Kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em và cứu người bị đuối nước

Kỳ nghỉ hè đã đến gần, cũng là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước khiến nhiều người dân, đặc biệt là trẻ em bị tử vong.

trang-bi-ky-nang-boi-va-phong-chong-duoi-nuoc-mua-he-cho-tre-em-pld-1685011905.jpg
Trang bị kỹ năng bơi và phòng, chống đuối nước mùa hè cho trẻ em.

Mới đây nhất, ngày 20/5, 4 em học sinh đã tử vong khi rủ nhau đi tắm tại khu vực kênh Sông Quao (xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận).

Trong chuyến đi trải nghiệm bắt ngao tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (xã Giao Thiện, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định), 1 phụ huynh và 1 em học sinh bị nước cuốn trôi...

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em, cứu người bị đuối nước, thoát nạn khỏi vùng nước xoáy.

quang-phao-hoac-vat-dung-co-kha-nang-noi-cho-nan-nhan-pld-1685011905.jpeg
Quăng phao hoặc vật dụng có khả năng nổi cho nạn nhân.

Để phòng ngừa đuối nước cho trẻ em

Bộ Công an khuyến cáo cần dạy bơi và kỹ năng chống đuối nước cho trẻ. Khi trẻ tắm tại bể bơi, biển, chơi gần sông, suối, ao, hồ cần có người lớn giám sát; lấp các hố, giếng nước không cần thiết.

Khi phát hiện người đuối nước, hãy hô hoán, dùng cây sào, phao, dây... để họ bám và kéo vào bờ; không nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước.

Người lớn cần trang bị kiến thức để sơ cứu ban đầu cho người bị đuối nước.

Kỹ năng cứu người bị đuối nước:

Tuỳ vào tình hình thực tế và năng lực của mỗi cá nhân mà có phương pháp, biện pháp cứu người bị đuối nước sao cho phù hợp.

Trường hợp người tham gia cứu nạn không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không đủ khả năng trực tiếp cứu người bị nạn cần bình tĩnh suy xét, nhanh chóng quan sát chung quanh tìm cành cây, can nhựa, phao cứu sinh, dây thừng hoặc các vật thể nổi khác; sau đó quăng đến vị trí người bị nạn để họ bám, víu rồi kéo dần người bị nạn vào bờ.

Trong trường hợp người bị nạn ở quá xa bờ, vượt khỏi tầm quăng đến của các phương tiện cứu nạn, người cứu phải bằng mọi cách hô hoán, gọi cứu trợ để cứu người bị nạn một cách nhanh nhất có thể.

Khi người cứu nạn biết bơi nhưng chưa có kỹ năng cứu đuối nước, cần sử dụng phao tròn (phao có dây kéo thì càng tốt) hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, ra ký hiệu cho nạn nhân bám vào phao đưa nạn vào bờ.

Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao (hoặc vật thể nổi) ra phía trước mặt nạn nhân, dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao đã đặt phía trước, giữ cho đầu nạn nhân nổi, bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

luon-giu-dau-nan-nhan-nam-ngua-trong-qua-trinh-keo-vao-bo-pld-1685011905.jpeg
Luôn giữ đầu nạn nhân nằm ngửa trong quá trình kéo vào bờ.

Trong trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình. Để một đoạn có độ dài nhất định để nạn nhân bám vào (chiều dài phần dây dư khoảng từ 3 đến 5 mét), đầu dây còn lại cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây.

Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân hãy hô to hoặc ra ký hiệu và quăng đầu dây cho người bị nạn cầm. Ra ký hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi vừa co dây kéo theo nạn nhân di chuyển vào bờ.

cuu-nguoi-bang-cach-cot-mot-dau-day-vao-vat-the-co-dinh-tren-bo-pld-1685011905.jpeg
Cứu người bằng cách cột một đầu dây vào vật thể cố định trên bờ

Lưu ý, trong mọi trường hợp cứu đuối nước, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh, người cứu nạn tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân, không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt có thể làm cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước.

Trường hợp người cứu nạn biết bơi và có kỹ năng cứu đuối nước, sẽ tiếp cận từ phía sau nạn nhân. Nếu nạn nhân nằm sấp, tiến hành lật ngửa để phần mặt nạn nhân nhô cao hơn mặt nước, dùng 2 tay xốc vào nách nạn nhân từ phía sau rồi bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Hoặc có thể dùng 2 tay ôm chặt 2 bên đầu nạn nhân, giữ cho nạn nhân nằm ngửa phần mặt nạn nhân nhô cao hơn mặt nước, bơi ngửa để đưa nạn nhân vào bờ.

Trong một số trường hợp khi nạn nhân gần chìm, tuỳ vào tình hình thực tế mà người cứu nạn có thể nắm cổ áo, nắm tóc nạn nhân từ phía sau, sử dụng kiểu bơi ếch nghiêng để kéo nạn nhân vào bờ.

Kỹ năng thoát nạn khỏi vùng nước xoáy

Dòng nước xoáy là một dòng nước chảy mạnh từ bờ ra biển. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sóng biển liên tục đưa nước vào bờ tạo thành dòng xoáy chảy mạnh ngược từ bờ ra biển.

ky-nang-nhan-biet-vung-nuoc-xoay-pld-1685011905.jpeg
Kỹ năng nhận biết vùng nước xoáy

Thông thường dòng xoáy ở biển hình thành dưới mặt nước, có màu xanh thẫm (do có độ sâu hơn vùng xung quanh). Trên bề mặt nước khu vực này thường không có sóng “bạc đầu” xô vào bờ.

Dòng xoáy ở biển rất nguy hiểm, vận tốc dòng chảy có thể đạt đến 2,5m/giây, chiều rộng từ 1- 3m, chiều dài dòng chảy có thể đạt đến vài chục mét. Với vận tốc này, khó ai có thể bơi ngược dòng chảy này để vào bờ.

Trên thực tế, rất nhiều người bị hoảng loạn khi gặp tình huống này đã cố bơi ngược trở lại vào bờ, tuy nhiên với cách này hầu hết mọi người đều bị chết đuối.

Khi đang tắm biển mà gặp phải vùng xoáy, dòng chảy mạnh cần cố gắng giữ bình tĩnh và hiểu nguyên lý, dòng nước không cuốn bạn chìm xuống đáy mà chỉ kéo ra xa bờ.

Tuyệt đối không bơi ngược dòng chảy.

Đối với người biết bơi hãy bơi ngang hoặc theo hướng chéo xuôi theo dòng chảy và dần tách ra khỏi dòng chảy, sau đó bơi vòng cung dần tiến vào bờ.

Khi đuối sức, thả lỏng và giữ cho cơ thể nổi, trôi theo dòng chảy. Đến khi thấy dòng chảy yếu , cố gắng bơi chéo tách khỏi dòng chảy và bơi vòng vào bờ hoặc ra hiệu cho cứu hộ hoặc mọi người ứng cứu.

Link nội dung: https://pld.net.vn/ky-nang-chong-duoi-nuoc-cho-tre-em-va-cuu-nguoi-bi-duoi-nuoc-a12242.html