Tình trạng mua bán nam giới tăng lên, thủ đoạn ngày càng tinh vi

Nhiều đường dây mua bán người đã xuất hiện với các thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao"; tình trạng mua bán người ở trong nước, mua bán nam giới có xu hướng tăng; xuất hiện việc mua bán trẻ sơ sinh.

uy-ban-phap-luat-1683618516.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chủ trì phiên giải trình. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam)

Ngày 8/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người.

"Mua bán nam giới có xu hướng tăng"

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người.

Sau hơn 10 năm thi hành, công tác phòng, chống mua bán người đã đạt những kết quả tích cực, góp phần kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tội phạm mua bán người có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Đối tượng nạn nhân cũng mở rộng không chỉ còn là phụ nữ, trẻ em mà cả nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, nội tạng… Ngày càng có nhiều vụ mua bán người trong nước bị phát hiện gây bất an, lo lắng trong nhân dân.

Mặt khác, việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người ở một số địa phương chưa nghiêm. Công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và công tác giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán còn những hạn chế chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số địa phương trong năm 2023 cho thấy những hạn chế, vướng mắc nêu trên có nguyên nhân xuất phát từ một số quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan không còn phù hợp; đồng thời cũng có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật chưa thật sự hiệu quả...

"Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải đánh giá chính xác tình trạng chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người trên phạm vi cả nước, thực trạng tội phạm trong lĩnh vực này và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan, từ đó có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới," Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về việc chấp hành pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2018-2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho biết cả nước đã phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người với 1.240 nạn nhân.

Cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành thụ lý 560 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến mua bán người; tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can. Tuy nhiên, số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với tình hình thực tế.

Các cơ quan có thẩm quyền đã giải cứu và phối hợp giải cứu cho 352 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh 545 nạn nhân từ nước ngoài trở về. Hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, nhất là việc tổ chức thực hiện tốt các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương về phòng, chống mua bán người giữa Chính phủ Việt Nam với các nước.

Tại phiên giải trình, các đại biểu đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Tư pháp trong việc lựa chọn chuyên đề khảo sát, tổ chức phiên giải trình đúng và trúng vấn đề có tính thời sự hiện nay, được dư luận, nhân dân đặc biệt quan tâm.

Các đại biểu bày tỏ đồng tình và đánh giá cao với nhiều nhận định về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người hiện nay; ghi nhận các cơ quan hữu quan đã thẳng thắn nhìn nhận các nguyên nhân khách quan và chủ quan để từ đó chủ động có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Các đại biểu chỉ rõ tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm về mua bán người diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước.

Nhiều đường dây tội phạm mua bán người đã xuất hiện với các thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao," tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài và muốn về nước phải trả tiền chuộc hay như việc lợi dụng kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài để cưỡng bức lao động, mua bán người hay chiếm đoạt tài sản… Tình trạng mua bán người ở trong nước, mua bán nam giới có xu hướng tăng lên; xuất hiện việc mua bán trẻ sơ sinh.

Các đại biểu đặt nhiều câu hỏi và đề nghị các cơ quan có trách nhiệm giải trình như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tòa án Nhân dân Tối cao có báo cáo giải trình làm rõ một số nhận định tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về mua bán người, công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong chủ động phát hiện, xử lý tội phạm, hợp tác quốc tế, việc giải cứu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người; công tác xây dựng pháp luật, lộ trình sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản có liên quan.

Hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)

Để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; chú trọng tuyên truyền, phổ biến về tình hình tội phạm, nguy cơ, phương thức, thủ đoạn tội phạm mua bán người thường sử dụng; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ bị mua bán với phương pháp phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phong tục, tập quán.

Bên cạnh đó, tăng cường lồng ghép có hiệu quả nội dung phòng, chống mua bán người vào chương trình phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người.

mua-ban-nguoi-2-1683618516.jpg

Công an làm việc với đối tượng cầm đầu đường dây mua bán người. (Nguồn: TTXVN)

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Công an, Bộ đội Biên phòng các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, biên giới, trên biển, xuất nhập cảnh, tạm trú, tạm vắng…; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong giải cứu, tiếp nhận nạn nhân, nhất là trong việc cấp giấy xác nhận nạn nhân bị mua bán.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, cho nhận con nuôi kết hôn có yếu tố nước ngoài; sớm trình cơ quan có thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền sớm sửa đổi các quy định liên quan đến chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng... để hỗ trợ nạn nhân hiệu quả hơn, nhất là hỗ trợ ban đầu, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.

Hội đồng nhân dân các cấp quan tâm việc lồng ghép công tác phòng, chống mua bán người vào các nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tăng cường hoạt động giám sát phòng, chống mua bán người./.

Link nội dung: https://pld.net.vn/tinh-trang-mua-ban-nam-gioi-tang-len-thu-doan-ngay-cang-tinh-vi-a12014.html