Xử lý các kẽ hở của luật pháp để bảo vệ lợi ích của nhân dân, của đất nước

Tại cuộc làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 11/5 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết đã chỉ đạo các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc phức tạp, nổi cộm cần rà soát để chỉ rõ, công khai những kẽ hở của luật pháp đang bị lợi dụng.

phien-hop-tai-ky-hop-thu-sau-quoc-hoi-khoav-1604-1685333110.jpg

Các đại biểu Quốc hội dự một phiên họp tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)

Từ đó, mỗi người có cơ sở để nhìn nhận, soi xét việc làm của mình và các cơ quan xây dựng luật thấy rõ những vấn đề đặt ra, đồng thời kiến nghị giải pháp sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bịt kín kịp thời những lỗ hổng pháp luật. Chủ tịch nước nêu rõ: Cơ quan chức năng đã thực hiện nội dung công việc này nhưng cần phải làm tốt hơn.

Đề cập tinh thần thượng tôn pháp luật, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nói: Chúng ta cần nghiên cứu để những người làm công tác về pháp luật nhưng biết và lợi dụng kẽ hở để vi phạm pháp luật phải chịu hình thức xử lý nghiêm minh hơn.

Chúng ta cần nghiên cứu để những người làm công tác về pháp luật nhưng biết và lợi dụng kẽ hở để vi phạm pháp luật phải chịu hình thức xử lý nghiêm minh hơn.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng

Những ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước tại buổi làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ làm công tác tư pháp, xây dựng luật pháp. Bởi trong thực tế, đây là những vấn đề lớn, tồn tại trong thời gian dài ở nước ta và mặc dù đã có nhiều nỗ lực xử lý nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Tại các kỳ họp, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã lo lắng, băn khoăn khi đề cập về kẽ hở của luật pháp.

Có ý kiến nêu rõ, trong những dự thảo luật quan trọng, nhất là liên quan đất đai, đầu tư, kinh doanh, tài nguyên, chính sách hỗ trợ thì chỉ cần thêm, bớt hay khác một từ, một cụm từ là có thể dẫn đến những cách hiểu và cách làm khác nhau…

Hiện tượng này có thể gây thất thoát không nhỏ cho tài nguyên quốc gia, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Trong những dự thảo luật quan trọng, nhất là liên quan đất đai, đầu tư, kinh doanh, tài nguyên, chính sách hỗ trợ thì chỉ cần thêm, bớt hay khác một từ, một cụm từ là có thể dẫn đến những cách hiểu và cách làm khác nhau…

Trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV vào ngày 22/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh: Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng; cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất; đặc biệt lưu ý bảo đảm tính công khai, minh bạch, chặt chẽ, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ…

Đề cập những hạn chế của hệ thống pháp luật ở nước ta, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật; tính ổn định của pháp luật thấp, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung; nhiều quy định pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, ít tính khả thi…

Có ý kiến chỉ rõ, hệ thống pháp luật vẫn tồn tại nhiều khoảng trống, nhiều lỗ hổng. Điển hình nhất là những bất cập, chồng chéo, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch; nhà ở, kinh doanh bất động sản, môi trường… Những kẽ hở pháp luật này vô tình tạo điều kiện cho nhiều đối tượng vẫn có thể và dám tham nhũng.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên. Trong đó, có sự chưa hợp lý trong phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước về xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật; chưa hoàn toàn tách biệt giữa công đoạn xây dựng và phân tích chính sách với công đoạn soạn thảo văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức còn hạn chế…

Có đại biểu Quốc hội nêu rõ, trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, của người đứng đầu, của các bộ phận tham mưu, trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng pháp luật, tuy đã được quy định nhưng còn chung chung. Đáng chú ý, còn thiếu chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật, chế tài đối với việc ban hành văn bản pháp luật sai trái.

Để ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, để các quy định của pháp luật ngày càng chặt chẽ, khoa học, linh hoạt và đặt quyền lợi của Nhà nước, nhân dân lên trên hết, bên cạnh tinh thần công tâm, trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan xây dựng luật, cần chú trọng công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể…

Nếu làm tốt, thực chất, tâm huyết nội dung công việc này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể sẽ góp phần quan trọng tìm ra những kẽ hở, những khoảng trống, những bất cập… “nằm” trong các dự thảo quy định của pháp luật.

Những phản biện, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, của nhân dân cần được cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng, rà soát toàn diện và tiếp thu nghiêm túc. Đây là một khâu rất quan trọng trong quá trình xây dựng luật pháp bởi những góp ý này xuất phát từ thực tế cuộc sống của người dân và phản ánh những vấn đề đang đặt ra nhưng chưa có phương hướng giải quyết hiệu quả...

Link nội dung: https://pld.net.vn/xu-ly-cac-ke-ho-cua-luat-phap-de-bao-ve-loi-ich-cua-nhan-dan-cua-dat-nuoc-a12283.html