Khi biến đổi khí hậu gây ra những đợt nắng nóng gay gắt hơn, con người đã có những cải tiến và sáng tạo trong phương pháp thi công cũng như áp dụng những công nghệ vật liệu mới để tăng khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt.
Thông thường, sàn mái và tường nhà là 2 điểm tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Lượng nhiệt hấp thụ từ bên trên sẽ truyền trực tiếp xuống không gian bên dưới qua kết cấu mái, gia tăng sự bức bối, khó chịu.
Để không còn phải “đau đầu” vì tình trạng trên, bạn có thể tham khảo một số cách chống nóng dưới đây và chọn ra giải pháp phù hợp nhất cho ngôi nhà của mình.
Dùng trần tôn cách nhiệt
Tôn cách nhiệt hay còn gọi là tôn chống nóng, tôn xốp. Loại tôn này thường cấu tạo bởi ba lớp gồm lớp tôn bề mặt, lớp cách nhiệt PU (Polyurethane) và lớp màng nhôm hoặc lớp tôn lót.
Tôn cách nhiệt có ưu điểm cản nhiệt truyền vào bên trong ngôi nhà kể cả trong những ngày nắng gắt, cách âm, độ bền tốt và có tính thẩm mỹ cao. Vật liệu này còn thân thiện với môi trường, không chứa tác nhân gây hiệu ứng nhà kính.
So với các loại mái khác, việc thi công mái tôn cách nhiệt đơn giản hơn, không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng đây lại là một trong những giải pháp chống nóng tối ưu hiện nay.
Sử dụng ống thông gió
Thông gió là phương pháp chống nóng cho nhà mái tôn một cách tự nhiên, dễ thi công nên được ứng dụng nhiều cho các công trình dân dụng hiện nay. Ống thông gió có trọng lượng khá nhẹ có thể dễ dàng cho công tác di chuyển, vận chuyển đến nơi cần lắp đặt và phù hợp với đa số các kiểu thiết kế mái bằng, mái đổ dốc của tôn lạnh.
Khi kết hợp giữa trần nhà lợp mái tôn lạnh và ống thông gió, không chỉ giúp không gian thoáng mát hơn mà còn giúp giảm tiêu hao năng lượng điện, tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt.
Sơn cách nhiệt cho mái tôn, tường ngoài
Trong ngành xây dựng, chất liệu sơn tường không chỉ mang tác dụng tô điểm cho công trình mà còn đáp ứng nhu cầu chống nóng cho phần tường ngoại thất, mái tôn.
Sơn chống nóng hay còn gọi là sơn cách nhiệt, đây là loại sơn mà trong thành phần của nó có các chất tạo màng, có khả năng cách nhiệt và phản lại ánh sáng mặt trời.
Trong quá trình hoàn thiện công trình, loại sơn này thường được sơn trên những bề mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời như mái tôn, tường ngoại thất, sân thượng… để làm giảm nhiệt độ bên trong nhà.
Trên thực tế, hiệu quả của sơn chống nóng phụ thuộc nhiều vào độ dày của lớp sơn. Thông thường, màng sơn càng dày thì khả năng chống nóng và cách nhiệt càng cao. Với 2 lần phủ sơn, có thể đạt được hiệu quả cách nhiệt khoảng 12-25 độ C.
Thi công trần, vách thạch cao
Trần nhà thường là nơi tích tụ hơi nóng do hấp thụ ánh nắng trực tiếp từ trên xuống, do đó cần chọn vật liệu cách nhiệt cho trần nhà để giúp giảm nhiệt.
Hiện nay, sử dụng trần thạch cao là biện pháp chống nóng cho mái tôn được nhiều gia đình ưa chuộng. Vật liệu này vừa có tính thẩm mỹ cao, vừa mang lại hiệu quả chống nóng tốt nhờ vào khả năng ngăn chặn lớp không khí nóng bên dưới mái tôn, tránh tiếp xúc trực tiếp với không gian khác trong nhà.
Sử dụng gạch mát chống nóng
Với khả năng cách âm, cách nhiệt, giảm chi phí nhân công và đặt biệt là phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam, gạch làm mát là giải pháp chống nóng được sử dụng phổ biến cho các hạng mục của công trình như tường, trần, sàn, vách.
Gạch mát được cấu tạo bởi lớp PU ở giữa và 2 lớp bề mặt vật liệu xi măng đặc chủng có tính cách nhiệt, cách âm rất cao. Loại vật liệu này được ví như “vách tủ lạnh” trong các công trình xây dựng.
Toàn bộ các chất liệu gạch đều có khả năng cách nhiệt tốt, với chỉ số dẫn nhiệt thấp nên giúp chống nóng hiệu quả. Theo đó, loại gạch này thường được dùng để ốp tường, lót tường và ốp trần, lát sàn… cho nhiều hạng mục công trình xây dựng.
Bề mặt của gạch mát là lớp xi măng đặc chủng có độ nhám và có thể bám dính tốt với các chất liệu khác nhau như bột bả, vữa xi măng, vữa polyme, sơn, giấy dán tường… Bên cạnh đó, vật liệu gạch mát không để xảy ra hiện tượng đổ mồ hôi khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, ngăn chặn quá trình tạo nấm mốc trên bề mặt.
Hữu Việt
Link nội dung: https://pld.net.vn/gia-dien-tang-cao-lam-mat-nha-bang-cach-nao-hieu-qua-tiet-kiem-a12011.html