‘Profile’ ấn tượng của những CEO thế hệ 7X

Không khó để điểm tên những doanh nhân thế hệ 7X đang đảm trách vai trò tổng giám đốc hay những vị trí quan trọng tại nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn.

Trần Huy Thanh Tùng - CEO Công ty cổ phần Thế giới Di Động

tran-huy-thanh-tung-ceo-cong-ty-co-phan-the-gioi-di-dong-pld-1683274189.jpg

Ông Trần Huy Thanh Tùng sinh năm 1970, có trình độ là cử nhân kinh tế trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Trước khi đầu quân cho Thế Giới Di Động, ông Tùng từng có thời gian làm kế toán trưởng tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam từ năm 1997 đến năm 2004.

Năm 2005, ông Tùng gia nhập Thế Giới Di Động với vị trí giám đốc tài chính. Ông Tùng là một trong 5 người sáng lập Thế Giới Di Động cùng Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, ông Điêu Chính Hải Triều, ông Trần Lê Quân và ông Đinh Anh Huân.

Từ năm 2007 đến năm 2013, ông Tùng là kế toán trưởng kiêm Giám đốc tài chính của Thế Giới Di Động. Từ cuối năm 2013 đến nay, ông làm Trưởng Ban kiểm toán nội bộ.

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO, ông Tùng cũng từng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng của công ty như: Trưởng ban kiểm soát, chủ tịch ủy ban kiểm toán… Từ tháng 4/2019, ông Tùng được bổ nhiệm là Thành viên HĐQT không điều hành của MWG. Doanh nhân này hiện nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu MWG (tương ứng với tỷ lệ sở hữu 0,76%) với giá trị hơn 430 tỉ đồng.

So với các nhân vật gạo cội khác tại Thế giới Di động, ông Trần Huy Thanh Tùng là người khá kín tiếng.

Nguyễn Cảnh Hồng - Tổng giám đốc Eurowindow

nguyen-canh-hong-tong-giam-doc-eurowindow-pld-1683274189.jpg

Ông Nguyễn Cảnh Hồng sinh năm 1971 tại Nghệ An, là người đã cùng với anh trai của mình là ông Nguyễn Cảnh Sơn sáng lập và xây dựng Tập đoàn Eurowindow Holding.

Cách đây hơn 20 năm, khi còn là một chàng sinh viên Đại học Bách khoa, ông Hồng đã vừa học, vừa kinh doanh theo kiểu mua hàng đầu phố, bán cuối phố. Rồi sau đó là những cuộc thử sức với các công ty máy tính của bạn bè cũng như của riêng mình.

Năm 1997, ông có công trình lớn ở Việt Nam và cần tìm loại cửa có nhiều tính năng mới nhưng không thấy. Nhìn từ thị trường châu Âu, trong khi hầu hết các nước đều sử dụng cửa uPVC ở các công trình hiện đại, ông đã nghĩ phải làm sao đưa được sản phẩm cửa cao cấp, chất lượng quốc tế về Việt Nam.

Và đến năm 2002, khi có trong tay 5 triệu USD, ông đã cũng anh trai thành lập Eurowindow với khoảng 120 nhân sự.

Năm 2003, Eurowindow đã khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên trên diện tích 21.500m2 tại Vĩnh Phúc. Những sản phẩm cửa uPVC đầu tiên mang thương hiệu Eurowindow này đã chính thức ra mắt trên thị trường Việt Nam.

Không dừng lại ở những thành công ban đầu ở thị trường phía bắc, năm 2005 Eurowindow xây dựng nhà máy thứ hai tại Bình Dương với dây chuyền thiết bị hiện đại, nâng tổng công suất của Eurowindow lên 440.000m2/năm.

Đến năm 2008-2010, Eurowindow đã được định vị thương hiệu là Nhà cung cấp thị trường về cửa hàng đầu Việt Nam. Eurowindow tiếp tục đầu tư phát triển thêm sản phẩm cửa nhôm và hệ vách nhôm kính lớn nhằm khắc phục tất cả các nhược điểm của cửa nhôm kính truyền thống.

Cuối năm 2008, Eurowindow tiếp tục mở rộng, xây dựng Trung tâm gia công kính hiện đại tại Hà Nội, đưa nhà máy thứ ba tại Đà Nẵng đi vào hoạt động.

Năm 2011, thị trường bất động sản trầm lắng kéo theo thị trường vật liệu xây dựng ảm đạm. Trong bối cảnh đó, Eurowindow lại tiếp tục công bố thành lập nhà máy sản xuất cửa gỗ thứ tư tại Hà Nội và thứ năm tại Bình Dương khiến thị trường không khỏi bất ngờ.

Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Sacombank

nguyen-duc-thach-diem-tong-giam-doc-sacombank-pld-1683274189.jpg

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm sinh năm 1973, có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh. Bà Diễm bắt đầu công tác tại Sacombank từ năm 2002, từng đảm nhiệm các công việc thuộc mảng kế toán, tín dụng, dịch vụ khách hàng, khách hàng doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát nội bộ, xử lý nợ và đã có 11 năm ở vai trò quản lý, điều hành.

