Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng rộng gần 20.000ha, là khu rừng đặc dụng quý hiếm trên núi đá, bảo tồn hàng trăm loài động, thực vật quý hiếm, nằm trên địa bàn bảy xã, thị trấn thuộc huyện Võ Nhai (Thái Nguyên). Trong khu, có hơn 26 nghìn người dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, là lực lượng quan trọng góp phần quản lý, bảo vệ rừng bền vững. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, người dân không được nhận khoán quản lý, bảo vệ.
Trạm Kiểm lâm số 2, đặt tại xóm Kim Sơn, xã Thần Sa quản lý hơn 10.000ha rừng đặc dụng tại các xã Thần Sa, Thượng Nung và Cúc Đường, nhưng chỉ có bốn cán bộ, kiểm lâm, bình quân mỗi người quản lý hơn 2.500ha rừng. Trưởng Trạm Đặng Văn Nam chia sẻ: "Trước đây còn chính sách khoán bảo vệ rừng cho các xóm, bản, tổ tuần tra bảo vệ rừng rất tự giác, mỗi tuần cắt cử nhân lực đi tuần rừng hai, ba lần.
Từ khi chính sách không còn, việc huy động người dân đi tuần rừng trở nên rất khó khăn, có khi rừng bị xâm hại cũng không báo. Việc tuần rừng, nắm bắt diễn biến rừng đều do lực lượng kiểm lâm đảm nhiệm, mà chúng tôi thì quá ít người, có người tuổi cao không leo rừng được, thường xuyên làm việc với cường độ cao, bất kể ngày nghỉ, lễ, Tết, ban đêm... ".
Nữ kiểm lâm viên Trần Thanh Hải nhà ở thành phố Thái Nguyên. Hôm nào chị cũng đi, về bằng xe máy giữa trạm và nhà tổng quãng đường 75km, mang cơm theo để tuần rừng khoảng ba lần/tuần. Hôm nào thời tiết không thuận lợi hoặc có sự việc liên quan đến rừng, chị phải ở lại trạm. "Yêu rừng và trách nhiệm với công việc được giao nên tôi thường xuyên tuần rừng trong điều kiện địa hình hiểm trở, chia cắt, nhưng mỗi ngày phải đi lại quãng đường dài, sức lực có hạn, không biết sẽ còn bám rừng được bao lâu. Nếu còn chính sách giao khoán bảo vệ rừng thì bản thân, đồng đội sẽ đỡ vất vả hơn và rừng được bảo vệ tốt hơn".
Kinh phí hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ rừng thiếu, thấp đang mang lại nhiều nỗi lo cho công tác bảo vệ rừng đặc dụng. Trung tuần tháng 3/2023, tại Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), lực lượng chức năng đã phát hiện một vụ hủy hoại rừng.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định địa điểm, vị trí đất rừng bị tác động, hủy hoại là các lô 9, 10, 11; khoảnh 1, tiểu khu 77, phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng Vườn quốc gia Ba Bể, thuộc địa phận thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể.
Tại hiện trường có nhiều cây gỗ to, nhỏ, kích thước khác nhau đã bị chặt hạ, chỉ còn một số gốc cây và một phần thân cây. Lâm sản tại hiện trường có sáu cây gỗ, loài thông thường có khối lượng hơn 0,7m3. Lực lượng chức năng hiện đã khởi tố vụ án để điều tra, xử lý.
Theo Chi Cục Kiểm lâm Bắc Kạn, diện tích rừng đặc dụng toàn tỉnh có hơn 29.700ha. Năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp liên quan đến rừng đặc dụng. Riêng ba tháng đầu năm 2023 xảy ra hai vụ tại Vườn quốc gia Ba Bể, trong đó đã khởi tố một vụ.
Điều đáng lo nhất là chính sách khoán quản lý, bảo vệ rừng theo các chương trình cũ đã không còn hoặc mức khoán thấp, trong khi chính sách mới theo Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thì chưa triển khai được.
Mức khoán bảo vệ rừng hiện rất thấp. Đối với xã khu vực II, khu vực III được khoán 400.000 đồng/ha/năm; xã khu vực I khoán 300.000 đồng/ha/năm. Ban quản lý rừng đặc dụng được cấp 100.000 đồng/ha/năm. Cộng đồng dân cư thôn, bản vùng đệm rừng đặc dụng được hỗ trợ 40 triệu đồng/năm. Mức này chưa tương xứng với công sức người dân bỏ ra.
Trưởng thôn Vằng Khít, xã Lương Thượng, huyện Na Rì (Bắc Kạn) Nông Thiêm Du cho biết, người dân tham gia giữ rừng, không tác động vào rừng nhưng lại không có việc làm ổn định. Mức khoán quản lý, bảo vệ rất thấp trong khi đi tuần rừng vất vả, mất thời gian. Nhà nước cần quan tâm đầu tư hơn nữa để người dân yên tâm giữ rừng.
Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên được giao quản lý toàn bộ gần 20.000ha Khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng. Từ năm 2021 trở về trước, Ban giao khoán bảo vệ khoảng 14.000ha rừng cho cộng đồng dân cư 49 xóm, bản với mức khoán 400.000 đồng/ha/năm.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Nguyễn Văn Tuyên cho biết: "Với nguồn kinh phí giao khoán, các thành viên trong tổ nhận khoán bảo vệ rừng của xóm, bản được hỗ trợ bảo hộ, như giày, ủng, đèn pin để đi tuần tra rừng. Mỗi ngày được hỗ trợ 200.000 đồng, phần còn lại sung công quỹ để kiến thiết xóm, bản. Hằng năm, mỗi xóm, bản còn được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, mua cây, con giống phát triển sản xuất.
Do vậy, người dân rất tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Tuy nhiên, khi chính sách này không còn, việc quản lý rừng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi lực lượng mỏng do giảm biên chế, địa bàn lại rộng, địa hình hiểm trở".
Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên có 35 cán bộ, kiểm lâm, trong đó chỉ có năm cán bộ là người địa phương (chủ yếu là lái xe, bảo vệ, hành chính). Số còn lại có nhà ở thành phố Thái Nguyên, các huyện khác nên hằng ngày đi lại làm việc với quãng đường dài, công việc quản lý, tuần rừng, nắm bắt diễn biến rừng khó khăn, phức tạp hơn.
Không còn chính sách giao khoán bảo vệ rừng nên những cánh tay nối dài, tai mắt bảo vệ rừng là người dân ở mọi nơi, mọi lúc không còn nhiệt tình như trước. Mặt khác, cùng chức năng, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí quản lý rừng đặc dụng khó khăn, phức tạp hơn, nhưng lực lượng Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên không được hưởng phụ cấp công vụ như cán bộ các Hạt Kiểm lâm vì thuộc đơn vị sự nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Tuyên cho biết thêm, theo Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 thì Ban Quản lý rừng đặc dụng không thuộc bên giao khoán.
Do đó, năm 2022, Ban được giao số tiền hơn 5,3 tỷ đồng để giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng, nhưng không thực hiện được nên phải chuyển trả ngân sách.
Bắc Kạn đang thiếu khoảng 100 tỷ đồng mỗi năm để chi trả kinh phí hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ rừng. Bắc Kạn giao khoán bảo vệ hơn 58.645ha rừng phòng hộ, hơn 16.638ha rừng sản xuất. Tuy nhiên, tỉnh mới chỉ bố trí được kinh phí để chi trả tiền giao khoán bảo vệ đối với diện tích chuyển tiếp thuộc các xã khu vực I (hơn 7.948ha).
Những diện tích giao khoán các xã khu vực II, khu vực III hiện chưa bố trí được kinh phí. Vì không có kinh phí nên đến nay, Bắc Kạn đang "nợ" các hộ nhận khoán khoảng 50 tỷ đồng.
Trước bất cập này, tỉnh Bắc Kạn đã kiến nghị Trung ương nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ 400.000 đồng/ha đối với xã khu vực II, khu vực III và 300.000 đồng/ha đối với khu vực I như hiện nay lên tối thiểu một triệu đồng/ha/năm trở lên.
Đồng thời, thay thế Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1/6/2012 theo hướng: Nâng mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định cho Ban quản lý rừng đặc dụng từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng/ha/năm; Hỗ trợ phát triển cộng đồng dân cư vùng đệm rừng đặc dụng từ 40 triệu đồng lên 80 triệu đồng/thôn, bản/năm. Bắc Kạn cũng kiến nghị Trung ương xem xét đưa tiêu chí diện tích đất lâm nghiệp và tỷ lệ che phủ rừng bổ sung vào tiêu chí định mức phân bổ chi thường xuyên.
Hiện nay, lực lượng kiểm lâm ở Bắc Kạn, Thái Nguyên khá "mỏng" so với diện tích rừng được giao quản lý. Tại Bắc Kạn mới chỉ có 266 người, trong đó 183 công chức, 68 viên chức, 15 hợp đồng lao động. Trung bình một kiểm lâm viên tại địa phương này đang phải quản lý 1.951ha diện tích đất lâm nghiệp và 1.665ha diện tích rừng.
Điều đó có nghĩa để bảo vệ được rừng thì cần có sự vào cuộc, tham gia của người dân. Như vậy, việc có kinh phí hỗ trợ khoán quản lý, bảo vệ rừng tương xứng với công sức người dân bỏ ra đang là một đòi hỏi cấp thiết ở hai tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên nói riêng cũng như các tỉnh có rừng đặc dụng, rừng tự nhiên nói chung.
Link nội dung: https://pld.net.vn/bat-cap-quan-ly-rung-dac-dung-a12289.html