Núp bóng doanh nghiệp, công ty luật cưỡng đoạt tài sản

Các doanh nghiệp do người Việt Nam đứng tên, thuê hàng trăm nhân viên với nhiều bộ phận vận hành hoạt động. Các đối tượng này móc nối với chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, công ty trung gian thanh toán để mua lại các khoản nợ xấu, nợ khó đòi bằng các hợp đồng tư vấn tài chính, tư vấn pháp lý, xử lý nợ; sau đó giao nhân viên đòi nợ, hưởng lợi từ 10-15% số tiền nợ.

cong-an-tinh-tien-giang-pld-1680857143.jpg
Công an tỉnh Tiền Giang khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Pháp Việt tại tòa nhà “T&T Dancesport”, địa chỉ số 7, đường Lê Văn Huân, phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14/2/2023. Trong ảnh: Kiểm tra, khám xét, thu giữ vật chứng tại nơi làm việc của các đối tượng. (Ảnh: Trọng Tín).

Các“công ty” này vận hành với nhiều công đoạn bài bản: tuyển dụng, đào tạo, quản trị nhân sự, xây dựng chiến lược kinh doanh, quảng cáo, tư vấn, thẩm định, giải ngân các gói vay, nhắc nợ, đòi nợ hoạt động trong phạm vi rộng lớn. Qua các chuyên án, vụ án, lực lượng công an đã nhận diện rõ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng này. Về bản chất đây là loại tội phạm cưỡng đoạt tài sản.

Thay vì sử dụng phương thức truyền thống qua hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ từ “tín dụng đen”, đến nay các đối tượng này chuyển hướng sang móc nối các đối tượng người nước ngoài thành lập các doanh nghiệp cho vay qua ứng dụng (app) với lãi suất lên tới hơn 1.000%/năm; hoặc mua lại các khoản nợ khó đòi của các chi nhánh ngân hàng, công ty tài chính, các app cho vay để đòi nợ, khủng bố khách hàng nhằm hưởng phần trăm.

Về bản chất đây là các băng nhóm hoạt động có tổ chức, lợi dụng danh nghĩa pháp nhân để phạm tội, có sự phân công thành các bộ phận, có sự chỉ đạo theo nhiều cấp, hoạt động tuyển dụng, đào tạo, khống chế nhân viên thực hiện các quy định ràng buộc, như giao chỉ tiêu, ép doanh số, thưởng phạt dựa trên hiệu quả của từng khâu từ tìm khách hàng, cấp tín dụng cho đến hoạt động đòi nợ.

Để cưỡng đoạt tài sản của người vay, các đối tượng cắt ghép hình ảnh vu khống, xúc phạm người vay, người thân, đồng nghiệp của người vay tiền. Thậm chí, nhiều vụ việc vu khống cả hiệu trưởng, giáo viên, lãnh đạo các cơ quan để đòi nợ. Thủ đoạn của bọn chúng là gọi điện, nhắn tin khủng bố tinh thần, đặt bình ga, đem quan tài... đến nhà, cơ quan của các bị hại, người thân để đe dọa, đòi nợ, gây bức xúc trong nhân dân, dư luận.

Trước tình trạng này, Bộ Công an chỉ đạo các cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, công an các đơn vị, địa phương chủ động đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi nêu trên, tạo sức răn đe, phòng ngừa mạnh mẽ trong xã hội. Sau các chuyên án, vụ án được khám phá, tình trạng khủng bố, đòi nợ với thủ đoạn nêu trên đã có chiều hướng giảm và được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao, dư luận ủng hộ.

Theo báo cáo của Cục Cảnh sát hình sự: trong quý I/2023, toàn quốc xảy ra 89 vụ cưỡng đoạt tài sản. Cơ quan điều tra các cấp đã khám phá 79 vụ, bắt, xử lý 223 đối tượng.