Bà Diễm làm Tổng giám đốc Sacombank từ năm 2017 khi ngân hàng bắt đầu bước vào quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập và đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhân sự, hiệu quả hoạt động và nợ xấu.

Trong 5 năm thực hiện tái cơ cấu, Sacombank đã thu hồi, xử lý 71.992 tỉ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 58.306 tỉ là các khoản thuộc Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đạt 67,9% kế hoạch tổng thể đến năm 2025.

Tỷ lệ nợ xấu bao gồm nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý ở mức 6,71%, giảm 15% so với năm 2016.

Bên cạnh việc quyết liệt thu hồi, xử lý nợ xấu, lợi nhuận lõi bình quân hàng tháng của Sacombank tăng từ mức 50 tỉ đồng/ tháng vào năm 2016 lên thành 1.000 tỉ đồng/tháng hiện hữu.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm còn được biết đến là người truyền cảm hứng sống năng động, tích cực và là người góp phần tái định hình văn hóa làm việc tại Sacombank.

Lê Hoàng Diệp Thảo – người sáng lập thương hiệu King Coffee

le-hoang-diep-thao-nguoi-sang-lap-thuong-hieu-king-coffee-pld-1683274189.jpg

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sinh năm 1973 trong một gia đình khá giả ở Gia Lai. Năm 1996, bà cùng chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp, thành lập hợp tác xã Cà phê Trung Nguyên tại thành phố Buôn Ma Thuột.

Năm 1998, bà Thảo cùng chồng mở quán Cà phê Trung Nguyên đầu tiên tại TPHCM. Đến năm 2006, bà được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên.

Năm 2008, bà Thảo thành lập Trung Nguyên International tại Singapore. Bà vẫn là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên.

Năm 2015, bà Thảo đệ đơn ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cuộc ly hôn kéo dài 6 năm mới có phán quyết cuối cùng. Đây cũng là một cuộc ly hôn tốn nhiều giấy mực của dư luận và báo chí.

Tháng 10/2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho ra mắt thương hiệu King Coffee tại Mỹ, đến tháng 8/2017 thì thương hiệu này chính thức xuất hiện ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của bà Thảo, King Coffee và TNI Corporation đã có những bước tiến vững mạnh. Doanh thu năm 2020 của King Coffee đạt ngưỡng 1.500 tỉ đồng. TNI Corporation nằm trong Top 100 thương hiệu mạnh nhất Việt Nam 2020-2021.

Nói về thương hiệu King Coffee, bà Thảo cho biết đây là khát vọng xây dựng nên thương hiệu cà phê huyền thoại, và việc sử dụng một thương hiệu mang tính toàn cầu sẽ giúp sản phẩm có thể phát triển ở thị trường quốc tế.

King Coffee nhanh chóng gây được tiếng vang trên thị trường cà phê thế giới khi chính thức ra mắt tại Mỹ vào tháng 10/2016, sau đó là các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Úc, Singapore, Dubai…Tháng 7/2017, bà Thảo đưa King Coffee trở về phục vụ thị trường nội địa. Trong thời gian rất ngắn, dưới sự điều hành của bà, công ty đã triển khai thành công hệ thống phân phối sản phẩm khắp 63 tỉnh thành trong nước cùng sự đón nhận của rất nhiều người yêu cà phê Việt.

Với những bước đi chắc chắn, King Coffee đã đạt được nhiều thành tựu đáng chú ý, đặc biệt giữa năm 2022, King Coffee được Tạp chí Global Business Reviews bình chọn là thương hiệu cà phê tăng trưởng nhanh nhất tại UAE.

Lê Thị Thu Thủy – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm CEO VinFast toàn cầu

le-thi-thu-thuy-pho-chu-tich-tap-doan-vingroup-kiem-ceo-vinfast-toan-cau-pld-1683274189.jpg

Bà Lê Thị Thu Thủy sinh năm 1974 tại Bình Định. Bà Thủy tốt nghiệp cử nhân Kinh tế, đại học Ngoại Thương, có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) đại học Quốc tế Nhật Bản.

Năm 2008, bà Thủy gia nhập Tập đoàn Vingroup với chức vụ Giám đốc tài chính, đồng thời nắm giữ nhiều vị trí quan trọng khác tại Vingroup trước khi được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Vinfast toàn cầu.

Bà từng giữ vị trí phó chủ tịch Lehman Brothers tại các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Singapore trước khi gia nhập Vingroup.

Cuối năm 2021, Vingroup bổ nhiệm bà Thủy làm tổng giám đốc VinFast toàn cầu, chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của VinFast, với mục tiêu đưa thương hiệu Việt Nam này trở thành hãng xe điện thông minh trên thế giới.

