Ba yếu tố khiến ngân hàng khó mua lại trái phiếu doanh nghiệp

Những vụ sụp đổ và chao đảo của các ngân hàng quốc tế có thể khiến kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ xem xét tham gia hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng khó khả thi.

Ngân hàng chỉ mua khi có cam kết

Theo quy định hiện nay, ngân hàng thương mại (NH) có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong trường hợp NH thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu đã phát hành. Đây là trả lời của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đối với đề nghị của cử tri TP HCM, theo nội dung đề nghị các NHTM có trách nhiệm mua lại trái phiếu đã trung gian chào bán cho nhà đầu tư.

dmhl8930-enternews-1658918634-1679923820.jpg

 

NH có trách nhiệm mua lại trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong trường hợp NH thực hiện hoạt động đại lý phát hành và có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại trái phiếu đã phát hành. Ảnh: Quốc Tuấn

NHNN cho rằng doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu.

Đối với trái phiếu chào bán tại thị trường trong nước, trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.

Cử tri TP HCM cũng có kiến nghị NHNN tăng cường thanh tra, kiểm tra tình hình và hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng (TCTD). Ngân hàng Nhà nước cho biết vừa triển khai thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tại 11 tổ chức tín dụng. Trên cơ sở kết quả thanh tra, đã ban hành một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các TCTD có hành vi vi phạm.

Theo các quy định và trả lời cụ thể của NHNN, rõ ràng không có quy định nào yêu cầu các NHTM tham gia mua lại TPDN mà NH đã giới thiệu đến trái chủ trong quá khứ – lưu ý là “giới thiệu”, chứ không cam kết. Đây là một trong những vấn đề nổi cộm mà nhiều trái chủ hết sức băn khoăn nhưng không thể đưa ra yêu cầu mua lại chính thức, vì hoạt động mua trái phiếu của trái chủ diễn ra qua tổ chức trung gian (cụ thể ghi nhận trên thị trường có sự tham gia của cả NHTM lẫn các CTCK), song trên hợp đồng, không hề có thông tin các bên giới thiệu có thực hiện hoạt động đại lý phát hành; các bên giới thiệu cũng không hề có cam kết, ký hợp đồng với nhà đầu tư về việc mua lại. Trách nhiệm của các bên “giới thiệu” trái phiếu có khối lượng lớn và nhiều rủi ro trong thời gian đến nhà đầu tư, vì vậy đang là vấn đề gây tranh cãi.

Thông tư 16: Chốt chặn

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 16/2021, Ngân hàng Nhà nước nêu quy định rõ là TCTD sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau: Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác; Trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Nói cách khác là Thông tư 16 của NHNN đề cập đến hai vấn đề nóng: Các ngân hàng không được mua trái phiếu của doanh nghiệp phát hành với mục đích đảo nợ hoặc phát hành để thâu tóm doanh nghiệp khác. Gọi là nóng là bởi trên thị trường vốn Việt Nam thời gian qua, đây là 2 mục đích huy động vốn rất phổ biến của các doanh nghiệp.

Một trong những nguyên tắc mua, bán TPDN được đưa ra, là TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp…

Như vậy, những quy định liên quan đến hoạt động mua bán TPDN của TCTD hiện hành, ràng buộc không chỉ việc các NH không thể tham gia mua lại trái phiếu (trong trường hợp nếu có cam kết với nhà đầu tư về việc mua lại, nhưng đó là loại TPDN phát hành rơi vào các mục đích mà TCTD bị “không được mua theo Thông tư 16, thì chưa biết sẽ phân định ra sao?); mà các NH cũng khó tham gia mua/ đầu tư TPDN ở các đợt phát hành mới nếu không đảm bảo được các tiêu chí.

Thông tư 16 vì vậy vẫn đang là một trong những “chốt chặn: quan trọng, “chặn” NHTM tham gia thị trường TPDN một cách “rộng tay”. Dòng tiền từ NHTM vào thị trường này rất khó khơi chảy như giai đoạn trước đây. Cũng do đó, trên thị trường đã xuất hiện các kiến nghị về việc NHNN nên sớm xem xét sửa Thông tư 16.

Bài học từ sụp đổ SVB

Ngoài ra, một yếu tố khác cần lưu ý  là những vụ sụp đổ và chao đảo của các ngân hàng quốc tế có thể khiến kỳ vọng ngành ngân hàng sẽ xem xét tham gia hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp càng khó khả thi.

svb-1-1-1679923820.jpg

 

Quản trị danh mục đầu tư trái phiếu cần được nâng cao rủi ro với cả chính các ngân hàng. Ảnh: Getty Images

Bởi không ít ngân hàng như Silicon Valley Bank (SVB của Mỹ) hay ngân hàng khổng lồ của Thụy Sỹ Credit Suisse đã và đang gặp vấn đề với trái phiếu, tài sản mà các ngân hàng này nắm giữ tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của mình.

Sự sụp đổ hay chao đảo của các ngân hàng, cụ thể như SVB, xuất phát từ việc đầu tư trái phiếu tại thời điểm lãi suất thấp. Khi lãi suất tăng lên làm giá trái phiếu trên thị trường giảm xuống, các ngân hàng cần tiền để thanh toán cho trái chủ hoặc phục vụ cho hoạt động tín dụng của ngân hàng thì ngân hàng phải chấp nhận bán lỗ trái phiếu, không bán được sẽ dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Theo đó, quản trị rủi ro đối với danh mục đầu tư, nắm giữ trái phiếu đòi hỏi một sự chặt chẽ và tuân thủ các quy tắc quản trị rủi ro tài chính nói chung. Điều này rất cần được đề cao xuyên suốt đối với hệ thống ngân hàng, và càng đặc biệt cần đề cao trong giai đoạn rủi ro tài chính toàn cầu hiện hữu.

Link nội dung: https://pld.net.vn/ba-yeu-to-khien-ngan-hang-kho-mua-lai-trai-phieu-doanh-nghiep-a11592.html