Ngày 5/4, Cơ quan Cạnh tranh Italy (ICA) cho biết họ đã mở một cuộc điều tra nhằm vào Meta, công ty mẹ của Facebook, với cáo buộc tập đoàn công nghệ này lạm dụng vị trí thống lĩnh của mình trong các cuộc đàm phán bản quyền với các nghệ sỹ âm nhạc Italy.
ICA cho biết họ đang điều tra cáo buộc Meta lạm dụng sự phụ thuộc kinh tế của Hiệp hội Tác giả và Nhà xuất bản Italy (SIAE), cơ quan công quyền chịu trách nhiệm bảo vệ bản quyền của các nghệ sỹ ở Italy.
Hợp đồng giữa SIAE và Meta đã hết hạn vào tháng 12/2022. Các cuộc đàm phán gia hạn không thành công đã khiến Meta xóa các nghệ sĩ của SIAE khỏi tất cả các nền tảng của tập đoàn này.
Theo ICA, Meta đã không cung cấp những thông tin cần thiết để thực hiện các cuộc đàm phán theo nguyên tắc minh bạch và công bằng. ICA cho hay Meta bị cáo buộc khai thác vị trí thống lĩnh trên thị trường để yêu cầu SIAE chấp nhận một đề nghị kinh tế không thỏa đáng và không cung cấp thông tin thích hợp để đánh giá tính công bằng. Ngày 5/4, Meta khẳng định sẵn sàng phối hợp để đáp ứng các yêu cầu của ICA.
Cùng ngày, Văn phòng giám sát cạnh tranh của Đức (FCO) cho biết cơ quan này đang đặt hãng Apple (Mỹ) dưới sự giám sát chặt chẽ để xem xét hành vi lạm dụng vị thế trên thị trường của hãng này.
Apple, Amazon, Alphabet và Meta đều đang chịu sự giám sát chặt chẽ hơn theo Đạo luật Cạnh tranh của Đức. Đạo luật này cho phép cơ quan có thẩm quyền can thiệp sớm hơn, đặc biệt là đối với những "gã khổng lồ" công nghệ lớn trên thế giới.
Giám đốc FCO Andreas Mundt cho biết sự phổ biến của các sản phẩm như iPhone khiến Apple nắm giữ một hệ sinh thái kỹ thuật số rộng khắp, có tầm quan trọng lớn đối với sự cạnh tranh tại Đức và trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, Apple cũng có quyền truy vào dữ liệu liên quan đến cạnh tranh thông qua mạng lưới sản phẩm của mình. Theo FCO, Apple có một vị trí quyền lực và đặt ra nguy cơ hãng này có thể hành động theo những cách không được kiểm soát đầy đủ về cạnh tranh./.
Link nội dung: https://pld.net.vn/co-quan-canh-tranh-duc-va-italy-so-gay-meta-va-apple-a11696.html