Bà Thủy trực tiếp điều hành hoạt động kinh doanh của VinFast tại các thị trường Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan. Bà cũng chịu trách nhiệm nghiên cứu và mở rộng kinh doanh của VinFast sang các thị trường tiềm năng khác.

Thành lập năm 2017, sau khoảng 21 tháng, VinFast khánh thành tổ hợp sản xuất ô tô, xe máy điện rộng 335ha tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) và bàn giao những chiếc xe Fadil đầu tiên cho khách hàng – một tốc độ triển khai dự án thần tốc với sự khởi đầu lĩnh vực kinh doanh mới từ con số 0.

Hãng tin Reuters từng nhận định bà Lê Thị Thu Thủy là một trong số ít nữ tướng của ngành ô tô thế giới có đủ khả năng "thách thức" ông trùm xe điện Elon Musk với đế chế Tesla hùng mạnh.

Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc công ty cổ phần FPT

nguyen-van-khoa-tong-giam-doc-cong-ty-co-phan-fpt-pld-1683274189.jpg

Ông Nguyễn Văn Khoa (sinh năm 1977) được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT thay ông Bùi Quang Ngọc từ ngày 29/3/2019. Ông đã có 25 năm gắn bó, trưởng thành tại FPT qua nhiều vị trí công việc khác nhau.

Thời gian đầu, ông là nhân viên triển khai, hỗ trợ kỹ thuật mạng Trí tuệ Việt Nam. Một năm sau, từ 1998-2003, chàng trai gốc Hà Nội này giữ các vị trí trưởng phòng dự án, trưởng phòng Quảng cáo và Phát triển và Trưởng phòng Hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm FPT Internet (thuộc FPT).

Đến năm 2003-2005, ông là Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng thuộc FPT, Phó Giám đốc Kinh doanh – Chi nhánh Công ty FPT Telecom Hà Nội, Giám đốc chi nhánh FPT Telecom tại Hải Phòng vào năm 2006-2007, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Viễn thông Quốc tế FPT thuộc FPT Telecom vào năm 2008-2010.

Sau nhiều năm gắn bó và cống hiến, ông được bổ nhiệm là Tổng giám đốc FPT Telecom, lãnh đạo đội ngũ 14.000 người vào năm 2012 khi mới 35 tuổi, trở thành một trong những lãnh đạo trẻ của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Tháng 3/2018, ông lại được luân chuyển làm Phó Tổng Giám đốc FPT, Tổng Giám đốc Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) trong chương trình quy hoạch và đào tạo đội ngũ lãnh đạo kế cận Tập đoàn FPT.

Trong suốt thời kỳ làm Tổng giám đốc FPT Telecom, ông Khoa đã cùng các cán bộ quản lý nòng cốt đưa ra những quyết sách và tầm nhìn mới mẻ, giúp cho đơn vị này giữ vững vị trí Top 3 công ty cung cấp dịch vụ internet hàng đầu Việt Nam, sở hữu hạ tầng Viễn thông, Internet và Truyền hình phủ rộng 63 tỉnh, thành phố.

Nguyễn Thành Phương – “ông trùm” của thương hiệu Kangaroo

nguyen-thanh-phuong-ong-trum-cua-thuong-hieu-kangaroo-pld-1683274189.jpg

Ông Nguyễn Thành Phương sinh năm 1978, là người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn Điện lạnh Điện máy Việt Úc với thương hiệu Kangaroo nổi tiếng trong nhiều năm qua.

Ông tốt nghiệp khóa 1 Trường Đại học Quản Lý và Kinh Doanh Hà Nội, sau đó làm nghiên cứu sinh và hoàn thành luận án tiến sĩ tại Malaysia. Ngày 18/4/2003, Nguyễn Thành Phương thành lập công ty với số vốn ban đầu 13 triệu đồng.

Lĩnh vực máy lọc nước là dự án start up của ông và cộng sự vào năm 2000 với hơn 200 chiếc máy lọc nước nhập khẩu. Dù tổng số tiền vốn ban đầu vỏn vẹn có 148 triệu đồng, trong đó phần nhiều là tiền vay mượn, ông Nguyễn Thành Phương đã khá thành công khi đưa Công ty cổ phần Tập đoàn Điện lạnh Điện máy Việt Úc trở nên nổi tiếng tại Việt Nam với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là bình nóng lạnh và máy lọc nước.

Đến nay, sau hơn 20 năm, công ty của ông đã nhanh chóng phát triển thành tập đoàn công nghệ toàn cầu. Hiện ông Nguyễn Thành Phương đang giữ vai trò Tổng giám đốc toàn cầu Tập đoàn Kangaroo.

Bên cạnh những cái tên kể trên, doanh nhân 7X còn nhiều cái tên tài năng khác như: ông Đỗ Ngọc Quỳnh – cựu quyền Tổng giám đốc VNDirect, hiện là Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), ông Trần Ngọc Tâm – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank),...

Link nội dung: https://pld.net.vn/profile-an-tuong-cua-nhung-ceo-the-he-7x-a11967.html