vì đây là dòng khách sang, có khả năng chi trả cao. “Lượng khách tàu biển thường lớn. Đa phần tàu cao cấp xuất phát từ những địa danh nổi tiếng do đó thu hút truyền thông và có giá trị cao về mặt quảng bá”.
“Ngoài ra, khách tàu biển dành phần lớn thời gian thư giãn trên tàu, mỗi địa phương khi tàu ghé lại thường 1-2 ngày, do đó khi khách ghé tham quan các địa phương đó nếu họ thấy yêu thích thì khả năng họ sẽ quay lại địa phương đó để đi du lịch là rất cao. Do vậy việc tàu biển ghé cũng có giá trị cao trong việc thu hút khách đến địa phương đó trong tương lai bằng các phương tiện khác”, ông Thảo phân tích.
Cũng theo ông Thảo, nếu xét về mặt du lịch rõ ràng không có bất lợi khi đón khách du lịch bằng tàu biển. Tuy nhiên, có thể xảy ra một số hệ lụy như vấn đề kẹt xe cục bộ, gây thiếu hụt lực lượng nhân sự và cơ sở vật chất để đáp ứng cho số lượng khách đông đến cùng một lúc.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ đây không phải do tàu biển gây ra mà do hạ tầng của các địa phương ở nước ta không đủ tốt để đón tiếp. Đặc thù của tàu biển là không lưu trú. Tuy vậy khi họ lên bờ cũng sử dụng nhiều dịch vụ và về mặt doanh thu thì vẫn tốt, đặc biệt là nhà hàng, vận chuyển, điểm tham quan… Quan trọng là chúng ta phải tạo ra được các tour, tuyến hấp dẫn, ‘gợi’ được sự thích thú để du khách xuống tiền”, ông Thảo nói thêm.
Một trong những yếu tố để Việt Nam thu hút khách du lịch tàu biển có các cảng biển lớn, thành phố trung tâm mặt biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp.
“Những địa phương, như TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long… đều là các thành phố lớn và có cảng biển có thể đáp ứng cho tàu neo đậu. Và, đây cũng là các thành phố lớn, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hạ tầng du lịch, nhân sự có thể đáp ứng cho số lượng khách rất lớn cùng lúc như đặc thù của tàu biển”, ông Thảo phân tích thêm.
Trong chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch định hướng Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu, khả năng cạnh tranh của du lịch nước ta, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 phục hồi và phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm. Đến năm 2030, con số này tiếp tục tăng và đạt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng 13-15%/năm, phục vụ 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa 4-5%/năm.
Link nội dung: https://pld.net.vn/cach-tao-doanh-thu-tu-du-thuyen-hang-sang-a11478.html