Các địa phương phát hiện nhiều số vụ cưỡng đoạt tài sản là Thành phố Hồ Chí Minh (16 vụ), Hà Nội (7 vụ), Thanh Hóa (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Đắk Lắk (5 vụ)... Giai đoạn 1, cơ quan chức năng đã xử lý các đối tượng về hành vi vu khống, giai đoạn 2 làm rõ hành vi cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” và giai đoạn 3 là cưỡng đoạt tài sản.

Việc xử lý, khởi tố các đối tượng về hành vi cưỡng đoạt tài sản đã nhận diện đúng bản chất của loại tội phạm này, thể hiện sự kiên quyết đấu tranh của lực lượng công an. Qua các chuyên án, vụ án được khám phá đã gây rúng động xã hội, mang tính răn đe cao và góp phần kéo giảm mạnh tội phạm cưỡng đoạt tài sản.

Điển hình là vụ ngày 14/2, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an); Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động lực lượng tiến hành khám phá chuyên án lợi dụng danh nghĩa Công ty Luật TNHH Pháp Việt, trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh để hoạt động đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính. Khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt tại tòa nhà “T&T Dancesport” (số 07, đường Lê Văn Huân, Phường 13, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), cơ quan chức năng đã thu giữ 233 CPU máy tính bàn, bốn máy tính xách tay, hơn 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản.

Đồng thời, cơ quan công an triệu tập làm việc 133 đối tượng có liên quan, phát hiện có nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan việc đòi nợ. Chỉ sau bốn ngày, ngày 18/2, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự. Liên quan vụ án này, đến nay, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố 54 bị can (hai phó giám đốc, 20 trưởng phòng, một thư ký và 31 nhân viên).

Các bị can đã thừa nhận hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay tiền và người thân, bạn bè của họ để ép buộc người vay phải trả nợ. Hai đối tượng cầm đầu là Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (cùng là Phó Giám đốc) đều không có văn bằng chuyên ngành luật, mà chỉ thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân.

Các đối tượng thừa nhận việc phân công nhiệm vụ từ các trưởng phòng, trưởng nhóm và từng nhân viên hoạt động phạm tội rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tổ chức tội phạm này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên công ty thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng. Mỗi tháng công ty nhận từ các ngân hàng, công ty tài chính hàng trăm nghìn hợp đồng vay tiền của các khách hàng chưa trả được. Sau đó, phân chia cho các nhân viên công ty đòi nợ bằng hình thức đe dọa, khủng bố. Công ty được các ngân hàng, công ty tài chính trả phần trăm trên tổng số tiền thu được.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, Công an thành phố đã triệt xóa sáu băng nhóm cưỡng đoạt tài sản núp bóng các công ty: Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset; Công ty Luật TNHH Power Law chi nhánh Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Tiếng nói hay, Công ty cổ phần mua bán nợ Việt Nam Thịnh Vượng, Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ và Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh F88; khởi tố 64 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Riêng đối với Công ty cổ phần kinh doanh F88, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan điều tra đã khởi tố 10 bị can là trưởng nhóm và nhân viên. Ngoài ra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tổng kiểm tra hành chính, phát hiện 79 địa điểm kinh doanh (Cửa hàng F88) có các lỗi vi phạm quy định về quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.

Tại hội nghị hội ý nghiệp vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng liên quan doanh nghiệp, công ty luật diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, Thứ trưởng Công an, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc biểu dương, đánh giá cao công tác điều tra, xử lý tội phạm cưỡng đoạt tài sản hoạt động dưới dạng núp bóng liên quan các doanh nghiệp, công ty luật. Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu thời gian tới, công an các đơn vị, địa phương khẩn trương kết thúc những vụ việc đã rõ để có biện pháp xử lý, răn đe tội phạm...

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, nhận diện rõ các loại tội phạm, chủ động có giải pháp đấu tranh mạnh mẽ, toàn diện; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội, giải quyết tốt, kịp thời các tin báo tố giác tội phạm ngay từ cơ sở.

Link nội dung: https://pld.net.vn/nup-bong-doanh-nghiep-cong-ty-luat-cuong-doat-tai-san-a11691.html