Ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 0,3%-0,5%/năm có hiệu lực từ ngày 3/4/2023.
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giữ nguyên ở mức 6,0%/năm.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1,0%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 6,0%/ năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vì mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm.
Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô cũng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.
Ngân hàng Nhà nước lý giải, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dưới 6 tháng để các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng giảm chi phí tài chính; tiếp tục điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 4,5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
”Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,” lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế; lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh.
Bên cạnh đó thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ tháng 1/2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông. Ngày 30/3/2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.603 đồng/USD, giảm khoảng 0,04% so với cuối năm 2022; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.480 đồng/USD, giảm 0,4% so với cuối năm 2022.
Mặc dù vậy, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong quý 1; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các Ngân hàng Trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trước đó ngày 15/3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ký ban hành 2 quyết định điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ 0,5% đến 1%.
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành mỗi lần 1% vào ngày 23/9 và 25/10 diễn ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát./.
Link nội dung: https://pld.net.vn/ngan-hang-nha-nuoc-giam-mot-loat-muc-lai-suat-dieu-hanh-them-05-a11633.html