Tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu

Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên có cái nhìn tổng quát về việc huy động nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, báo cáo giám sát của Quốc hội đóng vai trò là cơ sở để Chính phủ giải quyết những hậu quả của việc thực hiện chính sách trong thời gian qua, đồng thời đề ra các giải pháp toàn diện trong thời gian tới.

Chuẩn bị cho việc công bố hết dịch Covid-19

Chiều 29/5, phát biểu tiếp thu, giải trình nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ sự trân trọng, cảm ơn của ngành y đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã hỗ trợ cho ngành y tế trong thời gian vừa qua; bày tỏ sự tri ân đối với sự đóng góp của nhân dân, cử tri cả nước đã luôn đồng hành cùng với Chính phủ, với ngành y tế trong trận tuyến chống dịch Covid-19.

bo-truong-y-te-dao-hong-lan-phat-bieu-tiep-thu-giai-trinh-noi-dung-dai-bieu-quoc-hoi-neu-pld-1685422107.jpg
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tiếp thu, giải trình nội dung đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Nhất trí với những nội dung trong báo cáo của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh đây là lần đầu tiên chúng ta nhìn nhận một cách tổng quát việc huy động nguồn lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, kể cả kết quả đạt được và những vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Báo cáo đã được xây dựng công phu, chất lượng, đánh giá đầy đủ, súc tích về những kết quả cũng như những khó khăn đã nêu ra và đặc biệt đã chỉ rõ những nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp một cách toàn diện.

Theo Bộ trưởng, thành công của việc huy động, tổng hợp nguồn lực và chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19 gắn với chiến lược vaccine, Quỹ vaccine là yếu tố tiên quyết góp phần quan trọng cho việc kiểm soát đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Giải trình những ý kiến đại biểu về việc chuyển từ bệnh nhóm A sang bệnh nhóm B đối với dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, ngày 5/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây quan ngại toàn cầu nhưng đại dịch chưa kết thúc.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng với các bộ, ngành, rà soát các quy định của pháp luật, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rà soát các biện pháp thực tiễn triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Việt Nam, Bộ Y tế đã chủ trì cùng với các bộ, ngành xây dựng hồ sơ để chuyển phân loại bệnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Bộ trưởng cho biết, để chuẩn bị cho việc công bố hết dịch, dự kiến vào cuối tuần này, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 bàn thảo các nội dung liên quan đến vấn đề này.

Bộ Y tế cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch Covid-19 và đề xuất đưa vaccine Covid-19 vào chương trình tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo của WHO.

Cơ bản giải quyết tình trạng thiếu thuốc khám, chữa bệnh

bo-truong-y-te-dao-hong-lan-pld-1685422108.jpg
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tiếp thu, giải trình nội dung đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, bảo đảm cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, đặc biệt sau thời gian hậu Covid-19, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản trình Quốc hội ban hành nhiều văn bản, nghị quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế.

Hiện nay, để giải quyết căn cơ việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trình Quốc hội sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá. Bộ Y tế cũng đang hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh…

Bộ trưởng cũng khẳng định, với các giải pháp tích cực, đến thời điểm này cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời bày tỏ mong muốn Bộ Y tế sẽ nhận được sự đồng hành để tháo gỡ vấn đề liên quan đến tâm lý sợ mua sắm, sợ đấu thầu bằng những chính sách, giải pháp mang tính chất pháp lý đầy đủ và căn cơ.

“Thực hiện Nghị quyết 80 của Quốc hội, Bộ Y tế đã chỉ đạo đến nay đã cấp được 4 lần điều chỉnh gia hạn thuốc và đã có 10.572 thuốc được gia hạn và đến thời điểm này, về nguồn cung thuốc của đất nước, chúng ta có khoảng 22 nghìn mặt hàng, có thể nói là đã đáp ứng được cơ bản những vấn đề về nhu cầu thuốc của nhân dân”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Về chính sách y tế cơ sở và y tế dự phòng, theo Bộ trưởng, năm 2018, WHO đã nhận định Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản.

Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội cũng đã đánh giá được những kết quả, những mặt được làm được, những vấn đề còn tồn tại về chính sách y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội cũng rất tâm huyết và trách nhiệm để củng cố và phát triển hệ thống này.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Y tế đang hoàn thiện hồ sơ về xây dựng Chỉ thị về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới, với nhiều nội dung liên quan tới mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế triển khai thực hiện, phương thức triển khai thực hiện…

quang-canh-phien-thao-luan-cua-quoc-hoi-pld-1685422107.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận của Quốc hội chiều 29/5. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao việc lựa chọn chuyên đề giám sát này là thiết thực, kịp thời, hiệu quả, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nỗ lực của Đoàn giám sát cùng các cơ quan hữu quan đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, chính quyền địa phương các cấp trong thực hiện giám sát, góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội.

Các ý kiến phát biểu của các đại biểu cơ bản tán thành với nội dung báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết, đồng thời phân tích, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung cụ thể về tình hình, kết quả, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và các giải pháp sắp tới cả về trước mắt và lâu dài.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội đánh giá việc sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm, đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trong giai đoạn dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép đã đặt ra.

Quyết tâm chung sức đồng lòng, tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định giúp chúng ta chiến thắng đại dịch Covid-19.

Sự nỗ lực của Chính phủ, của chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các đoàn thể, tổ chức xã hội…, sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cùng sự tự giác chấp hành và hỗ trợ, chia sẻ trong toàn dân đã đóng góp rất quan trọng vào sự thành công trong công tác phòng, chống đại dịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Quốc hội đã phân tích sâu sắc thêm những tồn tại, hạn chế, chỉ ra nhiều nguyên nhân, làm rõ hơn trách nhiệm liên quan, thống nhất cần có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc, toàn diện, cụ thể, trực tiếp vào các nội dung của Nghị quyết.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đoàn giám sát sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, hoàn thiện báo cáo tiếp thu giải trình và dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp thứ 5.

Link nội dung: https://pld.net.vn/thao-go-van-de-lien-quan-den-tam-ly-so-mua-sam-so-dau-thau-a12319.html