Kiểm soát chặt chẽ cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tự phát

Việc tăng cường quản lý trong hoạt động giết mổ được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hoạt động tự phát, không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường.

giet-mo-gia-cam-tai-mot-khu-cho-tren-dia-ban-thanh-pho-ha-noi-pld-1685349479.jpg
Giết mổ gia cầm tại một khu chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)

Theo thống kê của Sở Công thương thành phố Hà Nội, với quy mô dân số khoảng 10 triệu người, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 900 tấn thịt gia súc, gia cầm các loại. Điều đáng nói, trong số đó chỉ có khoảng 60% lượng gia súc, gia cầm được kiểm soát và giết mổ tại các cơ sở đủ điều kiện; số còn lại được phó mặc cho các điểm giết mổ nhỏ lẻ, không phép tại các khu chợ cóc, chợ dân sinh không bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tình trạng mua, bán gia súc, gia cầm qua giết mổ không bảo đảm chất lượng trở nên phổ biến tới mức phần lớn người dân chỉ mua, bán theo thói quen, mà không quan tâm đến chất lượng vệ sinh, sự an toàn.

Đến bất cứ khu chợ "cóc", chợ tạm nào trên địa bàn thành phố cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những lồng gà, vịt, chim bồ câu... được nuôi nhốt và giết mổ ngay vệ đường, trên nền gạch, ngay cạnh hệ thống cống rãnh... Tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy có hàng chục hộ buôn bán gia cầm sống và giết mổ ngay tại chợ cho khách hàng khi có nhu cầu.

Tiểu thương Nguyễn Thị Oanh cho biết: "Trung bình mỗi ngày tôi bán khoảng 10-20 con gia cầm sống và hầu như khách hàng đều nhờ giết mổ, làm sạch luôn. Nếu không làm thì họ sẽ không mua và sang cửa hàng khác". Các hoạt động tương tự cũng diễn ra tại các khu vực gần chợ Văn Chương, phường Văn Chương (Đống Đa, Hà Nội). Bà Nguyễn Thị Nga, một tiểu thương cho biết: "Không chỉ giết mổ gia cầm sống cho khách hàng tới mua tại cửa hàng, tôi còn giết mổ thuê với giá 15.000 đồng/con gà, 20.000 đồng/con với vịt, ngan cho người dân đến đây thuê giết mổ...".

Phần lớn các hộ giết mổ gia cầm ngay trên nền chợ, sau đó, lông gà, vịt được thu gom vào túi, vứt ngay ở bãi rác tại chợ, thậm chí bên vệ đường. Thực trạng này không chỉ gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho mầm bệnh cúm gia cầm phát sinh.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hoạt động tự phát chưa được kiểm soát triệt để là do công tác kiểm tra, kiểm soát cơ sở, điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều bất cập.

Do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng, cho nên gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ. Mặt khác, việc chậm trễ xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung; vị trí cơ sở giết mổ không thuận tiện giao thông; cách thức tổ chức phân phối sản phẩm sau giết mổ chưa hợp lý, cũng như thói quen tiêu dùng của người dân... được xem là nguyên nhân vẫn tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Hơn nữa, chính quyền ở một số nơi còn lơ là trong việc xử lý nghiêm các điểm giết mổ chui; chưa thật sự quan tâm công tác quản lý giết mổ và triển khai thực hiện quy hoạch giết mổ trên địa bàn quản lý; thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y chưa triệt để, chế tài chưa đủ mạnh để tạo sự răn đe.

Ngoài ra, các hộ giết mổ chỉ chạy theo lợi ích trước mắt để kiếm lời, chưa ủng hộ việc đưa động vật vào giết mổ tập trung. Do đó, hiện tượng buôn bán, kinh doanh sản phẩm động vật ở các chợ cóc, chợ tạm phục vụ đời sống dân sinh vẫn diễn ra thường xuyên...

Để kiểm soát nguồn thịt gia súc, gia cầm bán ra thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ngày 21/2 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 430/UBND-KTN về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật.

Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, nhà đầu tư tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về quy trình, thủ tục, hồ sơ lập dự án đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn theo thẩm quyền...

UBND các huyện, thị xã có các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 761/QĐ-UBND ngày 17/2/2020, tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động ít nhất 50% số cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được thành phố phê duyệt trước năm 2025 theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố; xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát của chính quyền, cơ quan thú y và có giải pháp quyết liệt trong tổ chức thực hiện; tăng cường thực hiện quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ tập trung theo quy định của Luật Thú y; quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác giết mổ gia súc, gia cầm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn theo quy định và theo phân cấp về quản lý an toàn thực phẩm; bảo đảm sản phẩm gia súc, gia cầm kinh doanh được kiểm soát về nguồn gốc, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tập trung xử lý việc giết mổ gia súc, gia cầm tự phát gây ô nhiễm môi trường...

Cùng với việc thực hiện nội dung trên, để kiểm soát nguồn thịt gia súc, gia cầm bán ra thị trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho việc triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch; tập trung tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm tiến độ, theo thẩm quyền quản lý của các cơ quan chuyên môn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn quản lý theo phân cấp; phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; làm tốt công tác tuyên truyền để từng bước giúp người tiêu dùng thay đổi tập quán, thói quen sử dụng thực phẩm qua kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Link nội dung: https://pld.net.vn/kiem-soat-chat-che-co-so-giet-mo-gia-suc-gia-cam-tu-phat-a12291.html