Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ có 10.900 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, với khoảng 3,3 triệu trẻ mầm non và học sinh. Những năm qua, ngành giáo dục và các địa phương trong vùng triển khai nhiều cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục và đào tạo.
Các tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn mỗi địa phương. Một số địa phương đã có các chính sách đặc thù tạo chuyển biến tích cực về quy mô và chất lượng giáo dục, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giữa các địa bàn.
Các chính sách phát triển nguồn nhân lực, công tác xóa mù chữ, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ về giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, đẩy mạnh. Việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục tiểu học, THCS theo hướng phát triển mô hình trường bán trú, nội trú, đưa học sinh các điểm trường về các điểm trường chính, trung tâm để học tập đã giúp giảm các điểm trường lẻ, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS vùng trung du, miền núi Bắc Bộ được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Đáng chú ý, thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xóa mù chữ, các địa phương đã ban hành các chương trình, kế hoạch đẩy mạnh công tác xóa mù chữ tại địa phương, trong đó ưu tiên xóa mù chữ cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Đến nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 64,3% đơn vị cấp tỉnh, 84,7% đơn vị cấp huyện và 93,8% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Năm học 2021-2022, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia của vùng là 57,97%, cao hơn 6,02% so với bình quân chung cả nước (51,92%); tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia của vùng là 69,22%, cao hơn 1,11% so với mức bình quân chung toàn quốc (68,11%); tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT toàn vùng đạt 98,65% (cao hơn bình quân cả nước 0,08%).
Mặc dù đạt được nhiều bước tiến đáng kể nhưng với đặc thù địa hình đồi núi, vùng sâu, vùng xa, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cho nên giáo dục và đào tạo vùng trung du, miền núi Bắc Bộ chưa thật sự đáp ứng yêu cầu phát triển. Quy hoạch mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học.
Toàn vùng có 115.668 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó có 89.973 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 77,8%, thấp hơn 7,6% so với bình quân chung của cả nước. Từ năm học 2022-2023, Tin học và Ngoại ngữ là hai môn bắt buộc từ lớp 3 theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Tuy nhiên, đối với vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, phòng học bộ môn Tin học, số lượng máy tính chỉ ở mức cơ bản, đa phần là cấu hình thấp, trang bị từ lâu, không đồng bộ, hạn chế trong việc cài đặt phần mềm mới để đáp ứng nhu cầu dạy học. Trong khi đó, phòng học Ngoại ngữ, số lượng thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, chủ yếu là những thiết bị cầm tay, đơn chiếc phục vụ cho việc giảng dạy của giáo viên.
Đáng chú ý, năm học 2022- 2023 một số địa phương không tuyển đủ số biên chế giáo viên được giao; có địa phương tổ chức thi tuyển, ứng viên đã thi đỗ nhưng sau đó không đến tiếp nhận công việc, nhất là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Số lượng giáo viên bỏ việc, ra khỏi ngành có xu hướng gia tăng ở một số địa bàn khó khăn làm tăng thêm áp lực thiếu giáo viên. Tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 còn cao, trong đó tỷ lệ giáo viên tiểu học, THCS chưa đạt chuẩn cao nhất cả nước; giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi còn ít.
Để từng bước phát triển giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, ngành giáo dục cùng các địa phương xác định, đến năm 2030, giáo dục và đào tạo của vùng trung du, miền núi Bắc Bộ cần đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng cơ bản chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa.
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, bao gồm: Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, năng lực sáng tạo, năng lực ngoại ngữ, tin học; cơ bản đáp ứng được nhu cầu nhân lực phát triển kinh tế -xã hội của vùng; tăng cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao cho đồng bào, tạo điều kiện cho người dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Đến năm 2030, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục, đào tạo của vùng tiệm cận với mặt bằng chung của cả nước.
Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong chặng đường trước mắt, vùng trung du, miền núi Bắc Bộ cần hài hòa giữa phát triển giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà với các mức độ khác nhau. Trong đó, vấn đề số một của vùng là phổ cập, nâng cao dân trí, sau đó mới nói về các vấn đề khác.
Mục tiêu quan trọng là giảm đến mức thấp nhất mù chữ, tái mù chữ; bảo đảm con em đồng bào các dân tộc được đi học, có trình độ giáo dục tối thiểu để có thể thay đổi được đời sống của chính mình. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành rà soát cơ chế, chính sách với khu vực theo hướng gọn lại, tích hợp nhưng cần mang tính đột phá.
Trong đó, hai vấn đề cần ưu tiên đột phá là: Bằng mọi biện pháp, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong xây dựng đội ngũ giáo viên; đồng thời giải quyết các vấn đề về cơ sở vật chất, trường lớp, để cố gắng đến năm 2030 toàn vùng sẽ không còn phòng học tạm…
Link nội dung: https://pld.net.vn/chuan-hoa-giao-duc-o-vung-trung-du-mien-nui-bac-bo-a11655.html