Hoàn thiện Quy hoạch điện VIII hướng tới phát triển xanh và bền vững

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII) là quy hoạch ngành đặc biệt quan trọng, hướng tới mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ điện ổn định, có chất lượng cao với giá thành hợp lý cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững.

quy-hoach-dien-8-1683531119.jpg

Kỹ sư trạm 220kV Ðồng Hòa, Truyền tải điện Ðông Bắc 2 (Hải Phòng) kiểm tra giám sát hoạt động của trạm biến áp. (Ảnh TRẦN HẢI)

Sau khi Việt Nam cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, việc hoàn thiện Quy hoạch điện VIII càng trở nên thách thức và cần thêm nhiều thời gian để rà soát, đưa ra những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, Quy hoạch điện VIII đã được nghiên cứu, xây dựng một cách bài bản, khoa học, lấy ý kiến rộng rãi, trong đó có các ý kiến từ nhiều đối tác quốc tế, định chế tài chính song phương và đa phương theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, tập trung gia tăng phát triển nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời và sinh khối nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Quy hoạch điện VIII được xây dựng nhằm cung cấp đầy đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030 và khoảng 6,5-7,5%/năm giai đoạn 2031-2050. Thứ trưởng Công thương Ðặng Hoàng An cho biết, Việt Nam kiên định mục tiêu phát triển xanh và bền vững, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch như năng lượng tái tạo, năng lượng mới (amoniac, hydro);... không phát triển mới nhiệt điện than ngoại trừ những dự án từ quy hoạch cũ; đồng thời, các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch cũng đã và đang được thay thế dần bằng nhiên liệu sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Do đó, về cơ cấu nguồn điện trong bản dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030, nhiệt điện than sẽ chỉ còn chiếm 19% trong tổng công suất phát điện là 158.244 MW; thủy điện chiếm 18,5%; nhiệt điện khí trong nước 9,4%; điện gió trên bờ 13,8%; điện mặt trời 13% và thậm chí được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất;... Ðến năm 2050, tỷ trọng của thủy điện trong tổng công suất phát chỉ còn 6,3-7,3% và sẽ dừng sử dụng than để phát điện.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Quy hoạch điện VIII cần bổ sung những điểm mới về tư duy, tiến bộ khoa học-công nghệ nhằm giải quyết các thách thức đặt ra trong ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 (net zero), chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, đánh thuế carbon với hàng hóa sản xuất sử dụng năng lượng hóa thạch,... "Ðây là xu thế tất yếu, cơ hội để Việt Nam hội nhập, chuyển đổi thành công nền kinh tế, tạo được ưu thế trên thị trường thương mại tự do, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nhận xét về Dự thảo Quy hoạch điện VIII, bà Melissa Bishop, Ðại biện lâm thời Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam chia sẻ: Việt Nam đã có những bước đi tiên phong hướng tới quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch với việc trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới cam kết tham gia Ðối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP). Phía Hoa Kỳ cũng đánh giá cao và ủng hộ Dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng mở rất linh hoạt, dễ điều chỉnh, mang tính hiệu quả cao khi thực thi, gắn liền với quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Chống biến đổi khí hậu đang là ưu tiên chung của Hoa Kỳ và Việt Nam. Hoa Kỳ cũng mong muốn thực hiện cam kết hỗ trợ các mục tiêu khí hậu của Việt Nam. Thực tế, chúng tôi đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng chính sách và khung pháp lý cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Việt Nam, cũng như sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII và Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp khi được phê duyệt.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam John Rockhold cũng đánh giá cao bản dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII, trong đó coi cơ chế JETP là giải pháp quan trọng cho quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi về tài chính trong thực hiện Quy hoạch điện VIII, AmCham đề xuất cần tập trung vào vấn đề cung cấp tài chính cho các dự án điện và năng lượng.

Theo đó, để huy động được nguồn vốn cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thể chế, pháp lý mạnh mẽ và thực tế nhằm thu hút đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân toàn cầu. Quy hoạch Ðiện VIII cần bảo đảm độ linh hoạt đủ để bắt kịp các xu hướng đổi mới toàn cầu về năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ, điện khí linh hoạt (ICE) cũng như các công nghệ khác sẽ có mặt trên thị trường; đồng thời, cần có sự linh hoạt để cho phép một số dự án nhất định có thể tận dụng nguồn lực đã có nhằm tăng quy mô công suất được phân bổ ban đầu nếu dự án đó có những thuận lợi về thời gian phát triển, đáp ứng các yêu cầu vận hành thương mại đến năm 2030 nếu các dự án khác bị chậm tiến độ.

Bà Chiaria Odetta Rogate, Chuyên gia Năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị: Nhu cầu về vốn của Việt Nam cho phát triển nguồn và lưới điện rất lớn. Vì vậy, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư để có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Keiju Mitsuhashi nhấn mạnh, ADB sẵn sàng xem xét tài trợ từ chính phủ và ngoài chính phủ để giúp Việt Nam tăng cường hệ thống lưới điện truyền tải cùng các dịch vụ phụ trợ nhằm bảo đảm sự ổn định của lưới điện với nhiều năng lượng tái tạo hơn.

Thứ trưởng Ðặng Hoàng An cho biết, Việt Nam luôn ý thức việc phát triển năng lượng phải bảo đảm hài hòa lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, bảo đảm an sinh xã hội. Việt Nam cũng đã có những chiến lược cụ thể, rõ ràng với lộ trình chi tiết và đang nỗ lực triển khai quá trình này. Hiện nay, Bộ Công thương đang chủ trì phối hợp xây dựng kế hoạch hành động ngay sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt; đồng thời, tiến hành sửa đổi bổ sung một số luật liên quan nhằm đồng bộ trong quá trình triển khai.

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, linh hoạt, cho nên các con số chỉ mang tính tương đối. Trong quá trình triển khai, các dự án có hiệu quả như điện mặt trời mái nhà, nhiệt điện đồng phát, các nguồn năng lượng mới như hydro, amoniac,... sẽ không có giới hạn về quy mô công suất. Các ý kiến tham vấn, nhất là của bạn bè quốc tế, là hết sức quan trọng để Bộ Công thương hoàn thiện nội dung Quy hoạch điện VIII bảo đảm khách quan, khoa học, khả thi, hướng tới việc phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, đạt được các mục tiêu chung về an ninh năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Việt Nam mong muốn các đối tác nước ngoài tiếp tục hỗ trợ chuyển giao công nghệ; đào tạo và quản trị; hỗ trợ về nguồn tài chính, trong đó có các gói hỗ trợ vốn giá rẻ để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận...

Link nội dung: https://pld.net.vn/hoan-thien-quy-hoach-dien-viii-huong-toi-phat-trien-xanh-va-ben-vung-a12000.html